Bộ Tài chính đôn đốc giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài

Nguyễn Hải 01/12/2022 11:59

(Baonghean.vn) - Tiếp tục đôn đốc giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài, sáng 01/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về tiến độ giải ngân đầu tư công vốn vay chương trình, dự án nước ngoài năm 2022.

Chủ trì từ điểm cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng. Cùng dự có đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Kho bạc Nhà nước, 13 bộ, ngành và đại diện 61 tỉnh, thành cả nước.

Chủ trì từ điểm cầu Nghệ An có đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các sở, ngành liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết: Năm 2022, mặc dù được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên tục đôn đốc và các bộ, ngành liên quan có nhiều cố gắng nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và giải ngân đầu tư công vốn vay ngoài nước nói riêng còn nhiều khó khăn, tiến độ thấp. Thực tế trên dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư, tiến độ triển khai các công trình, dự án chậm lại và đối mặt với các tranh chấp pháp lý về quản lý nợ công vay nước ngoài.

Theo đó, sau 11 tháng, trên cơ sở kế hoạch giao từ đầu năm vốn đầu tư công vay nước ngoài là 34.800 tỷ đồng, sau đó được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm 424 tỷ đồng. Đến 30/11, tổng các nguồn theo kế hoạch, cả nước đã giải ngân đạt 20,06%, trong đó các bộ, ngành giải ngân đạt 34,2%, các địa phương là 32,14 %, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 từ 6-7%; nếu tính cả nguồn từ năm 2021 chuyển sang năm 2022 và nguồn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn.

Hội nghị là dịp để đại diện các bộ, ngành, địa phương báo cáo tiến độ giải ngân tại địa phương mình; đồng thời nêu nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm và giải pháp tháo gỡ.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành cấp tỉnh theo dõi hội nghị từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Đối với Nghệ An, theo kế hoạch vốn ODA năm 2022 được Trung ương giao đã nhập Tabmis là 482,14 tỷ đồng; vốn kéo dài kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, 3 dự án với tổng số tiền là 53,7 tỷ đồng; vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của tỉnh là 219,9 tỷ đồng, đến 30/11, Sở Tài chính đã nhập Tabmis 135,07 tỷ đồng, đạt 61,42%.

Tính đến hết tháng 11 năm 2022, tỉnh giải ngân được 93,726 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19,44% kế hoạch giao. Trong 8 dự án được giao chi tiết vốn nước ngoài, có 1 dự án giải ngân trên 90%, 1 dự án giải ngân trên 30%, 3 dự án giải ngân dưới 10% và 3 dự án chưa thực hiện giải ngân do mới khởi công nên đang triển khai các thủ tục tuyển tư vấn quốc tế hỗ trợ, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu xây lắp và đang làm các thủ tục gia hạn hiệp định vay. Về giải ngân vốn vay nước ngoài năm 2021 kéo dài sang năm 2022, đến ngày 30/11, đã giải ngân được 3/53,7 tỷ đồng, đạt 5,59%. Trong đó 1/3 dự án đã giải ngân 100%, 2 dự án chưa giải ngân do vướng mắc về thủ tục sử dụng vốn dư; giải ngân 21,973/135,071 tỷ đồng vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, đạt 16,27%.

Dự án Nâng cấp hạ tầng đô thị thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) sau 3 năm không được cấp vốn, từ cuối năm 2022 được cấp vốn nên thi công trở lại. Ảnh: Nguyễn Hải

Trước đó, trên cơ sở rà soát tiến độ và khả năng giải ngân, ngày 16/9/2022, UBND tỉnh đã có Công văn 7071/UBND-KT gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 là 160,8 tỷ đồng, đồng nghĩa với tổng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của tỉnh chỉ còn 321,333 tỷ đồng.

Cũng như các tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài Nghệ An đạt thấp là do thủ tục thực hiện các chương trình vốn ODA qua nhiều bước khá phức tạp; một số dự án đang tiến hành đấu thầu, giải phóng mặt bằng tái định cư nên chưa thực hiện triển khai thi công xây lắp; giá cả các loại vật liệu xây dựng, nguyên liệu đầu vào biến động khiến nhà thầu gặp khó trong thi công.

Dự án đê bao dọc sông Thái, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) được nâng cấp từ nguồn vốn vay nước ngoài ODA phát huy tốt hiệu quả nên được tiếp tục bố trí vốn để triển khai gói mới từ cuối năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, tỉnh Nghệ An đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 114/2021 về quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức; kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục có ý kiến với các nhà tài trợ về việc rà soát lại các quy trình, thủ tục để hài hòa hơn giữa quy định của nhà tài trợ và quy định trong nước; rút ngắn thời gian, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xem xét, cho ý kiến đối với công tác đấu thầu, đền bù tái định cư; đối với các dự án thành phần cụ thể tại tỉnh, đề nghị Bộ chủ quản và Ban quản lý dự án Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để triển khai công việc và đấu thầu đảm bảo tiến độ đề ra.

Kết luận hội nghị, trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị đề xuất của các bộ, ngành và địa phương, đại diện Bộ Tài chính cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề nghị trong thời gian còn lại 1 tháng, các bộ, ngành và địa phương cũng nỗ lực, quyết tâm cao để giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn được giao năm 2022./.

Mới nhất
x
Bộ Tài chính đôn đốc giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO