Bên hành lang Quốc hội sáng 29/5, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, chia sẻ báo chí về việc TP.HCM đề xuất chế độ chính sách cho hai “hiệp sĩ” đường phố tử vong khi ngăn chặn nhóm trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM) tối 13/5.
Ông Dung cho biết đã nhận được đề xuất công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 2 “hiệp sĩ” đường phố Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam.
“Về quan điểm cá nhân thì tôi ủng hộ đề xuất của TP.HCM. Hiện chúng tôi đang giao cho anh em đối chiếu các quy định để xem xét đề xuất với tinh thần là đủ điều kiện thì sẽ sớm công nhận”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Công Khanh |
Theo người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc xem xét đề xuất của TP.HCM sẽ căn cứ các tiêu chuẩn được pháp luật quy định. Nếu đáp ứng đầy đủ các quy định thì bộ sẽ công nhận.
Ông Dung cho rằng hành động nghĩa hiệp của 2 “hiệp sĩ” đường phố Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam cần phải được xã hội tôn vinh. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì mô hình này hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn cho “hiệp sĩ” chúng ta phải được trang bị kỹ năng, điều kiện cho họ.
“Nếu thiếu cơ sở pháp lý cho mô hình này thì cũng phải củng cố, bổ sung cho hoàn thiện”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói thêm.
2 hiệp sĩ thiệt mạng, 3 người khác phải nhập viện cấp cứu sau vụ vây bắt băng trộm tối 13/5. Ảnh: Thái Linh. |
Trước đó, vào ngày 13/5, nhóm hiệp sĩ gồm 7 người bám theo 2 thanh niên có biểu hiện khả nghi. Thấy nhóm này bẻ khóa chiếc xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nhóm hiệp sĩ TP.HCM ập vào khống chế.
Hai “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi (sinh năm 1976, quê Bình Định) và Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1989, quê Đồng Nai) bị trộm cầm hung khí đâm tử vong, 3 người khác bị thương phải nhập viện.
Ngày 23/5, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xem xét trình Thủ tướng công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 2 “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam. UBND TP.HCM cho rằng việc các “hiệp sĩ” đường phố phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội là tự nguyện, tranh thủ thời gian rảnh rỗi bên cạnh công việc chính hàng ngày để góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua.