Bộ trưởng Tài chính trải lòng về điều hành 2012-2013
Ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có kết quả các giải pháp liên quan đến tài chính, ngân sách.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ đối thoại trực tuyến với nhân dân Kết thúc năm 2012, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã cán đích với kết quả thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra (tính cả thu dầu thô). Bộ trưởng Vương Đình Huệ chia sẻ cùng độc giả về công tác điều hành chính sách tài chính năm 2012 và những quyết tâm năm 2013.
PV: Năm 2012 được xem là năm của tái cơ cấu, đặc biệt là đối với các DNNN. Xin Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện tái cơ cấu DNNN, nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty đã và đang được triển khai đến đâu? Những giải pháp và định hướng lớn nào sẽ được triển khai trong năm 2013?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tại Hội nghị TW 3 Khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định: Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta.
Để triển khai quá trình tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKT, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến 30/11/2012, đối với các DN Trung ương: Có 52 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước xây dựng đề án trình Bộ chủ quản, Thủ tướng để xem xét, phê duyệt (trong đó có 16 Đề án đã trình Thủ tướng); Có 24/52 Tập đoàn, Tổng công ty được phê duyệt Đề án tái cấu trúc. Đối với các DN địa phương: Có 23 đơn vị đã xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản.
Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện hoàn tất việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2012 đề án tái cơ cấu của từng Tập đoàn, Tổng công ty với các giải pháp cụ thể liên quan đến hoạt động sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá; giải pháp thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cơ cấu lại nợ, đổi mới nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực...
PV: Năm 2012, Bộ tài chính đề xuất gói giải pháp cứu doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là hỗ trợ thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn là “tính cua trong lỗ” bởi doanh nghiệp hoặc chết, hoặc ốm yếu còn đâu mà “thụ hưởng”. Năm tới đây, Bộ Tài chính sẽ có biện pháp quyết liệt gì?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trước những khó khăn của nền kinh tế và các DN trong nước, ngay trong những tháng đầu năm 2012, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN và khôi phục sự tăng trưởng của nền kinh tế. Kết quả, trên phạm vi cả nước, ngành Thuế đã xử lý miễn, giảm, gia hạn tiền thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ cho khoảng gần 500.000 lượt DN và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân.
Sự vào cuộc tích cực của ngành Tài chính đã tạo hiệu ứng tức thì trong góp phần khích lệ tinh thần và trực tiếp giúp các DN giảm bớt khó khăn trước mắt và nâng dần sức cạnh tranh. Những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2012 đang từng bước phát huy hiệu quả, thể hiện ở một số chỉ tiêu như tốc độ tăng chỉ số hàng tồn kho đang giảm dần; chỉ số sản xuất công nghiệp đang được cải thiện; lạm phát được kiềm chế, lãi suất giảm,…
Tuy vậy, trước dự báo năm 2013 nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, xuất phát từ cả các yếu tố bên trong và bên ngoài, đặc biệt là hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, nguồn vốn cho đầu tư phát triển, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước… Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN 2013 đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ trước mắt cũng như dài hạn. Theo đó, các giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và các giải pháp đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định thực hiện trong năm 2013 bao gồm: Một là, gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN, thuế GTGT cho các doanh nghiệp; giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ và áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội từ 1/07/2012; giảm tiền thuê đất năm 2013, năm 2014; Gia hạn nộp tiền sử dụng đất; đẩy mạnh hỗ trợ, tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao các Bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính thực hiện tốt phương án xử lý nợ xấu, điều hành giá linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá và tiền tệ, tăng cường huy động vốn qua thị trường tài chính và tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tái cấu trúc nền kinh tế…
PV: Lãi suất cao, hàng hóa sản xuất ra không bán được, hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Bộ trưởng có thấy trong những bất cập hiện nay của nền kinh tế có cả sự bất ổn của chính sách tài khóa?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Kết quả thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012 cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được còn bộc lộ không ít những khó khăn và thách thức.
Thứ nhất, mặc dù có sự cố gắng lớn trong toàn ngành song thu NSNN năm 2012 cũng chỉ ở mức cơ bản hoàn thành dự toán, một số lĩnh vực và địa phương không đạt được dự toán đề ra. Trong 4 khoản thu lớn, chỉ có thu từ dầu thô và thu viện trợ là vượt dự toán, các khoản thu còn lại (thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) đều đạt ở mức thấp, đặc biệt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh. Những khó khăn về thu NSNN đã đặt công tác điều hành chi NSNN đứng trước nhiều thách thức nhất là trong bối cảnh nhu cầu chi cho một số lĩnh vực tiếp tục tăng nhanh như chi cho con người, chi đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo.
Thứ hai, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính công chưa tạo sự chuyển biến mạnh. Những hạn chế trong phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính công tuy đã được chỉ ra song vẫn còn tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt, vấn đề nợ xây dựng cơ bản chưa được xử lý dứt điểm.
Thứ ba, tình trạng sử dụng đất đai, trụ sở sai mục đích, lãng phí vẫn còn xảy ra, chế tài trong xử lý sai phạm chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước còn thấp.
Ngoài ra, việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công triển khai chưa quyết liệt; cải cách hành chính, bộ máy quản lý tài chính trong một số khâu còn thiếu đột phá, trình độ quản lý thuế của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp; hạn chế trong công tác phân tích dự báo, đánh giá tác động và hiệu ứng chính sách cũng như phối hợp thực hiện chính sách.
Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2013 (ảnh Internet)
PV: Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng có khá nhiều dấu ấn trong nhân dân với những quyết tâm về điều hành tài chính, thị trường. Bước sang năm 2013, Bộ trưởng sẽ tạo những đột phá gì trong chính sách tài chính?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Giai đoạn 2013-2015 là những năm quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định các cân đối lớn về tài chính ngân sách; không để lạm phát cao quay trở lại; đảm bảo tuân thủ kỷ luật tài khóa. Cụ thể, trong năm 2013, ngành Tài chính sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có kết quả các giải pháp liên quan đến tài chính, ngân sách mà Chính phủ đã xác định trong Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó tập trung vào việc thực hiện có kết quả các biện pháp về giảm và gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các chính sách có liên đến đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhà ở xã hội.
Trong dài hạn, ngành Tài chính sẽ tập trung thực hiện đồng bộ với lộ trình hợp lý các nhóm giải pháp đã xác định trong Chiến lược tài chính đến năm 2020 cũng như các chiến lược ngành, lĩnh vực có liên quan, trong đó đẩy mạnh việc tập trung thực hiện có kết quả 3 đột phá: đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện có hiệu quả các yêu cầu về tái cơ cấu nền tài chính quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hiện đại hóa công nghệ quản lý và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo (vov.vn) - L.T