Bộ Y tế “trả lại tên cho sữa”

02/10/2013 09:49

Ngày 29/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá trước ngày 5/10.Sự việc đã cho thấy tác động xã hội rất lớn của việc giá sữa tăng chóng mặt thời gian qua.

Việc các sản phẩm có tên gọi “sữa” cho trẻ dưới 6 tuổi “bỗng dưng” biến mất trên thị trường, đồng thời với việc giá sữa leo thang trong các tên gọi mới, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Y tế, khi “đột nhiên” đưa ra qui định mới với lý do “các thành phần trong sản phẩm cho trẻ nhỏ phải đảm bảo phù hợp lứa tuổi, lượng đạm sữa chỉ 11 - 12%, đồng thời phải thêm các vi chất, vitamin giúp cho trẻ tăng trưởng. Trong khi đó sữa là sản phẩm có lượng đạm 34%”.

Từ quan niệm của Bộ Y tế, sữa lao vào cơn khủng hoảng giá với tốc độ tăng chóng mặt. Dư luận bức xúc, Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể với các sản phẩm sữa và kê khai giá với những sản phẩm này, thế nhưng, Bộ Y tế vẫn khẳng định “việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm này…”. Bộ Y tế còn lý giải rằng “việc định danh lại sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là để phù hợp với các quy định, thông lệ quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên. Lâu nay, người tiêu dùng đã nhầm lẫn khi gọi tất cả sản phẩm có thành phần sữa bột là sữa”.

Viện dẫn “thông lệ quốc tế” ra để thuyết phục dư luận, nhưng hóa ra, chính Bộ Y tế mới “nhầm lẫn” khi định danh lại sữa. Bằng chứng là các tổ chức quốc tế đã phải ra Thông cáo chung về vấn đề này, để khẳng định đây là “việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” và chỉ rõ “việc gọi tên không đúng các sản phẩm sữa công thức là “thực phẩm bổ sung” đã gây ra sự hiểu lầm lớn”.

Nhờ đổi tên, sữa đã lọt khỏi vòng kiểm soát giá mấy tháng qua.
Nhờ đổi tên, sữa đã lọt khỏi vòng kiểm soát giá mấy tháng qua.

Như vậy, rõ ràng là Bộ Y tế đã không dựa trên các căn cứ khoa học về sức khỏe trẻ em để đưa ra tên gọi mới cho sữa! Cũng không dựa vào tiêu chuẩn của quốc tế để “qui chuẩn”. Vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Y tế lại phải “đặt lại tên” cho sữa trong bối cảnh quá nhạy cảm là ngay khi sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi được đưa vào quản lý giá? Nhất là khi, việc đổi tên sữa chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp khi thoát khỏi phải đăng ký giá với Bộ Tài chính mỗi lần tăng hay giảm giá?

Trong khi sản phẩm sữa liên quan đến hàng triệu trẻ em mỗi ngày và đã có nhiều cuộc họp cũng như văn bản giữa các bộ liên quan, Bộ Y tế vẫn kiên quyết “không trả lại tên cho sữa”, còn Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng không đề xuất bổ sung sản phẩm dinh dưỡng vào danh mục bình ổn giá. Người dân cứ chịu cảnh giá sữa cao gần như nhất thế giới, trong khi các Bộ liên quan, thay vì chung tay giải quyết vì quyền lợi của người dân, lại chỉ tìm cách đổ lỗi và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Nhiều tháng liền mà việc xử lý của các bộ liên quan vẫn giậm chân tại chỗ, đã đưa đến cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ em Việt Nam. Đến lúc này, trước những bất thường trên thị trường sữa, thêm một câu hỏi nữa mà người tiêu dùng có quyền đặt ra: Đó liệu có phải là hành vi thao túng giá và ai là người dung túng cho việc này?

Dưới sức ép của dư luận và Chính phủ, cuối cùng, vài ngày nữa, sữa cũng phải được gọi là... sữa! Nhưng với những gì đã diễn ra, cùng với việc từ trước tới nay, các thông tư của Bộ Y tế chỉ liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống, tức là vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi, có thể thấy rõ việc quản lý của Bộ Y tế còn nhiều điều cần chấn chỉnh. Nhưng điều mà người tiêu dùng muốn biết, đằng sau việc đặt lại tên cho sữa dẫn đến giá sữa tăng vọt ở đây là do trình độ kém, năng lực quản lý chưa tốt, hay còn những gì phía sau?

Dù là nguyên nhân gì, cũng không thể phủ nhận hậu quả xã hội rất lớn thời gian qua của việc đổi tên sữa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, khi đã gây những xáo trộn không mong muốn, khiến Chính phủ phải vào cuộc và Liên hiệp quốc phải lên tiếng mạnh mẽ. Vì thế, cần phải làm rõ trách nhiệm của việc để sản phẩm sữa cho trẻ “lọt lưới” quản lý giá thời gian qua, và xử lý nghiêm minh, mới ngăn ngừa được những sự việc tương tự, lấy lại niềm tin cho nhân dân .

Với danh mục cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống do Bộ Y tế phải ban hành, vấn đề lại tiếp tục được đặt ra: Bộ Tài chính có để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị “làm giá” nữa hay không?

Ngày 30/9, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế, đơn vị trực tiếp liên quan đến việc “đổi tên” sữa vừa qua, cho PV Báo CAND biết: Trong ngày 30/9, Cục ATTP đã thông báo chính thức “Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trước ngày 5/10.

Theo đó, Danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 15 Luật Giá bao gồm: sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Ngày 30/9, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế, đơn vị trực tiếp liên quan đến việc “đổi tên” sữa vừa qua, cho PV Báo CAND biết: Trong ngày 30/9, Cục ATTP đã thông báo chính thức “Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trước ngày 5/10.

Theo đó, Danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 15 Luật Giá bao gồm: sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Theo CAND - TH

Mới nhất
x
Bộ Y tế “trả lại tên cho sữa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO