Bối cảnh ra đời của Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC)

14/11/2011 14:54

(Baonghean) - Trên Biển Đông hiện có nhiều tranh chấp tiềm tàng, có tranh chấp song phương, có tranh chấp đa phương. Các tranh chấp này có thể gây ra những vấn đề rắc rối không chỉ cho các nước tranh chấp mà còn cho cả các nước khác trong khu vực, thậm chí toàn khu vực. Các tranh chấp có thể phức tạp hơn với sự quan tâm của các nước ngoài khu vực. Ngoài tranh chấp chủ quyền, Biển Đông còn có các tranh chấp về phân định các vùng biển.

Mặt khác, Công ước 1982 đưa ra một loạt các vấn đề pháp lý như: hợp tác nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường, chống cướp biển và buôn lậu. Trong khi các vấn đề chủ quyền Biển Đông chưa được giải quyết, các tranh chấp khác cũng khó có thể giải quyết triệt để. Việc hợp tác một số lĩnh vực ít nhạy cảm cũng chỉ có thể thực hiện được khi các bên có tranh chấp có được một lòng tin nhất định và có chung một cách xử thế trong Biển Đông.

Trước và sau khi phê chuẩn Công ước 1982, chính sách của nước ta đối với tranh chấp này là nhất quán. Điều này đã được thể hiện trong Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngày 12/5/1977 của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội tháng 6/1994 khi phê chuẩn Công ước 1982. Ngoài các văn kiện chính trị pháp lý, lập trường của Việt Nam được thể hiện rõ trên thực tế. Trong giải quyết các tranh chấp song phương, Việt Nam đạt được Thoả thuận với Malaixia ngày 5/6/1992 về khai thác chung vùng chồng lấn trong Vịnh Thái Lan, với Thái Lan tại Hiệp định ngày 9/8/1997 về phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, với Trung Quốc tại Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ ngày 25/12/2000, với Inđônêxia tại Hiệp định phân định thềm lục địa ngày 11/6/2003.

Đối với tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam chủ động tìm mọi cơ hội giải quyết hoà bình trong cả quan hệ song phương và đa phương. Ngay cả khi bị tấn công một cách bất hợp pháp bằng vũ lực trên quần đảo Trường Sa vào tháng 3 năm 1988, bởi Trung Quốc hay sau đó là lực lượng vũ trang Malaixia đổ bộ lên đảo Hoa Lau, Việt Nam vẫn kiên trì tìm giải pháp hoà bình bằng đề nghị lãnh đạo các nước giải quyết bằng đối thoại, đàm phán. Kết quả, ngoài thoả thuận, nâng mức quan hệ từ 16 chữ, 4 tốt lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc, chúng ta đã thoả thuận giải quyết các yêu sách của 2 bên với Malaixia trên một số đảo, đảo nhỏ và bãi cạn nửa nổi nửa chìm trong Biển Đông bằng con đường đàm phán.

Đối với Philippin, chúng ta cũng đạt được một số thoả thuận là lãnh thổ của 2 nước không được cho quốc gia thứ 3 sử dụng làm căn cứ cho hoạt động thù địch chống lại một nước khác; 2 nước không sử dụng vũ lực để giải quyết mọi bất đồng, con đường duy nhất đi đến một giải pháp là đàm phán; Philippin và Việt Nam mãi mãi là bạn của nhau. Hai nước ra Tuyên bố chung ngày 7/11/1995 tại Hà Nội khẳng định 2 bên giải quyết tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa qua đàm phán hoà bình, hữu nghị, thiết lập cơ chế hợp tác, tiếp đó là sáng kiến thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là cơ sở để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông DOC giữa ASEAN và Trung Quốc.

(còn nữa)


Phòng Bạn đọc

Mới nhất
x
Bối cảnh ra đời của Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO