Bóng chuyền Nghệ An: Mạnh phong trào, yếu thành tích

29/03/2015 11:32

(Baonghean) - Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, phong trào bóng chuyền ở tỉnh ta phát triển khá mạnh. Từ thành phố đến đồng bằng, từ miền núi đến miền biển, từ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đến các thôn xóm, bản làng... hầu như ở đâu cũng có sân bóng chuyền và thu hút số đông người tham gia tập luyện, thi đấu.

Ở nhiều địa phương, vào mỗi dịp Tết hay khi làng mở hội, phong trào thi đấu bóng chuyền lại diễn ra sôi nổi giữa các thôn, xóm, góp phần tăng không khí sôi động cho ngày hội, cổ vũ tinh thần thể dục, thể thao trong nhân dân. Anh Hồ Đức Thới – một thành viên của đội bóng chuyền xóm 4, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) cho biết: “Bóng chuyền là môn thể thao được người dân ưa thích, bởi ưu điểm của môn thể thao này là nhiều người có thể chơi cùng một lúc, sân chơi không cần diện tích quá rộng, kinh phí đầu tư mua bóng, lưới không nhiều lại rèn được sự dẻo dai, giải tỏa được căng thẳng sau một ngày làm việc nên những năm gần đây, được chính quyền tạo điều kiện bố trí sân tập, số lượng sân bóng chuyền nhiều thêm, số người trong xóm tham gia tập cũng ngày một tăng”.

Pha bóng trong trận giao hữu giữa đội bóng chuyền nữ Nghệ An  và đội bóng chuyền nữ Nongkhai (Thái Lan)
Pha bóng trong trận giao hữu giữa đội bóng chuyền nữ Nghệ An và đội bóng chuyền nữ Nongkhai (Thái Lan)

Không chỉ có nam giới tham gia tập luyện, rất đông chị em cũng hào hứng với môn thể thao này. Ở một số địa phương miền núi như Quỳ Hợp, Tương Dương, Tân Kỳ…, phong trào tập luyện, thi đấu bóng chuyền nữ phát triển mạnh. Đặc biệt, ở huyện Quỳ Hợp, hầu hết các xã đều thành lập được đội bóng chuyền nữ, tập luyện và giao lưu thi đấu thường xuyên, tiêu biểu như các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân…

Do sự phát triển mạnh mẽ của phong trào bóng chuyền ở cơ sở nên bộ môn này đã có mặt tại rất nhiều giải thể thao phong trào như Đại hội TDTT từ cấp xã đến cấp tỉnh, Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, rồi hội thao của các ngành, các cơ quan, đơn vị như các ngành Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng, Điện lực… Ngoài ra, bóng chuyền còn có mặt ở hầu hết các lễ hội truyền thống như Lễ hội Vua Mai, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Làng Vạc, Lễ hội Đền Bạch Mã, Lễ hội Đền Cuông…

Tuy có phong trào phát triển mạnh nhưng ở cấp độ thành tích cao, cũng như các môn bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền Nghệ An lại phát triển khá èo uột. Những người yêu thích môn bóng chuyền Nghệ An chưa một lần được chứng kiến đội tuyển bóng chuyền nam hoặc nữ tham gia tranh tài ở giải đấu cao nhất cả nước là Giải vô địch Quốc gia. Năm 2006, do thành tích không được như kỳ vọng, cộng với một số vấn đề lộn xộn ngoài chuyên môn, cả 2 đội bóng chuyền nam và nữ đều phải giải tán. Đến năm 2008, bóng chuyền Nghệ An mới được trở lại sân chơi thành tích cao nhưng cũng chỉ có bóng chuyền nữ. Từ năm 2010, đội bóng chuyền nữ của Nghệ An đã được thi đấu tại giải A1 toàn quốc.

Nếu xét về mặt thành tích thì đội nữ Nghệ An được xếp loại khá trong hàng ngũ các đội hạng A toàn quốc những năm gần đây, khi họ luôn đứng cận kề ranh giới 5 đội giành vé tham dự vòng chung kết. Bên cạnh đó, đội bóng chuyền nữ tỉnh nhà hiện sở hữu một trong những VĐV libero xuất sắc của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay, đó là cựu tuyển thủ quốc gia Lê Thị Thanh Liên. Khi đội bóng chuyền nữ Nghệ An không thi đấu tại Vòng chung kết giải bóng chuyền nữ Vô địch Quốc gia, chị thường được một số CLB hạng đội mạnh quốc gia như Cao su Phú Riềng hay Bia Sài Gòn TBD mượn về thi đấu.

Năm 2014, bóng chuyền nữ Nghệ An có thêm một phát hiện mới, đó là Võ Thị Hiền - một cầu thủ đa năng hiếm thấy khi chị vừa có thể đảm nhiệm vai trò chuyền hai của đội hình 4 – 2, vừa làm nòng cốt trong phòng thủ và đỡ chuyền 1 mỗi khi xuống hàng sau. Tại vòng bán kết giải hạng A 2014, tuy có chiều cao thuộc loại khá khiêm tốn – chỉ 1,67m, nhưng cầu thủ có tuổi đời còn rất trẻ (SN 1995), mang áo số 16 của Nghệ An lại là tâm điểm thu hút sự chú ý bởi những quả đập khá chuẩn, không kém phần uy lực sau vạch 3m và ở hàng trên cũng như khả năng xử lý bóng thông minh, tinh tế để ghi rất nhiều điểm cho đội nhà. Hiện một số nhà cầm quân của các đội nữ thuộc hạng khá giỏi trong 12 đội mạnh quốc gia đã tìm cách liên hệ để mời chào Võ Thị Hìên về thử việc…

Tuy thành tích khả quan so với một đội bóng mới được tái lập và có những gương mặt VĐV triển vọng nhưng hiện nay, bóng chuyền nữ Nghệ An lại mang phận “đứa con rơi” so với các môn thể thao thành tích cao khác. Dù giai đoạn 2008 – 2013, “cơn bão” xã hội hóa giúp cho bóng chuyền Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng bóng chuyền Nghệ An có tìm “đỏ mắt” cũng chẳng thấy doanh nghiệp nào muốn tài trợ, do đó kinh phí duy trì đội bóng phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách của tỉnh. Trong lúc đó, theo Đề án phát triển thể thao thành tích cao của Nghệ An môn bóng chuyền cũng không nằm trong kế hoạch tập trung đầu tư mũi nhọn. Mặt khác, hệ thống thi đấu bất cập của bóng chuyền Việt Nam khiến một đội bóng chuyền ở một địa phương còn khó khăn như Nghệ An càng khó có được sự quan tâm đúng mức. Ví như trong suốt năm 2014, đội bóng chuyền nữ Nghệ An chỉ thi đấu có… 4 trận chính thức gặp các đội Trẻ TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Hà Nội, Vĩnh Long, còn lại là đấu giao hữu rồi... tập chay.

Theo ông Dương Văn Minh - Trưởng bộ môn bóng chuyền của Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT tỉnh , chia sẻ: "Hiện nay, thu nhập của VĐV quá thấp nên sau khi được đào tạo trưởng thành, một số em cống hiến ít năm rồi xin chuyển đi thi đấu cho đội bóng khác, đa số nghỉ thi đấu. Nếu có nguồn kinh phí dồi dào thì các VĐV có thể sống được bằng nghề nên sẽ gắn bó lâu dài hơn và chắc chắn bóng chuyền Nghệ An sẽ giành được nhiều thành tích cao hơn". Hy vọng rằng, để tương xứng với sự phát triển của phong trào, ngành TDTT sẽ quan tâm hơn đến bộ môn bóng chuyền, từ việc tìm nguồn kinh phí tài trợ đến công tác tuyển dụng, quản lý đào tạo, đãi ngộ nhằm nuôi dưỡng đội tuyển bóng chuyền nữ Nghệ An trưởng thành hơn nữa.

Minh Quân

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bóng chuyền Nghệ An: Mạnh phong trào, yếu thành tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO