Bóng đá "phủi" lên ngôi
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các giải đấu chuyên nghiệp như V.League ngày càng kém hấp dẫn, giải hạng Nhất, Nhì, Ba cũng ít người quan tâm, thì bóng đá phong trào (gọi nôm na là bóng đá “phủi”) lại phát triển rầm rộ khắp nơi ở tỉnh ta. Đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt ngôi sao nổi danh một thời như Quốc Vượng, Lâm Tấn, Hải Nam, Tân Thịnh, Phan Thanh Hoàn… ở các CLB bóng đá phong trào càng khiến cho những trận cầu “phủi” thêm phần sôi động và hấp dẫn. Nở rộ các CLB bóng đá phong trào
(Baonghean) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các giải đấu chuyên nghiệp như V.League ngày càng kém hấp dẫn, giải hạng Nhất, Nhì, Ba cũng ít người quan tâm, thì bóng đá phong trào (gọi nôm na là bóng đá “phủi”) lại phát triển rầm rộ khắp nơi ở tỉnh ta. Đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt ngôi sao nổi danh một thời như Quốc Vượng, Lâm Tấn, Hải Nam, Tân Thịnh, Phan Thanh Hoàn… ở các CLB bóng đá phong trào càng khiến cho những trận cầu “phủi” thêm phần sôi động và hấp dẫn.
Nở rộ các CLB bóng đá phong trào
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 300 CLB bóng đá phong trào, trong đó riêng Thành phố Vinh đã có hơn 200 CLB. Tại 2 giải bóng đá phong trào mới đây ở Thành phố Vinh (Cúp Bia Larue và Cúp bia Sài Gòn), các trận đấu đã diễn ra rất hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt khán giả đến cổ vũ, hầu hết các trận đấu trên các khán đài luôn chật kín chỗ ngồi, đặc biệt ở trận chung kết hàng trăm người không mua được vé phải đứng ngoài hàng rào xem và cổ vũ. Quả thật không khí của giải đấu ở hai giải bóng đá “phủi” đó khiến cho BTC giải hạng Nhất, Nhì, Ba và các giải bóng đá trẻ quốc gia cũng phải ghen tị.
Có thể thấy lý do các trận cầu “phủi” thu hút được đông đảo khán giả đến xem, trước hết là nhờ tính vô tư và quyết liệt trong thi đấu. Vấn đề dàn xếp, mua bán, móc ngoặc tỷ số, nạn bán độ ở các giải bóng đá phong trào hầu như không có, nên tính trung thực và tinh thần thể thao được thể hiện rõ nét hơn. Ngoài ra, chất lượng chuyên môn của các trận cầu “phủi” bây giờ khá cao với nhiều cầu thủ có kỹ thuật tốt. Bên cạnh các đội bóng của các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, còn có rất nhiều các CLB bóng đá phong trào tự phát và kinh phí hoạt động hoàn toàn do các thành viên tự đóng góp. Một số CLB bóng đá phong trào đã gây dựng được những dấu ấn riêng, được nhiều người biết đến như: FC Thành Cổ, FC Văn Minh, FC Free, FC 100, FC Mèo, FC BB, FC Vinh, FC Đô Lương, FC Thái Hòa, FC Hồng Đào … CLB Lão tướng thành Vinh – đa phần là cựu cầu thủ SLNA các thế hệ, chính là những người mở đầu cho phong trào bóng đá “phủi” trên địa bàn với cái tên thường gọi trước đây là “bóng đá chiều tà”.
Sự hình thành của các CLB bóng đá phong trào đều có một điểm chung là xuất phát từ sự đam mê bóng đá của một số người, họ tập hợp lại, đi thuê sân bãi đá tập với nhau để rèn luyện sức khỏe, tự tổ chức các trận cầu giao lưu, rồi dần dần hình thành nên các CLB. Đối với các CLB bóng đá ở các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, mỗi lần đại diện cho đơn vị mình tham gia giải còn được đơn vị lo kinh phí tập luyện và thi đấu, còn hầu hết những CLB tự phát không những hiếm khi có dịp tham gia các giải đấu mà họ còn phải tự bỏ tiền túi ra thuê sân bãi tập luyện. Mặc dù vậy, chính niềm đam mê và tinh thần tự nguyện đó lại là yếu tố rất quan trọng tạo nên tính ổn định và bền vững cho sự duy trì của các CLB phong trào.
Bóng đá “phủi” hút sao V.League
Dạo qua một vòng các sân cỏ nhân tạo ở các điểm như Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, sân tập SLNA, SVĐ phường Hưng Phúc, Trường Đại học Vinh, CLB thể thao QK4,… Ai cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều “ngôi sao” bóng đá một thời lừng danh của SLNA và cả nước như: Lâm Tấn, Quốc Vượng, Hải Nam, Phan Thanh Hoàn, Nguyễn Tân Thịnh, Hồ Thanh Thưởng, Lê Mạnh Huy, Văn Sỹ Linh… đang khoác áo các CLB bóng đá “phủi”. Đó là chưa kể đến vô số các gương mặt từng khoác áo các đội trẻ SLNA và QK4 chưa kịp nổi danh đã thất sủng, đành phải đi đá “phủi” để thỏa chí niềm đam mê trái bóng tròn.
Quốc Vượng tâm sự: “Bóng đá với tôi như cơm ăn, nước uống hàng ngày, không thể thiếu được. Không được thi đấu đỉnh cao thì chơi bóng đá phong trào, miễn là được ra sân để thỏa cơn khát”.
Bóng đá “phủi” không chỉ thu hút được sự tham gia của những ngôi sao đã hết thời mà còn thu hút được rất nhiều ngôi sao đang thi đấu ở V.League tham gia. Đặc biệt vào những thời điểm giải vô địch quốc gia - V.League kết thúc hoặc nghỉ lễ, hầu hết các cầu thủ SLNA đều chọn giải pháp tham gia cùng các CLB bóng đá “phủi” để duy trì thể lực và cảm giác bóng. Ngoài ra, như một cầu thủ SLNA cho biết thì “Cảm giác thi đấu ở một trận bóng “phủi” cũng có những điều hấp dẫn thú vị riêng, mặc dù thi đấu ở đây không lương, không thưởng”. Qua các trận đấu như thế có thể nhận thấy trình độ giữa sao bóng đá phủi và sao V.League không chênh lệch nhau nhiều, thậm chí ở nhiều tình huống bóng, một số sao bóng đá “phủi” tỏ ra vượt trội hơn cả sao V.League, do quen thi đấu sân cỏ nhân tạo với đội hình 7 người.
Hình thành nghề đá bóng “phủi”
Hầu hết những cầu thủ chơi bóng “phủi” là những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, họ tự góp tiền thuê sân thi đấu với nhau cho vui. Tuy nhiên, vẫn có nhiều CLB bóng đá “phủi” do một số ông “bầu” là chủ các doanh nghiệp thành lập và chi tiền nuôi đội bóng, đó là những ông chủ thuộc loại khá giả và chịu chơi. Nhờ vậy, nhiều cầu thủ chuyên sống bằng nghề đi đá bóng “phủi”. Dĩ nhiên, đó phải là những cầu thủ xuất sắc và có “số má”, hay nói cho mỹ miều họ là những “ngôi sao bóng đá phủi”.
Những “ngôi sao bóng đá phủi” cũng giống như các ngôi sao sân cỏ bình thường khác, phải qua quá trình rèn luyện, nỗ lực phấn đấu để khẳng định tên tuổi. Mới đây, làng bóng phủi thành Vinh xôn xao chuyện Thái Bá Phi – một ngôi sao bóng đá “phủi” người Đô Lương được một ông bầu ở Quảng Ninh mời ra khoác áo đội bóng của doanh nghiệp do ông ta làm chủ để thi đấu 1 tuần ở giải phong trào, ngoài tiền công trọn gói 40 triệu đồng, ông bầu này còn tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho cả gia đình Thái Bá Phi nghỉ ở Hạ Long trong suốt 1 tuần diễn ra giải đấu. Nếu so sánh mức thu nhập trong 1 tuần như thế thì rất nhiều ngôi sao ở V.Legue cũng phải mơ ước. Tất nhiên, trường hợp của Thái Bá Phi rất hiếm hoi và với chính cầu thủ này cũng mới duy nhất chỉ có một lần may mắn được như thế.
Nói về thu nhập chắc hầu hết các cầu thủ bóng đá “phủi” đều ước muốn gia nhập FC Văn Minh. Theo lời các cầu thủ của CLB này và được ông bầu Nguyễn Đàm Văn xác nhận thì tất cả thành viên FC Văn Minh đều phải vừa đá bóng vừa tham gia làm việc ở công ty, nhờ đó họ có mức lương ổn định mỗi tháng từ 7 đến 9 triệu đồng. Tính chịu chơi của ông chủ xe khách Văn Minh đã thu hút được rất nhiều ngôi sao bóng đá “phủi” đến đầu quân. Thậm chí một số ngôi sao nổi tiếng như tiền đạo Văn Quyến, tiền vệ Như Thuật cũng đã từng bày tỏ ý định sau khi giã từ bóng đá đỉnh cao sẽ về thi đấu cho FC Văn Minh, và một thông tin mới đây cho biết, sắp tới hai cựu tuyển thủ quốc gia Lê Quốc Vượng, Phạm Hải Nam sẽ chính thức trở thành thành viên của đội bóng phong trào này.
Trận đấu giữa FC Văn Minh và FC PTS tại Giải bóng đá Đoàn các doanh nghiệp Nghệ An 2013.
Sự nở rộ của các CLB bóng đá phong trào đã góp phần đa dạng hóa các hoạt động thể thao trên địa bàn tỉnh ta, thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao phát triển. Tuy nhiên, với số lượng hàng trăm CLB bóng đá phong trào như thế, nhưng Sở VHTT&DL vẫn chưa có chế tài quản lý và giám sát để giúp các CLB đi vào hoạt động quy củ, chưa có một giải bóng đá thường niên nào dành cho các CLB bóng đá nói trên, nên các đội phải tiếp tục tự tổ chức đá “phủi” với nhau, từ chỗ giao lưu uống bia vui vẻ đã xuất hiện một số trận đấu cá cược giữa các bên mang tính chất đánh bạc với số tiền khá lớn. Một số vụ xô xát giữa cầu thủ hai CLB cũng đã xảy ra.
Nên chăng Sở VHTT&DL cần sớm ban hành quy chế hoạt động đối với các CLB bóng đá phong trào, tiến tới thành lập Liên đoàn bóng đá tỉnh Nghệ An và tổ chức các giải đấu thường niên nhằm giúp các CLB có một sân chơi lành mạnh, bổ ích giống như Liên đoàn võ thuật và Liên đoàn cầu lông tỉnh đã thực hiện rất hiệu quả những năm qua.
Hoàng Hảo