Bóng đá, quốc ca và lòng tự hào dân tộc
Tại sao bóng đá có khả năng khơi dậy niềm vui, lòng tự hào dân tộc đến vậy? Vì sao trước khi thi đấu, hai đội phải chào cờ, hát quốc ca nước mình?
Những ngày qua, nhiều người chúng ta đã sống trong trạng thái lâng lâng khó tả trước chiến thắng của đội tuyển U-23 Việt Nam mang lại, dù chúng ta vẫn chưa sờ tới chiếc cúp vàng giải vô địch châu Á. Vì sao bóng đá lại có sức lan tỏa, khơi dậy niềm vui và lòng tự hào đến vậy?
Những cuộc “lên đồng” vì chiến thắng
Không dưng mà bóng đá được gọi là môn thể thao vua. Đây là môn hội tụ rất nhiều yếu tố từ thể lực, tốc độ, kỹ thuật… cho đến tư duy, chiến lược và tinh thần đồng đội. Nó đòi hỏi người chơi phải tương tác và kết nối với nhau; trên sân bóng không có sự phân biệt sắc tộc hay tôn giáo.
Cùng với đó là các luật chơi đơn giản, không tốn nhiều chi phí và không phân biệt tầng lớp, lứa tuổi hay đẳng cấp. Có lẽ vì vậy mà bóng đá đã trở thành một môn thể thao phổ biến trên toàn cầu.
Nhìn lại lịch sử bóng đá, chúng ta không thể không nhắc đến những kỳ tích của đội bóng của Đan Mạch (Euro 1992), Hy Lạp (Euro 2004) hay Pháp (World Cup 1998)… Họ đã tạo nên những điều kỳ diệu khiến người dân nước họ có những đêm không ngủ.
Đội U-23 VN hát quốc ca trước trận đấu (ảnh nhỏ) và người ham mộ vỡ òa cảm xúc khi giành chiến thắng. Ảnh: BĐVN-HOÀNG GIANG
Điển hình là hành trình chinh phục cúp vô địch Euro 2004 của Hy Lạp - đội tuyển bị đánh giá là đội lót đường của giải. Vậy mà bằng lối đá tử thủ, tinh thần đồng đội và chiến lược thông minh, Hy Lạp đã mang cúp vô địch về quê hương của những vị thần. Thủ đô Athens và rất nhiều nơi khác trên đất nước Hy Lạp đã thức trắng đêm để ăn mừng chiến thắng. Họ cùng nhau đổ xuống đường, hát vang quốc ca tại quảng trường trung tâm Omonia Square, cùng ôm chầm lấy nhau và khóc trong hạnh phúc. Cả đất nước Hy Lạp lúc bấy giờ gần như “lên đồng” vì chiến thắng, một chiến thắng nằm ngoài mơ ước của chính họ.
Bóng đá chạm vào trái tim
Những ngày qua, cả nước ta cũng đã trải qua những đêm không ngủ vì chiến thắng ngoạn mục của đội tuyển U-23 Việt Nam trên đấu trường châu lục. Đã lâu lắm rồi Việt Nam mới có một sự kiện khiến nhân dân vui mừng đến vậy. Già trẻ, gái trai đều cùng nhau theo dõi. Từng dòng người lưu thông trên đường không hẹn mà đồng loạt dừng lại để chứng kiến loạt penalty nghẹt thở. Họ ôm chầm lấy nhau khi chiến thắng thuộc về chúng ta mặc dù vài giây trước đó họ vẫn là những người xa lạ.
Và dù không giành được cúp vô địch nhưng người dân vẫn đổ xuống đường, vẫn chào đón đội tuyển U-23 trở về như những người hùng. Vì sao? Sẽ không quá lời khi cho rằng chính họ, các cầu thủ U-23 tuyệt vời của chúng ta, đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi chúng ta.
Chúng ta đã chứng kiến con đường rèn luyện gian nan của các cầu thủ, thậm chí đổ máu, chấn thương, luôn đối mặt với áp lực lớn lao trong mỗi trận đấu. Họ đã thi đấu vì niềm tin của hàng triệu người hâm mộ, vì lòng tự tôn dân tộc và cả lòng yêu nước. Họ là những chiến binh quả cảm!
Không phải ngẫu nhiên mà trước mỗi trận đấu quốc tế, hai đội bóng đều phải chào cờ, hát quốc ca của nước mình. Chính nghi thức mở màn trận đấu ấy, chính lá quốc kỳ in trên áo cầu thủ đã hun đúc nên lòng tự hào dân tộc và tình yêu tổ quốc. Mỗi cá nhân cầu thủ không đá bóng cho riêng mình, không chỉ cho đội tuyển mình mà còn cho cả tổ quốc mình!
Điều này lý giải vì sao khi nhìn thấy cầu thủ U-23 của chúng ta cắm quốc kỳ trên tuyết trắng và cúi chào, hàng triệu con tim Việt Nam đã rung lên vì thổn thức.
Rõ ràng bóng đá đã chạm vào trái tim của chúng ta!
Nghi thức không thể thiếu trước khi bóng lăn
Rất khó để xác định được trận bóng đá đầu tiên trong lịch sử có tổ chức lễ chào cờ, hát quốc ca cho các đội tuyển quốc gia trước mỗi trận đấu. Song thực tế không thể tranh cãi là hình ảnh các vận động viên nghiêm trang chào cờ, hát vang những bản quốc ca hùng hồn đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong các trận bóng đá quốc tế.
Ông Andrei S. Markovits, giảng viên tại ĐH Michigan, cho biết lần đầu tiên toàn bộ thành viên đội tuyển của một nước hát vang quốc ca tại World Cup là vào năm 1982. Đó là đội tuyển Brazil với thế hệ của những Socrates, Zico, Facao lừng lẫy và hào hoa. Thế nhưng đó cũng không phải là lần đầu tiên tổ chức lễ chào cờ tại một trận cầu quốc tế.
Không chỉ riêng bóng đá, tại Mỹ, hát quốc ca trước những trận đấu bóng chày và bóng bầu dục giữa các đội quốc nội đã có hơn 100 năm nay. Bản nhạc Star-Spangled Banner (tạm dịch: Lá cờ chói lọi ánh sao) lần đầu tiên được phát trước khi khai màn một trận đấu bóng chày là vào năm 1897, hàng chục năm trước khi nó chính thức trở thành bản quốc ca của nước này.