Bóng đá và phận nữ nhi

08/03/2015 09:12

1. Có một nghịch lý, trong khi bóng đá nam được người hâm mộ quan tâm, đầu tư hết mực, thì bóng đá nữ trong nhiều năm qua vẫn mang phận “kép phụ”.

Bằng chứng, cũng diễn ra trong chiều 5/3 ở sân Hàng Đẫy đã có 5 ngàn khán giả đến theo dõi trận đấu giữa U23VN - HN T&T trong khi các sân cỏ cả nước diễn ra Giải VĐQG 2015 của các nữ cầu thủ cũng chưa đủ được con số khán giả mơ ước như thế. Phải chăng chúng ta đang đối xử quá tệ bạc với các cô gái đá bóng, dù chính họ là niềm hy vọng lớn lao cho giấc mơ vàng SEA Games của bóng đá Việt Nam? Vấn đề này thực ra không mới, nhưng đó vẫn là nỗi trăn trở, nhức nhối mỗi khi gợi lên. Suốt gần một thập niên qua, giải bóng đá nữ VĐQG chỉ có 6 đội tham dự và cuộc đua tranh luôn diễn ra để định ngôi hậu vì thế cũng kém hấp dẫn. VFF vẫn chưa có giải pháp nâng cao chất lượng bóng đá nữ. Với số lượng đội ít ỏi như thế, hằng năm duy trì tổ chức giải VĐQG chỉ trong vòng 1 tháng, thì lấy đâu ra hiệu quả!? Nhiều địa phương cảm thấy làm bóng đá nữ tốn kém quá nên cũng nản luôn.

Luận về thành tích tại đấu trường khu vực và châu lục thì các cô gái đá bóng luôn khiến cho các đồng nghiệp nam phải ngã mũ thán phục. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi không làm phép so sánh giữa hai đội tuyển nam và nữ, mà ở đây chúng tôi muốn hướng độc giả chú ý đến những cô gái trong giới “quần đùi áo số” đang quyết tâm mang lại vinh quang cho Tổ quốc với nhiều khó khăn, thử thách. Để theo nghiệp bóng đá các nữ cầu thủ đã phải hy sinh rất nhiều, từ nhan sắc (phụ nữ thì ai cũng có nhu cầu làm đẹp) gia đình, cuộc sống... nhưng họ vượt lên tất cả để thỏa mãn niềm đam mê. Mặc dù cầu thủ nữ nào cũng xác định tư tưởng “đá bóng vì màu cờ sắc áo” nhưng họ cũng cần phải sống, nghĩa là họ cũng cần sự quan tâm đầu tư. Nhìn vào mức lương của một cầu thủ nữ cao nhất như Kiều Trinh (VĐV nữ xuất sắc nhất ĐNA) cũng chỉ được 7 triệu đồng/tháng, chưa bằng mức thu nhập của một cầu thủ trẻ chưa hết thời gian học việc.

2. Chấp nhận theo nghiệp bóng đá nghĩa là các cô gái chấp nhận phải trải qua thời gian tập luyện gian khổ như bất kỳ nam cầu thủ nào. Ngoài ra các cô gái còn phải đối mặt với sự đánh giá của dư luận khi khoác lên mình nghiệp “quần đùi, áo số”. Bên cạnh đó, với đặc thù giới tính, họ cũng gặp nhiều khó khăn để duy trì sự nghiệp khi còn phải làm vợ, làm mẹ. Vậy mà những Kiều Trinh, Kim Hồng, Văn Thị Thanh, Kim Chi,… đã vượt qua tất cả, chiến thắng mọi khó khăn để mang về những danh hiệu, những chiếc cúp quý giá và cả sự tôn trọng của bạn bè thế giới về bóng đá Việt Nam. Nhưng đổi lại, cái họ nhận được là gì? Và thực tế kể từ khi giấc mơ World Cup trôi tuột qua tay khi các cô gái Việt Nam trong trận Play-off với Thái Lan các cô gái đá bóng Việt Nam đã không giành được sự quan tâm của người hâm mộ và nhận lấy sự thờ ơ của VFF. Một thực tế phũ phàng sau mỗi giây phút vinh quang.

Rất may, trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam theo “chuẩn Nhật Bản” của VFF thì bóng đá nữ cũng được quan tâm đúng mức. Chiều 4/3, tại trụ sở LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã diễn ra lễ ký kết và công bố HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Theo đó, ông Norimatsu Takashi người Nhật Bản sẽ gắn bó với ĐT nữ Việt Nam với bản hợp đồng 2 năm. Nhưng người hâm mộ sẽ đặt câu hỏi liệu việc bổ nhiệm một HLV người Nhật Bản chưa từng có kinh nghiệm làm bóng đá nữ như hiện nay thì thành tích của Việt Nam có được cải thiện như kỳ vọng đang diễn ra ở bóng đá nam với HLV Miura. Và điều mà người viết mong muốn, sau những thay đổi thời gian qua thì các cô gái đá bóng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của người hâm mộ và xa hơn là sự quan tâm của những nhà quản lý bóng đá để cuộc sống của các cầu thủ được cải thiện hơn hiện nay. Nếu có đó sẽ là món quà đầy ý nghĩa với các nữ cầu thủ.

Đại Nghĩa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bóng đá và phận nữ nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO