TIEU DE

08/07/2024

Trong số 197 đại biểu người uy tín tiêu biểu được tôn vinh tại Chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Tạp chí Cộng sản, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội, có 7 nhân vật mang quân hàm xanh, trong đó, có 1 nữ quân nhân chuyên nghiệp. Đó là Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh - “bông hồng xanh” nơi biên cương xứ Nghệ.

titi phu 1

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Môn Sơn (Con Cuông) và Tam Hợp (Tương Dương), “O Thanh biên phòng” từ lâu đã trở thành “người của bản”.

Cách đây gần 6 năm, khi đang làm việc tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi viết đơn xung phong lên nhận công tác tại Đồn Biên phòng Môn Sơn (Con Cuông) - địa bàn có 36,5 km đường biên giới và 7 cột mốc tiếp giáp với tỉnh Bôlykhămxay (Lào) với hơn 80% là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là tộc người Đan Lai và một số ít người Kinh.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh giúp nhân dân xã Môn Sơn, Con Cuông làm mùa
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh giúp nhân dân xã Môn Sơn (Con Cuông) làm mùa. Ảnh: G.H

Thời điểm ấy, nhiều người bày tỏ lo lắng không biết người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy có trụ được ở địa bàn có địa hình núi cao, khe sâu, giao thông khó khăn ấy không? Nhưng rồi, “bông hồng xanh” nơi biên cương đã sớm làm quen với môi trường mới, vượt qua rào cản về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, hòa nhập với cuộc sống đồng bào.

Chị Trần Thanh tham gia ngày hội đại đoàn kết cùng nhân dân bản Bắc Sơn xã Môn Sơn, Con Cuông, ảnh tư liệu
"O Thanh Biên phòng" tham gia Ngày hội Đại đoàn kết cùng nhân dân bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu

Là nhân viên đội vận động quần chúng, thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn, vất vả của người dân, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã chủ động tham mưu cho Ðảng ủy, Ban Chỉ huy đồn triển khai nhiều giải pháp giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đồng thời là “cầu nối” kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Nhiều lần có dịp đi công tác, đồng hành với Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh xuống các bản làng biên giới, đi đến đâu cũng thấy "O Thanh Biên phòng” tạo được sự kết nối gần gũi, mang lại tiếng cười và giành được nhiều sự yêu mến của cán bộ thôn, bản và người dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn thăm gia đình chị La Thị Hà (ảnh trên) và La Thị Nguyệt.
"O Thanh Biên phòng" thăm gia đình chị La Thị Hà (ảnh trên) và bà La Thị Nguyệt. Ảnh tư liệu: H.T

Với bà La Thị Nguyệt ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn thì “O Thanh” không chỉ là người thân trong nhà mà còn là “ân nhân” đã hỗ trợ, đồng hành giúp gia đình bà vươn lên thoát nghèo.

Nhờ “O Thanh” tặng con giống, “cầm tay chỉ việc” bày cho cách trồng trọt, chăn nuôi, nay gia đình bà Nguyệt đã có của ăn, của để, còn mua được máy xay xát gạo làm dịch vụ.

Không chỉ gia đình bà Nguyệt mà còn 7 hộ khác, trong đó, có 4 hộ người Đan Lai ở xã Môn Sơn được "O Thanh" trực tiếp giúp đỡ phát triển kinh tế hộ qua hình thức hỗ trợ con giống, giống cây; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi; trồng trọt... Nhờ đó, người dân đã biết cách làm ăn và tiếp tục tái đầu tư để xây dựng mô hình sinh kế lâu dài.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chăm sóc học sinh Đan Lai tại Ký túc xá vùng biên Môn Sơn. anh tư liệu TC
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chăm sóc học sinh Đan Lai tại ký túc xá vùng biên Môn Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Còn với riêng các em học sinh Đan Lai từng ở tại khu nội trú THCS Môn Sơn, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chẳng khác nào người mẹ thứ hai. Trước đây, Trường THCS Môn Sơn gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các em học sinh tộc người Đan Lai, nhất là ở 2 bản Búng và Cò Phạt vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát đến trường. Một phần do các em đã quen sống biệt lập, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài; một phần do quãng đường từ nhà đến trường khá xa (từ 15 - 20 km đường rừng), đi lại khó khăn.

Nữ quân nhân biên phòng Nguyễn Thị Trần Thanh như người mẹ thứ hai của học sinh Đan Lai tại mô hình %22 Ký túc xá vùng biên%22 ở trường THCS Môn Sơn, Con Cuông.Ảnh tư liệu
Nữ quân nhân biên phòng Nguyễn Thị Trần Thanh như người mẹ thứ hai của học sinh Đan Lai tại ký túc xá Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu

Trước thực tế đó, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã tham mưu một số hoạt động phối hợp giữa Trường THCS Môn Sơn với Đồn Biên phòng Môn Sơn trong thành lập và duy trì mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá biên cương”.

Đây là chốn ăn ở, sinh hoạt cho những học sinh tộc người Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng có độ tuổi từ 12 đến 16. Lần đầu xa gia đình ở bán trú để học tập trong môi trường mới, nhiều cháu vẫn giữ thói quen, tập tục lạc hậu, thường xuyên trốn học về nhà và không quay trở lại trường.

Chị Nguyễn Thị Trần Thanh tặng quà cho các em nhỏ vùng cao
Chị Nguyễn Thị Trần Thanh tặng quà cho các em nhỏ vùng cao. Ảnh: G.H

Vì vậy, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã chủ động tiếp cận, gần gũi, trực tiếp trò chuyện, bày vẽ, hướng dẫn kỹ năng sống cho các cháu, đặc biệt là trẻ em gái, từ đó giúp học sinh Đan Lai thay đổi nhận thức và thói quen, có lối sống khoa học, nề nếp.

Dần dần các cháu đã mạnh dạn, tự tin, cởi mở hơn trong giao tiếp, biết chào hỏi mọi người, tự giác học tập và vệ sinh cá nhân…

Để hỗ trợ thêm cho các cháu trong học tập và sinh hoạt, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ thiện hỗ trợ gần 1.000 thùng mì tôm; hàng trăm bộ quần áo; sách vở, giày, dép, kẹp tóc, dầu gội; 2 ti vi và nhiều học bổng... trị giá gần 400 triệu đồng.

Chị Trần Thanh tặng dép cho trẻ em nghèo ở Môn Sơn
Chị Nguyễn Thị Trần Thanh tặng dép cho trẻ em nghèo ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: G.H

Nhờ đó, các em học sinh Đan Lai đã yên tâm ở lại ký túc, không trốn học đi chơi, bỏ học về nhà nữa. Nhiều em bây giờ đã đi làm ăn xa, thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho “mẹ Thanh” xin tư vấn về những định hướng nghề nghiệp, việc làm và những vấn đề khác trong cuộc sống.

Tấm lòng của Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh với người dân vùng khó còn thể hiện qua việc chị đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn xây dựng “Gian hàng 0 đồng” tặng miễn phí hàng tấn quần áo, sách vở, đồ dùng cho người dân; trực tiếp kêu gọi hỗ trợ xây nhà cho hộ ông Lô Văn Huyên ở bản Cằng trị giá hơn 75 triệu đồng; hỗ trợ làm đường nước dân sinh cho bà con Đan Lai ở tổ 3, bản Cửa Rào trị giá hơn 65 triệu đồng; kêu gọi hỗ trợ xây dựng điểm trường mầm non tại bản Làng Yên trị giá 2 tỷ đồng…

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh luôn quan tam đến sự học của trẻ em dân tộc thiểu số
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh luôn quan tâm đến sự học của trẻ em dân tộc thiểu số. Ảnh: CSCC

Quá trình công tác ở địa bàn biên giới Môn Sơn (Con Cuông) trước đây và Tam Hợp (Tương Dương) hiện nay, nhận thấy phụ nữ tộc người Đan Lai và các dân tộc Tày Pọong, Thái, Mông, Khơ mú… không những gặp khó khăn về kinh tế mà còn gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống do hạn chế trong tiếp cận kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật…

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới… nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chụp ảnh cùng phụ nữ Môn Sơn
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chụp ảnh cùng phụ nữ xã Môn Sơn (Con Cuông).

Chị còn tham mưu chỉ huy đơn vị phối hợp Hội Phụ nữ xã Môn Sơn thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 3 Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia” tại bản Bắc Sơn, Nam Sơn và làng Yên, với 105 hội viên.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh tham gia sinh hoạt CLB Phụ nữ bảo vệ biên giới ở Môn Sơn. Ảnhkl
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh tham gia sinh hoạt CLB "Phụ nữ bảo vệ biên giới" ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: G.H

Đầu năm 2024, khi chuyển công tác sang địa bàn xã Tam Hợp ( Tương Dương) - nơi có 25,724 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Thoong, tỉnh Bôlykhămxay (Lào), Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã tham mưu, phối hợp với Hội LHPN xã Tam Hợp thành lập CLB “Phụ nữ với pháp luật” tại bản Huồi Sơn; thông qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” xây dựng mô hình sinh kế giúp đỡ hội viên phụ nữ bản Mông Phá Lõm vươn lên trong cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh trao đổi với phụ nữ Mông ở xã Tam Hợp, Tương Dương
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh trao đổi với phụ nữ Mông ở xã Tam Hợp (Tương Dương).

Trao đổi với chúng tôi, 2 hội viên được tặng con giống và hướng dẫn nuôi dê là chị Vừ Y Lầu và Vừ Y Gầu đều bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ, đặc biệt là Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã hỗ trợ chị em người Mông vươn lên thoát nghèo; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Trung uý Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn chị em người Mông ở bản Phá Lỏm xã Tam Hợp, Tương Dương ký kết tham gia mô hình sinh kế
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn chị em người Mông ở bản Phá Lõm xã Tam Hợp (Tương Dương) ký kết tham gia mô hình sinh kế.

Trong cuộc đời quân ngũ, đặc biệt là quãng thời gian công tác tại các đồn biên phòng tuyến biên giới, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh chia sẻ, bản thân chị luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ phải "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh tham gia chương trình tặng mô hình sinh kế %22 Đồng hành cùng phụ nữ biên cương%22 ở bản Phá Lỏm, xã Tam Hợp
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh tham gia chương trình tặng mô hình sinh kế "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" cho phụ nữ bản Phá Lõ, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: G.H

Vì vậy, khi tiếp xúc làm việc với cán bộ thôn bản và bà con, chị và đồng đội đều giữ tác phong nêu gương, lời nói gần gũi chân tình, mộc mạc, đơn giản, dễ hiểu, một số trường hợp còn sử dụng tiếng của đồng bào để làm công tác “dân vận”, giúp bà con dễ tiếp thu, dễ vận dụng.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh cùng Hội LHPN xã Tam Hợp (Tương Dương) tặng quà cho trẻ em khó khăn. Ảnh: G.H
titi phu 2

Là phụ nữ chân yếu, tay mềm chọn theo nghiệp biên phòng đã là một sự dũng cảm, nhưng lại xung phong đi tuyến biên giới mà địa bàn lần sau xa hơn, khó khăn lần trước như Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh còn đòi hỏi phải có một bản lĩnh thép.

Lý giải về quyết định của mình, “ bông hồng xanh” nơi biên viễn ấy cười hào sảng“ vì mình thuộc tuýp người không thích chọn việc nhẹ nhàng”.

Tính cách mạnh mẽ ấy của chị được kế thừa từ truyền thống gia đình, đặc biệt là từ người mẹ kính yêu - vốn là một nữ chiến sĩ công an, Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh.

67f2aa21-42f6-45e1-a2be-13821e31386a.jpeg
Chồng và các con là "hậu phương" của Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh trong giai đoạn chị đang trực chiến phòng, chống dịch Covid-19 tại địa bàn biên giới. Ảnh tư liệu: KL

Bên cạnh đó, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh còn may mắn có “hậu phương” vững chắc là sự chia sẻ, thấu hiểu của chồng con. Gần 6 năm Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh xung phong lên công tác ở tuyến biên giới là chừng đó thời gian ông xã của chị, anh Phạm Văn Đào - công tác tại Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh ở nhà làm hậu phương.

Ngay cả những lúc vợ xung phong ở lại trực dịp lễ, Tết hay bám trụ hàng tháng trời ở tuyến đầu phòng, chống dịch Covid -19,… anh Đào và các con vẫn ủng hộ, động viên. Nhờ thuận vợ thuận chồng, các con của anh chị đều trưởng thành, ngoan ngoãn. Cô con gái đậu tốt nghiệp ngành Khoa học quản lý, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cậu con trai út đang học năm thứ 2 Trường Đại học Vinh.

Là cán bộ đội vận động quần chúng, chị Trần Thanh luôn có sự kết nối gần gũi với người dân
Là cán bộ Đội vận động quần chúng, chị Trần Thanh luôn có sự kết nối gần gũi với người dân. Ảnh: G.H

Thỉnh thoảng, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh còn được đón chồng con và người thân trong gia đình vượt đường xa lên đơn vị thăm, động viên, tiếp thêm động lực để chị không quản ngại khó khăn, vất vả, bám dân, bám bản, tham mưu kịp thời cho đội, Ban Chỉ huy đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

bb023ede96f034ae6de1.jpg
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh (ngoài cùng bên trái) nhận Bằng khen của Bộ Tư lệnh Biên phòng vì thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2019-2024. Ảnh: G.H

Bên cạnh “dân vận khéo”, là đảng viên biên phòng công tác ở địa bàn biên giới, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đặc biệt quan tâm đến công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Chị thường xuyên tư vấn, trao đổi về nghiệp vụ công tác đảng cho các chi bộ Bắc Sơn, Thái Sơn 2, Nam Sơn, Tân Sơn, Tân Hòa (xã Môn Sơn, Con Cuông) hay chi bộ bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương).

Đồng thời, thông qua mối quan hệ tốt với cán bộ thôn bản và nhân dân, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến ở địa bàn được phân công, quản lý để tham mưu đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án xử lý, tháo gỡ.

Đến nay, chị đã trực tiếp nhận được 25 nguồn tin báo chính xác do người dân cung cấp, qua đó, báo cáo và tham mưu cho Ban Chỉ huy đơn vị bắt 1 vụ/1 đối tượng có hành vi sinh hoạt “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” trái phép, 2 vụ đánh bạc/8 đối tượng, 5 vụ kích điện/5 đối tượng…

Là cán bộ đội vận động quần chúng, chị Trần Thanh luôn có sự kết nối gần gũi với người dân2
Là cán bộ Đội vận động quần chúng, chị Nguyễn Thị Trần Thanh luôn có sự kết nối gần gũi với người dân. Ảnh: G.H

Thượng tá Nguyễn Ngọc Cẩm - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Nghệ An cho biết: Đồng chí Nguyễn Thị Trần Thanh là nữ cán bộ đầu tiên của BĐBP Nghệ xung phong lên công tác ở địa bàn biên giới và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Từ tấm gương tiên phong đi đầu của Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh, hiện nay, toàn lực lượng biên phòng Nghệ An có 18 nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ tại các đồn biên phòng trên 2 tuyến biên giới của tỉnh.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt, tặng quà cho các đại biểu tham gia Chương trình điểm tựa của bản làng. ( Trong ảnh là Trung Tá Nguyễn Thị Trần Thanh nhận quà từ Chủ tịch nước)
Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt, tặng quà cho các đại biểu tham gia Chương trình điểm tựa của bản làng. (Trong ảnh là Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh nhận quà từ Chủ tịch nước). Ảnh: Hải Thượng

Đến thời điểm hiện tại đã có gần 6 năm bám trụ nơi biên giới, dẫu nhiều vất vả, áp lực, nhưng với Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh, đây cũng là quãng thời gian để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên về tình đồng đội, tình quân- dân nơi biên giới.

Qua thực tiễn gần dân, bám bản,“ nữ quân nhân” của lực lượng biên phòng càng thấu hiểu, trân quý nhiều hơn tình cảm thủy chung, gắn bó “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham dự chương trình Điểm tựa bản làng ( Trung Tá Trần Thị Thanh mặc quân phục biên phòng đứng hàng sau)
Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham dự chương trình "Điểm tựa bản làng". (Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh mặc quân phục biên phòng đứng hàng thứ 5 phía sau)

Với những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua; Được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen; là điển hình của tỉnh Nghệ An nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ trong Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; được lựa chọn tham gia chương trình giao lưu “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”.

Năm 2024, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh là 1 trong 197 đại biểu người uy tín tiêu biểu đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo trong cả nước được tôn vinh trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Chị cũng vinh dự là 1 trong 64 đại biểu điển hình tiên tiến trong Đại hội Thi đua Quyết thắng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 – 2024.

Mới nhất
x
'Bông hồng xanh' nơi biên cương xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO