Bù Nhạp hồi sinh
(Baonghean)
(Baonghean) Mỗi người một quê, họ đều chung một hoàn cảnh, một nhiệm vụ là xa gia đình, gửi thân vào rừng. Hàng ngày, ngước mắt lên là nhìn thấy ngọn núi Bù Lói cao vút, sừng sững trong mây. Những cánh rừng nguyên sinh, hỗn giao... Vào mùa mưa rừng Bù Nhạp càng thêm âm u, huyền bí.
Từ Thị trấn Lạt, chúng tôi ngồi lên chiếc xe bán tải, cùng với các anh ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ vượt 45 km đường khúc khuỷu, đến với Bù Nhạp. Chỗ chúng tôi đang có mặt cách cửa hang Thung Khiển ngót 1 km, một điểm du lịch thiên nhiên thắng cảnh hấp dẫn trong tương lai. Đây chính là trung tâm của khu rừng tự nhiên Bù Nhạp, rộng 3,5 nghìn ha, thuộc xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ. Khu rừng này đang được Đội 1, Đội Quản lý bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ) bảo vệ. Nhìn từ đỉnh Bù Lói, cao 830 m so với mực nước biển đến trùng điệp các ngọn núi khác đều bịt bùng rừng.
Trước khi đi, ông Cao Tiến Hạnh - Trưởng BQL khoe, đây là khu rừng tự nhiên đẹp nhất huyện hiện nay. Bù Nhạp giáp ranh giữa 3 huyện: Tân Kỳ, Anh Sơn và Quỳ Hợp. Từ thập niên 90 của thế kỷ 20 về trước, khu rừng này từng là nơi khai thác gỗ của Lâm trường Sông Hiếu, là nơi săn bắn, bẫy thú rừng, nơi lấy măng, lấy nứa... của người dân địa phương. Như vậy, Bù Nhạp 3 phía là 3 địa bàn khác nhau, nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt thì nơi đây bây giờ đã là đồi trọc, không một bóng cây.
Cây cổ thụ trong khu rừng Bù Nhạp.
Trước khi dẫn chúng tôi vào rừng, Đội trưởng Nguyễn Duy Học mang ra mấy đôi dày khủng đề phòng sên, vắt. Anh cho biết, mùa này là mùa mưa, sên, vắt nhiều vô kể, anh em vào rừng tuần tra phải nai nịt cẩn thận, nếu không vắt bám khắp người. Học dẫn đoàn đi đầu, bám rừng suốt gần chục năm qua, nên bước chân của anh thoăn thoắt dưới cái nắng gắt sau cơn mưa rào. Anh nói, 3,5 nghìn ha rừng, từ ngày mới nhận bảo vệ, ở đâu cũng nham nhở dấu vết của chặt phá rừng, đốt rừng. Năm 1993, đội được giao nhiệm vụ bảo vệ và phát triển khu rừng này, do vậy ròng rã suốt 20 năm qua, anh em trong đội luôn gắn bó với rừng, coi rừng là nhà. Những nơi đất trống, bây giờ các anh đã trồng được hàng nghìn cây lấy gỗ, như sồi (Ấn Độ), sưa, lát, mét, gió trầm... Trong rừng hiện có nhiều cây gỗ to như trai, trường, dẻ, xụ, táu, sến... có cây 2 người ôm mới xuể. Mùa hè ở đây chẳng khác gì thời tiết Đà Lạt, độ ẩm cao, tối nằm ngủ không cần bật quạt, nhiều lúc phải đắp chiếc chăn mỏng. Vậy mà, đến nay điện lưới chưa được kéo vào đến đây, anh em phải dùng chiếc máy phát điện mi ni, chủ yếu chỉ để thắp sáng.
Với phương châm chỗ nào cũng được phủ xanh của cây rừng, 6 anh em tuổi đời đang rất trẻ, bất kể lúc nào, họ cũng thay phiên nhau "tuần du" trên tuyến rừng. Anh Nguyễn Như Công, quê xã Tân Phú (Tân Kỳ) tốt nghiệp Trường Trung cấp Lâm nghiệp, vào nghề lâm nghiệp đã 20 năm, cũng là ngần ấy thời gian bám trụ đất rừng này. Công kể, hầu như tuần nào anh cũng lên đường cùng với anh em. Xác định một chuyến đi phải mất 2 ngày 2 đêm bước bộ, nên trước khi lên đường, anh em chuẩn bị đồ ăn sΩn, nước uống, chăn, màn, võng... cho vào ba lô, thay nhau mang, trời tối ở đâu nghỉ đấy. Anh Công nhớ lại, 20 năm qua, anh nhẩm tính được trên 40 ngọn núi cao thấp, cao nhất là đỉnh Bù Lói. Qua một ngọn núi là lăn xuống một con khe, quanh năm nước chảy róc rách. Đứng trên đỉnh Bù Lói, có thể quan sát hết toàn bộ khu rừng Bù Nhạp. Nhưng không phải vì thế mà đứng một chỗ để quan sát mà phải đi, vì rừng rậm rạp, nếu có đối tượng xâm nhập vào rừng không thể phát hiện được. Nhiệm vụ của đội là bảo vệ rừng nghiêm ngặt, không cho bất kỳ ai vào rừng săn, bẫy thú, kể cả cắt cỏ.
Đội viên Lê Đức Ngọc lên đường tuần rừng.
"Rừng vàng, biển bạc". Nhiều thứ vào rừng là có ngay. Đói, vào rừng là tìm thấy cái ăn: trái cây, hoa chuối, củ mài, măng, mật ong... nhiều không kể nổi. Rừng là cuộc sống. Nhưng không phải vì thế mà ai muốn vào rừng làm gì thì làm. Vì thế để giữ được rừng, người canh giữ rừng là người yêu rừng, quý rừng, biết quý cái cây, có trách nhiệm và không tham lam, lại phải chịu khó, trông coi rừng là phải có sức khỏe. Nhẩm đi tính lại, 6 con người ở đây, phần lớn đã 6 năm bám rừng. Với Công, suốt 20 năm bấm núi, lội suối, anh đã rành rẽ tất cả những lối mòn trong rừng. Theo anh, để công tác đạt hiệu quả, thì bằng cách thay đổi đường đi. Có như thế mới phát hiện ra những dấu hiệu ra, vào rừng của những người "không phận sự".
Từng ấy con người phụ trách 3,5 nghìn ha rừng, liệu có đảm bảo rừng không bị khai thác trái phép? Tôi băn khoăn. Đội trưởng Học cười nói, cũng may người dân bây giờ cũng biết nghĩ đất nuôi cây rừng, rừng nuôi sống con người, nên tự giác giữ rừng. Nếu không, dù trách nhiệm của anh em có cao đến đâu, cũng khó có thể bảo vệ được. Và tôi chợt nhớ, có một lần ông Phạm Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ khoe, Bù Nhạp là khu rừng nguyên sinh đẹp nhất huyện. Điều đó quả là không sai. Anh em giữ rừng Bù Nhạp không được trang bị súng ống gì, mỗi người chỉ được phát 1 con dao, sắm 1 chiếc gậy đi đường, và một ít tư trang khác.Anh em làm nhiệm vụ ở đây không có thứ 7, chủ nhật. Khi cần thiết phải về Ban Quản lý thì cắt cử người đi và cho phép người đó về thăm nhà vài ngày. Ở đây cách Thị trấn Lạt 45 km, cách chợ Đồng Văn gần 20 km, mỗi lúc có người về, khi ngược rừng phải có thêm nhiệm vụ mua lương thực, thực phẩm... đồ ăn khô dự trữ.
Vừa từ rừng về, Học cởi hết đồ tư trang, bê mấy bắp ngô phơi khô ra vườn, gọi đàn lợn về. Từ khắp các ngả rừng, từng đàn lợn đen hì hộc chạy về. Học cho biết, mấy năm nay anh em chăn nuôi lợn đen, thuần hóa một số lợn rừng để lấy giống. Lúc đầu, được Ban Quản lý hỗ trợ mua thép B40 vây một vòng khoảng 2 ha, sau đó thả mấy con lợn đen, lợn Móng Cái và 2 con lợn rừng cái, mục đích để lai tạo giữa lợn rừng và lợn Móng Cái. Nay 2 con lợn nái rừng đã có chửa. Không lâu nữa đây sẽ là địa chỉ cung cấp sản phẩm lợn đen, lợn rừng cho thị trường.
Và không lâu nữa, đây sẽ là nơi nghỉ chân lý thú cho khách gần xa đến với hang đá Thung Khiển. Hiện nay, huyện Tân Kỳ đang được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Hợp đi Đồng Văn vào hang Thung Khiển để khai thác tua du lịch thắng cảnh của địa phương. Thung Khiển (thuộc Tiểu khu 846) trở thành điểm nhấn. Khi thành điểm du lịch, con đường vào hang Thung Khiển chính là đường đi qua trung tâm khu rừng Bù Nhạp. Có lẽ vì thế, nên trước đây Tân Kỳ đã ý thức được giữ rừng Bù Nhạp nhằm khai thác tiềm năng du lịch. Và bây giờ Bù Nhạp là rừng nguyên sinh, cung cấp nguồn thức ăn phong phú, nên động vật hoang dã kéo về sinh sôi nảy nở đông đúc. Bù Nhạp đã có lợn rừng, khỉ, các loại chồn, nhím, gà rừng... lũ chim muông thì nhiều vô kể.
Đang là mùa mưa, mưa ở Bù Nhạp thường xuất hiện vào cuối chiều. Khi cơn mưa bao trùm đỉnh Bù Lói thì cả khu rừng chìm trong màn đêm đen đặc. Những lúc như thế, anh em đang trên đường đi tuần phải ẩn mình vào vách đá trú mưa. Trên suốt quãng đường, đã lập một số cái lán bằng lá tạm bợ để nghỉ chân ban trưa hoặc tối đến. Nhưng rừng rậm muỗi, vắt nhiều, anh em phải mắc võng, giăng màn mới có được giấc ngủ. Và trời lại bắt đầu chuyển mưa, từng đám mây đen kịt đang kéo về Bù Nhạp...
Xuân Hoàng