Bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ ở rẻo cao Kỳ Sơn
(Baonghean) - Bữa trưa cho trẻ mẫu giáo ở huyện Kỳ Sơn đang được thực hiện dưới 2 hình thức, đó là trường mầm non nấu cho trẻ, và bán trú dân nuôi (người dân tự đưa cơm đến trường cho con). Cả 2 hình thức này đã phát huy tốt, đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục vùng cao.
Lớp mẫu giáo ghép bản Bà là điểm trường lẻ của Trường Mầm non xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Năm học 2015 - 2016 lớp có 26 cháu, độ tuổi từ 3 -5 tuổi theo học. Nếu như năm học trước, lớp chỉ có 1 cô giáo thì năm nay, lớp đã có 2 cô thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và dạy dỗ các cháu. Có 2 cô giáo, cộng thêm ý thức chăm lo con em của các phụ huynh ngày một tốt hơn, nên bữa ăn bán trú dân nuôi của các cháu ngày càng thêm tươm tất… Hàng ngày các cháu đến lớp lúc 7 giờ sáng; 9 -10 giờ sáng thì bữa cơm trưa được phụ huynh đưa đến; 10 giờ 45 phút các cháu ăn. 26 cháu là 26 cặp lồng cơm giữ nhiệt với thức ăn là thịt, cá, trứng… Dù có nhiều nhà dân cách điểm trường gần cả tiếng đồng hồ đi bộ, leo đường rừng, nhưng từ gần 2 tháng nay, rất ít cháu nghỉ học, chưa có phụ huynh nào “quên” mang cơm cho trẻ đến trường.
Bữa ăn trưa của các cháu Trường Mầm non Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). |
Bữa ăn bán trú dân nuôi như vậy đã được thực hiện 3 năm nay ở lớp mẫu giáo ghép bản Bà. Cô giáo Lữ Thị Hải, giáo viên đứng lớp tại đây cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, nên cha mẹ giờ đã có ý thức chăm lo dinh dưỡng bữa cơm cho các cháu. Các phụ huynh đã có sự “ganh đua” không để cho con em mình thua thiệt bạn bè. Năm học này, để bữa ăn của các cháu ngày một tốt hơn, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, giao cho phụ huynh mua cặp lồng giữ nhiệt; thực hiện nấu canh luân phiên... Kinh phí để thực hiện nấu canh chính từ nguồn hỗ trợ 120.000 đồng/tháng cho các cháu theo Quyết định ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Chị Lương Thị Nga, mẹ cháu Bảo Ngân đang học tại lớp mầm non bản Bà chia sẻ: Tiền chế độ các gia đình nhận theo từng đợt, nên những lúc chưa được cấp phát kịp thì chúng tôi bỏ ra trước để nấu canh. Mỗi nồi canh như vậy có giá trị 50 ngàn đồng, có đủ rau, bí và thịt. Vì nấu cho chính các con của mình ăn, nên nồi canh các cháu đều rất ngon…
Phụ huynh giúp Trường Mầm non Hữu Kiệm xây dựng nhà vệ sinh. |
Người dân xã Hữu Kiệm đa phần làm nương rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, hầu hết mọi người chưa ý thức rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ, nhưng nay nhờ các cô giáo, xã tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, nên chúng tôi đều hiểu và biết rõ. Giờ bố mẹ có đi làm đâu cũng phải nấu cho con bữa trưa tươm tất trước đã; không nấu được thì nhờ các phụ huynh khác giúp cho.
Trường Mầm non xã Hữu Kiệm hiện có 8 điểm trường lẻ thì cả 8 điểm trường đang thực hiện bữa ăn bán trú dân nuôi, giống như ở điểm bản Bà. Riêng điểm trường chính thì phụ huynh nộp lại số tiền hỗ trợ nói trên để các cô giáo nấu ăn bữa chính và bữa giữa buổi cho các cháu. Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Thực hiện bữa ăn bán trú cho trẻ từ chế độ hỗ trợ theo Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ, nhà trường đã triển khai 2 hình thức nấu nói trên. So sánh 2 hình thức thì việc cô giáo nấu ăn tập trung cho trẻ thì đảm bảo dinh dưỡng tốt hơn. Việc phụ huynh nấu ăn có những hạn chế nhất định như đưa cơm không đồng đều về dinh dưỡng, mùa Đông không đảm bảo độ nóng.
Thực tế ở xã Hữu Kiệm, không chỉ các bản gần mà ở các bản xa như Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2, bữa trưa của trẻ cũng đã được quan tâm hơn trước rất nhiều nhờ sự đồng sức, đồng lòng của phụ huynh và giáo viên. Đầu năm học, các cô giáo, cấp ủy, chính quyền bản, xã đã tăng cường tuyên truyền chăm lo bữa ăn bằng nhiều hình thức khác nhau và sự vào cuộc này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của các phụ huynh. Nếu như trước đây, một số gia đình không quan tâm lắm đến bữa ăn cho trẻ, thậm chí một số phụ huynh còn dùng tiền hỗ trợ 120.000 đồng/tháng để sử dụng việc khác, thì hiện nay, tình trạng này không còn. Không chỉ các bậc phụ huynh quan tâm, lo lắng đến bữa ăn của con em mình, mà các cô giáo mầm non cũng luôn sát sao với các cháu. Nhiều cô giáo đã tự bỏ tiền túi để lo lắng cho bữa trưa của những em bé gia cảnh quá khó khăn.
Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện hiện có trên 5.000 trẻ mẫu giáo. Dù đời sống kinh tế của người dân tộc Mông, Thái, Khơ mú ở các bản làng heo hút nơi biên giới còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn ý thức và quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ cho con trẻ. Bên cạnh đó, các trường trên địa bàn huyện cũng đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức tốt bữa ăn trưa cho trẻ mẫu giáo tại trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho các cháu ở trường mầm non; góp phần hạn chế tình trạng bỏ học. Thậm chí, ở nhiều trường, các giáo viên mầm non còn tình nguyện tổ chức nấu ăn cho các cháu để bữa ăn được nóng hổi, tươi ngon, đúng khẩu phần. Nhiều phụ huynh cũng tình nguyện đóng góp thêm gạo, rau, dầu ăn, thịt, cá, củi và đến trường nấu cơm giúp các cô giáo vì sự phát triển của các cháu thì các giáo viên luôn vui vẻ, sẵn sàng”.
“Khó khăn hiện nay của Kỳ Sơn là các điểm lẻ nằm rải rác ở vùng núi cao, các bản xa, việc mua thực phẩm tươi sống không thuận tiện; hệ thống nhà bếp, nước sạch phục vụ nấu nướng cũng không đảm bảo. Tuy nhiên, với quyết tâm vượt khó, các bậc phụ huynh và giáo viên đều đang tình nguyện sáng tạo nhiều cách làm hay, hiệu quả để làm tốt hơn việc chăm lo bữa trưa cho các em. Đây cũng chính là một trong những giải pháp để con em Kỳ Sơn đến trường đều đặn, đầy đủ”, thầy giáo Nguyễn Hồng Hoa tâm sự.
Bài, ảnh: Thanh Sơn