Búa thoát hiểm trên xe khách: Chỉ để đối phó?
(Baonghean) - Nhiều xe khách chưa trang bị những chiếc búa thoát hiểm để hỗ trợ hành khách lúc gặp nạn, hoặc nếu có thì cất giấu ở nơi khó tìm thấy nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.
Khách bất an, chủ xe lo mất
Nhỏ, nhẹ, có đầu nhọn, thêm lò xo để gia tăng lực khi sử dụng, búa thoát hiểm dùng để đập vỡ kính xe trong những trường hợp khẩn cấp xảy ra như cháy, chìm hoặc kẹt trong ô tô. Thông thường, búa khẩn cấp được trang bị kèm theo xe và được gắn trên thành xe, bên trong khoang hành khách. Dụng cụ này là thiết bị bắt buộc đối với các phương tiện vận tải.
Cán bộ quản lý Bến xe Vinh kiểm tra dụng cụ thoát hiểm trước khi xe xuất bến. Ảnh: Phương Thảo |
Thời gian qua, có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi xe đang lưu thông thì bị lũ cuốn trôi, xe bốc cháy hoặc lao xuống nước khiến nạn nhân tử vong. Trong những trường hợp này, nếu có dụng cụ thoát hiểm và các kỹ năng cần thiết, có thể các nạn nhân đã giữ được mạng sống hoặc không bị thương.
Chiều ngày 25/2/2017, trên Quốc lộ 46 (đoạn qua xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên) xảy ra vụ tai nạn giữa xe tải với 2 ô tô khách khiến xe giường nằm lao xuống, lật nghiêng bên đường. Lúc này trên xe đang có hàng chục hành khách hốt hoảng la hét, kêu cứu. May mắn lúc đó, người dân xung quanh đã đập kính xe giường nằm để đưa những người mắc kẹt trong xe ra ngoài. Vụ tai nạn đã làm tài xế xe giường nằm và một hành khách bị thương nặng. Mặc dù có nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra nhưng những chiếc búa thoát hiểm vẫn vắng bóng trên các xe chở khách.
Đầu tháng 5/2017, có mặt trên 1 chiếc xe chạy tuyến Vinh - Quế Phong, mặc dù đã tìm kỹ nhưng chúng tôi không thấy trên xe có bất kỳ dụng cụ thoát hiểm nào. Khi hỏi chủ nhà xe thì nhận được câu trả lời rằng “búa thoát hiểm cứ treo ở xe là bị mất nên không lắp nữa”. “Vậy trong tình huống khẩn cấp cần dùng thì sao?”, trước câu hỏi này chủ nhà xe lờ đi, không đáp.
Ngoài việc thiếu các trang bị cứu hộ khi cần, các xe khách hiện nay cũng không hề có bất cứ chỉ dẫn, hay hướng dẫn nào cho các ‘thượng đế’ cách thoát hiểm khi xe xảy ra sự cố, những dụng cụ hỗ trợ nào cần dùng… Nhiều hành khách cho rằng, họ chưa từng nhìn thấy những chiếc búa thoát hiểm và không hề biết cách sử dụng chúng như thế nào khi gặp sự cố.
Ông Vũ Hoàng Huynh - Trưởng Bến xe Vinh cho biết, mỗi ngày tại bến có từ 230 - 250 chuyến xe xuất bến, cả nội tỉnh và ngoại tỉnh. Xe phải có búa thoát hiểm là một trong những yếu tố để đảm bảo xe đủ điều kiện xuất bến. Thế nhưng, rất nhiều xe khách khi được kiểm tra vẫn không có dụng cụ này, nếu có thì lắp đặt không đúng vị trí, buộc rất chặt vào thành xe hoặc được các chủ xe cất giấu trong những chiếc hòm nhỏ, khóa lại và đặt dưới ghế tài xế.
Nguyên nhân được các chủ nhà xe trình bày là do nạn mất búa thoát hiểm thường xuyên xảy ra, trong khi giá trên thị trường cho một chiếc búa này trên dưới 100.000 đồng. Một tài xế tên Tùng chạy tuyến Vinh - Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã lắp đặt rất đầy đủ nhưng cứ một thời gian thì phát hiện trên xe mất đi một vài cái. Kích cỡ của chúng nhỏ gọn nên khi bị mất, nhà xe cũng khó phát hiện ra. Thế nên cứ để vào hòm khóa lại, lúc nào cần dùng thì lấy ra”.
Siết chặt kiểm tra, xử lý
Hiện nay, xe khách, xe buýt là một trong những phương tiện vận chuyển được người dân ưu tiên lựa chọn do thuận tiện, giá rẻ… Theo Quyết định số 09/2011 của Bộ GTVT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô”, các loại xe khách từ 17 - 90 chỗ ngồi trở lên phải lắp đặt từ 4 - 9 búa thoát hiểm; vị trí đặt búa ở nơi khách dễ nhìn, dễ lấy để phá cửa kính khi xe chẳng may gặp nạn.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các xe không được trang bị dụng cụ thoát hiểm sẽ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Theo một lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, việc kiểm tra, xử lý lỗi vi phạm này đối với các xe khách vẫn chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở và yêu cầu khắc phục. Hình thức này vẫn chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm của các nhà xe xảy ra khá phổ biến.
Nhiều búa được chủ nhà xe buộc chặt vào thành xe để chống mất trộm. Ảnh: Phương Thảo |
Trưởng Bến xe Vinh - ông Vũ Hoàng Huynh cho biết, qua kiểm tra, dễ nhận thấy, phần lớn các xe thiếu búa thoát hiểm là những xe chạy tuyến huyện, xe sử dụng đã lâu, không được bảo dưỡng, lắp đặt bổ sung các dụng cụ, thiết bị thường xuyên. Còn tại các xe giường nằm, xe chạy tuyến tỉnh thì cơ bản nhà xe có trang bị đủ nhưng lại xảy ra lỗi không lắp đặt đúng vị trí, lắp đặt sai quy cách hoặc cất giấu ở nơi khó tìm thấy.
Ông Nguyễn Quý Khánh - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An cũng cho rằng, khi xe được đưa đến Trung tâm để kiểm định chất lượng thì mọi dụng cụ, thiết bị được lắp đặt đầy đủ; còn sau khi kiểm định, việc tháo rời hay thay thế, lắp đặt thêm dụng cụ, thiết bị khác lại không thuộc quyền kiểm soát của trung tâm.
Từ thực tế trên có thể thấy, việc trang bị dụng cụ thoát hiểm của các nhà xe vẫn còn mang tính chất đối phó, các yếu tố để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trước hết, các chủ xe khách cần ý thức được vấn đề này, đặt tính mạng con người lên trên hết, không trang bị cho có hoặc chỉ để qua mặt các cơ quan chức năng.
Bên cạnh việc lắp đặt dụng cụ thoát hiểm đủ số lượng, đúng quy cách, các nhà xe nên tiến hành hướng dẫn sử dụng các dụng cụ này cho hành khách trước khi xe xuất phát, nhằm đảm bảo an toàn và tính chủ động khi xe gặp sự cố bất ngờ, khẩn cấp. Đối với hành khách, cần có ý thức giữ gìn tài sản chung trên xe, không tự ý tháo rời hoặc lấy đi các dụng cụ cần thiết. Bởi một lúc nào đó, chúng sẽ giúp cứu sống tính mạng của nhiều người.
Phương Thảo
TIN LIÊN QUAN |
---|