Bước chuyển trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ

02/10/2015 11:01

(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010-2015, lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã thu được những thành tựu tiêu biểu. Cơ sở hạ tầng thương mại được tăng cường, kim ngạch xuất khẩu vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra, thị trường được kiểm soát, giá cả bình ổn... tạo cơ sở quan trọng để kích thích sản xuất phát triển.

Hạ tầng thương mại - dịch vụ được tăng cường

Rất dễ nhận thấy tại Thành phố Vinh, trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015, sau khi được công nhận đô thị loại 1, thương mại dịch vụ đã trở nên sôi động, sầm uất. Điểm nhấn rõ nét nhất là sự hoạt động của Trung tâm thương mại - siêu thị BigC Vinh. Tọa lạc tại vị trí đắc địa, ngã tư trung tâm thành phố với diện tích kinh doanh trưng bày lên đến 6.000 m2, là khu siêu thị tự chọn chuyên về các mặt hàng bách hóa, vải sợi, thực phẩm khô và tươi sống quy tụ khoảng 40.000 mặt hàng và có khu vui chơi, nhà hàng, giải trí hiện đại phù hợp với giới trẻ và gia đình. Sau 5 năm đi vào hoạt động, BigC Vinh đã trở thành điểm vui chơi, mua sắm lý tưởng cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Trung tâm thương mại Phủ Diễn, điểm nhấn của Thị trấn Diễn Châu.
Trung tâm thương mại Phủ Diễn, điểm nhấn của Thị trấn Diễn Châu.

Ông Trần An Khang, Giám đốc BigC Vinh cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy Nghệ An đã và đang trở thành Trung tâm vùng Bắc Trung bộ trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Sau 5 năm BigC Vinh đi vào hoạt động trong điều kiện nền kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số".

Theo báo cáo của ngành Công thương, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 39 siêu thị (gồm 20 siêu thị chuyên doanh và 19 siêu thị tổng hợp) đang hoạt động, có 11 siêu thị đảm bảo các tiêu chuẩn, trong đó phân xếp hạng có 2 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng 1 (BigC và Metro Cash&Cary), 5 siêu thị hạng 2 và 4 siêu thị hạng 3. Số lượng siêu thị tập trung nhiều nhất ở Thành phố Vinh, với 16 siêu thị (chiếm 41,02%), huyện Diễn Châu có 11 siêu thị (chiếm 28,20%). Sự ra đời đồng loạt các siêu thị đã từng bước phục vụ nhu cầu của nhân dân với nhiều loại hàng hóa đa dạng, phong phú chất lượng, phương thức phục vụ văn minh, hiện đại.

Có thể nói, ngoài hoạt động của các siêu thị, các trung tâm thương mại tạo dấu ấn, phong cách thương mại hiện đại, chuyên nghiệp thì hệ thống chợ nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 cũng được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, tích cực chuyển đổi hình thức quản lý tạo thuận lợi cho người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa. Theo thông kê trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 405 chợ các loại, trong đó có 104 chợ kiên cố, 225 chợ bán kiến cố, số chợ tạm chỉ còn 76 chợ. Để huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống chợ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 56/ QĐ-UBND về "Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn Nghệ An đến 2020". Nhờ đó, đã kịp thời huy động được các nguồn lực đầu tư để ngày càng hoàn thiện hệ thống chợ. Chỉ tính riêng nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ nông thôn từ năm 2011 đến nay trên 72 tỷ đồng được 84 chợ.

Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 14 chợ được chuyển đổi, trong đó có 8 chợ do HTX quản lý và 6 chợ do doanh nghiệp quản lý. Số các chợ sau khi được đầu tư nâng cấp, hoặc chuyển đổi mô hình quản lý đã được quan tâm tốt hơn về công tác PCCC, điện, nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, có năng lực quản lý, hạch toán kinh doanh, thu nộp các loại thuế, phí theo quy định... Chợ Giát là một trong số chợ chuyển đổi mô hình quản lý thành công. Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng ban Quản lý Trung tâm thương mại chợ Giát cho biết thêm: Sau gần 5 năm hoạt động, Trung tâm thương mại chợ Giát đã bảo đảm an toàn về an ninh trật tự, PCCC, tạo ra một địa chỉ văn minh thương mại, ngày càng thu hút khách hàng vào giao dịch.

Hiện nay, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới đang rầm rộ, quyết liệt ở cơ sở, tiêu chí chợ nông thôn cũng được các địa phương coi trọng. Và như vậy, đây cũng là cơ hội để trên địa bàn hệ thống chợ sẽ được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chợ nông thôn, từ đó góp phần tích cực cải thiện kênh lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển. Bên cạnh hạ tầng các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ nông thôn không ngừng được xây dựng, thì mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cũng được đẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 600 cửa hàng xăng dầu đã đăng ký và hoạt động.

Nhiều cửa hàng mới được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng được các điều kiện kinh doanh. Những vùng, khu vực tập trung nhiều cửa hàng xăng dầu nhất là Thành phố Vinh có 38 cửa hàng, Thị xã Cửa Lò có 8 cửa hàng. Việc phân bổ mạng lưới các cửa hàng xăng dầu còn theo các tuyến QL1A, QL7, QL 48 theo quy hoạch, cự ly hợp lý cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận tải, lưu thông trên các tuyến đường. Ngoài ra hệ thống cửa hàng xăng dầu còn bám theo tuyến biển với chiều dài 84 km có tới 70 cửa hàng xăng dầu vừa phục vụ tàu thuyền, ngư dân ven biển. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cũng được tăng cường với việc phối kết hợp liên ngành chức năng, kịp thời chấn chỉnh những điểm kinh doanh không đảm bảo theo quy định. Có thể nói với mạng lưới kinh doanh xăng dầu đã hoạt động có hiệu quả, cung cấp xăng dầu cho sản xuất, phương tiện vận tải và anh ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Xuất khẩu vượt khó tạo dấu ấn

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3285/QĐ-UB phê duyệt Đề án "Định hướng phát triển xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015" với mục tiêu đẩy mạnh phát triển xuất khẩu góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu ngoại tệ; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu hàng thô, nâng cao giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến, thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ, mở rộng đa dạng hóa thị trường...

Để hiện thực hóa đề án, hàng năm, ngành Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và các doanh nghiệp liên quan và tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp làm công tác xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá tình hình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất cũng như doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác xuất khẩu, tăng thu thuế hàng nhập khẩu. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14 về "Đẩy mạnh công tác xuất khẩu trên địa bàn Nghệ An"; "Kế hoạch hành động của tỉnh Nghệ An thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2012 - 2020, định hướng đến 2030, cũng như tiếp tục triển khai thực hiện "Một số chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An"... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên kim ngạch xuất khẩu đạt cao. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 673 triệu USD, hoàn thành vượt 29,4% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 411 triệu USD, dịch vụ thu ngoại tệ đạt 12,3 triệu USD và xuất khẩu lao động 250 triệu USD. Dự kiến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 655 triệu USD, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (mục tiêu Đại hội 500 - 550 triệu USD).

Có thể thấy rằng, một số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động có hiệu quả như các dự án về dệt may, hàng điện tử, khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến hàng thủy sản đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cũng đông hơn với 140 doanh nghiệp, đặc biệt đã xuất hiện một số doanh nghiệp đầu tàu xuất khẩu theo ngành hàng như Công ty TNHH Thanh Thành Đạt với kim ngạch trên 62 triệu USD với mặt hàng chủ lực là dăm gỗ sơ chế; Công ty TNHH Prex Vinh kim ngạch xuất khẩu đến trên 30 triệu USD chuyên sản xuất, gia công, xuất, nhập khẩu hàng dệt may; Công ty TNHH điện tử BSE chuyên hàng điện tử... Thực tế đáng mừng đó là thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh: từ 5% (2010) tăng lên 27%.

Những kết quả khả quan trên lĩnh vực thường mại, dịch vụ đang tạo những tiền đề, cơ sở tốt để Nghệ An vươn tầm trở thành Trung tâm thương mại - dịch vụ vùng Bắc Trung bộ, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Nghị quyết 26 NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Nghệ An đến 2020. Trước hết là thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Đồng chí Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới ngành Công thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp thực tế trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại cửa khẩu biên giới, xây dựng trung tâm hội chợ triễn lãm quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ tại Thành phố Vinh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các hoạt động xuất, nhập khẩu với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng sản xuất hàng xuất khẩu trong tỉnh, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn với phương châm đa phương hoá thị trường, đa dạng hoá bạn hàng; giữ vững và phát triển các thị trường đã có, đẩy mạnh xuất khẩu tiêu thụ trực tiếp...

Bài, ảnh:

Hồng Sơn

Bước chuyển trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO