Bước đột phá trong lộ trình chuyên nghiệp hóa bóng đá

15/04/2013 21:39

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Thụ - người từng làm luận án tiến sỹ về bóng đá và có những ý kiến đóng góp cho chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam.

(Baonghean) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Thụ - người từng làm luận án tiến sỹ về bóng đá và có những ý kiến đóng góp cho chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt có những nội dung chính gì?

TS. Nguyễn Hoàng Thụ: Ngày 8 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 419/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao nước nhà có một môn thể thao được Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển riêng với những mục tiêu, lộ trình, chỉ tiêu cụ thể. Nội dung của chiến lược ấy nói gọn là xây dựng lộ trình chuyên nghiệp hóa bóng đá vững chắc.

Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đặt ra là: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp vận động viên kế cận nhằm tạo nguồn cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển quốc gia. Từ nền tảng ấy, chúng ta phát triển bóng đá thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng VFF và các tổ chức thành viên trở thành những tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá ở nước ta; phát triển cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cho các hoạt động bóng đá để sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải châu lục và thế giới; hình thành, mở rộng thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Và tiêu chí đánh giá cuối cùng là đưa bóng đá nước ta phát triển trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục; đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á.

Chiến lược đã xác định rõ cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào bóng đá, trong đó đặc biệt quan trọng là phát triển bóng đá trong học đường, xem đó là nền tảng, là nguồn nhân lực cho bóng đá đỉnh cao. Phát triển bóng đá phong trào quần chúng là chỗ dựa tinh thần và là động lực cho bóng đá đỉnh cao. Đặc biệt chiến lược đã nêu ra “Đề án thí điểm đặt cược bóng đá”, vấn đề đã từng được gợi mở trước đây nhưng chưa có điều kiện tiến hành. Phải nói rằng, đây là một quan điểm mới nhằm “tháo chốt” để mở ra một bước đột phá, góp phần giải quyết nạn cá độ trong bóng đá, đồng thời tạo ra nguồn thu to lớn cho hoạt động bóng đá nói riêng và thể thao nói chung của nước nhà.

Phóng viên: Để bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá Nghệ An nói riêng phát triển bền vững và đạt thành tích cao, cần những yếu tố gì thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Thụ: Theo kinh nghiệm và thực tiễn, tôi thấy chỉ vẻn vẹn nằm trong 9 chữ thôi, đó là: “Phong trào rộng, tổ chức vững, lực lượng mạnh”. Ở cả cấp vĩ mô đến vi mô, VFF phải xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh về cả mặt quản lý, điều hành, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài, hệ thống thi đấu. Trước mắt có những vấn đề cần thiết phải làm ngay đó là xây dựng hệ thống đào tạo VĐV; kiện toàn bộ máy tổ chức của VFF và các tổ chức thành viên; ổn định các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp theo hướng công ty cổ phần có từ 2 thành viên trở lên để tránh tình trạng “làm mình làm mẩy ép tỉnh lúc khó khăn”. Theo chiến lược thì tỉnh Nghệ An cần thành lập Liên Đoàn bóng đá cấp tỉnh, các huyện thành lập hội bóng đá (hay CLB); các xã, cơ sở thành lập câu lạc bộ bóng đá. Từ đó hình thành hệ thống quản lý, điều hành các hoạt động bóng đá thống nhất trên địa bàn.



Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 là thời cơ để đưa bóng đá Nghệ An phát triển lên tầm cao mới (Trong ảnh: Hàng nghìn CĐV đã đội mưa đến xem trận đấu giữa SLNA-Bình Dương). Ảnh: Đ.C

Phóng viên: SLNA là “lò” đào tạo bóng đá có tiếng, theo ông lâu nay “lò” đào tạo này đã phát huy hết tiềm năng bóng đá của Nghệ An chưa?

TS. Nguyễn Hoàng Thụ: Một điều đáng tiếc là Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã xóa tên Nghệ An trong chương trình tầm nhìn châu Á vào năm 2006. Thành quả mà nhân dân Nghệ An tạo dựng đã được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vào khảo sát và công nhận; theo đó giải trò bóng đá cho các trường mầm non cũng bị bỏ quên… Thời cơ lại đã đến khi Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Với tinh thần thượng võ, yêu thích thể thao, đặc biệt là đam mê bóng đá của người dân xứ Nghệ, tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những người làm công tác thể thao, những người hoạt động bóng đá sẽ tiếp tục khôi phục lại phong trào mạnh mẽ trên cơ sở nền tảng đã có, quyết tâm đưa bóng đá Nghệ An phát triển lên tầm cao mới như mục tiêu của chiến lược đã đề ra.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Đức Chuyên (Thực hiện)

Mới nhất
x
Bước đột phá trong lộ trình chuyên nghiệp hóa bóng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO