Bước hành quân cắm mốc
(Baonghean) Phải thuyết phục mãi, Trung tá Phan Văn Hồng - Đồn Biên phòng 519 đóng quân tại xã Tri Lễ (Quế Phong) mới quyết định cho chúng tôi đi theo đội cắm mốc tại địa bàn Quế Phong bởi đó thực sự là một hành trình gia nan lên "lưng trời" tận vị trí cột mốc số 380.
Trải tấm bản đồ trước lúc hành quân Trung tá Lê Tham Mưu - Đồn trưởng, chỉ cho chúng tôi biết nếu tính theo đường chim bay quãng đường chỉ khoảng 8km, nhưng để lên đến cột mốc phải đi bộ 18km đường rừng qua những con dốc cao dựng đứng... Sau vài giờ đi bộ, chân chúng tôi bắt đầu mỏi nhừ.Chúng tôi thì được "ưu tiên" đi người không, các anh em còn lại đều phải mỗi người cõng 30kg trên lưng nào lương thực, thực phẩm, máy móc, tăng võng... Hành quân ở độ cao trên 1.000m, dù gió lạnh thổi ào ào nhưng ai nấy đều vã mồ hôi. Khi trời đã chạng vạng tối chúng tôi mới đặt chân đến lán trại của đội xây dựng cột các khớp xương như muốn rời ra.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 519 BĐBP Nghệ An bên cột mốc chủ quyền Tổ Quốc
Cột mốc 380 nằm ở độ cao 1.700 m so với mặt nước biển. Đội cắm mốc hai nước Việt
Sau khi sử dụng máy móc để đo đạc cẩn thận, anh em trong đội xúc những xẻng bê tông để hoàn thành công đoạn cuối cùng. Giữa sương gió, giá lạnh toàn bộ công nhân, cán bộ, chiến sĩ bắt đầu công việc một cách khẩn trương. "Cột mốc phải được đặt đúng vị trí một cách tuyệt đối, có sự giám sát của cả ta và bạn. Cột mốc không được sai số dù chỉ là một milimet", anh Hồng, Đội trưởng cắm mốc số 1 của tỉnh Nghệ An cho biết. Trung bình chưa kể thời gian các đợt khảo sát xác định vị trí, phát đường mở lối và định vị vị trí mốc sẽ đặt, phải mất hơn 3 ngày từ lúc thi công mới hoàn thành việc xây cột mốc.
Bên cạnh cột mốc bằng đá hoa cương là một cột thép sáng loáng to cỡ cột cờ. Đội trưởng Hồng giải đáp thắc mắc của tôi: Bởi hầu hết cột mốc biên giới đều ở vị trí rất cao, nằm độc lập nên mỗi cột mốc đều có cột thép chống sét bên cạnh nhằm đảm bảo an toàn lâu dài, bền vững.
Sau công đoạn thi công cuối cùng, cột mốc 380 đã hoàn thành uy nghi giữa lưng chừng trời, phân chia lãnh thổ 2 nước. Nghi thức chào cột mốc Tổ quốc được cử hành nghiêm trang. Những cái siết tay thật chặt của các thành viên tham gia cắm mốc thể hiện tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào đã xua tan giá lạnh.
Tỉnh Nghệ An có 419 km đường biên giới được xác định với 105 vị trí/115 mốc quốc giới tiếp giáp 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Pôlykhămxay (Lào). Để có thể xác định được một vị trí, xây dựng được một cột mốc là việc làm không hề đơn giản.Đội phó phụ trách kỹ thuật Nguyễn Công Sách cho hay: Trong tăng dày, tôn tạo mốc giới thì công tác tôn tạo đơn giản hơn vì đã có vị trí mốc cũ giữa ta và bạn, nhưng xác định các vị trí tăng dày (cắm mốc mới) mới là phức tạp. Bởi theo như các tư liệu, bản đồ cũ thì biên giới có khi chỉ là con sông, ngọn núi chủ yếu ở địa hình núi cao, rừng rậm, nên việc nhận biết đường biên trên thực địa đã là rất khó khăn. Trải qua thời gian, mưa gió, khí hậu, thiên nhiên bào mòn, thay đổi dấu vết nên để thống nhất được vị trí cắm mốc có khi phải mất hàng tháng trời với nhiều lần khảo sát song phương. Rồi phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy định vị GPS, máy đo 2 tần, bản đồ, hiệp ước... nhằm đảm bảo chính xác tuyệt đối.
Từ khi công tác tôn tạo, tăng dày mốc giới Việt Nam - Lào triển khai thực hiện, 2 đội cắm mốc của tỉnh Nghệ An (do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc theo kế hoạch đội số 2 được thành lập vào tháng 10/2010) được Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh, cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là quần chúng nhân dân tích cực giúp đỡ. Mỗi cột mốc được xây dựng xong là không thể tính hết được biết bao mồ hôi, công sức của cán bộ chiến sỹ và quần chúng nhân dân. Do các vị trí cắm mốc đều nằm ở vị trí hiểm yếu, cao chót vót trên đỉnh núi, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, vất vả (có một số vị trí còn phải đi lại bằng thuyền trên sông).
Chỉ riêng vận chuyển 1 cột mốc cỡ trung như mốc 380 lên vị trí cắm mốc thôi là cũng phải huy động đến 4-5 chục người. Trong đó khoảng 20 người làm nhiệm vụ gánh tảng đá hoa cương nguyên khối trên vai, khoảng 10 người dùng dây giữ để mốc không bị tuột xuống dốc. Chừng ấy con người để phối hợp sao cho nhịp nhàng, ăn khớp trong địa hình đồi núi là không hề đơn giản. Bên cạnh đó yêu cầu nghiêm ngặt là quá trình di chuyển, tiến hành cố định cột mốc, không để bất kỳ tác động nào làm trầy xước, sứt mẻ, hư hỏng. Nhưng bằng sự đoàn kết, nhất trí những cột mốc biên giới Việt - Lào đang dần được tôn tạo, tăng dày đúng tiến độ.
Tính đến ngày 30/01/2012, đoạn biên giới tỉnh Nghệ An giáp với 3 tỉnh bạn Lào đã khảo sát song phương được 94/114 vị trí; giám sát thi công xong 72/115 mốc. Cụ thể: Tuyến giáp tỉnh Xiêng Khoảng khảo sát xong 33 vị trí mốc; đã xây dựng xong 33/37 mốc. Tuyến giáp tỉnh Hủa Phăn đã khảo sát xong 30/39 vị trí mốc, thi công xong 22/39 mốc. Tuyến Bôlykhămxay khảo sát xong 31/39 vị trí mốc, thi công xong 17/39 mốc. Theo Kế hoạch, đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa theo kế hoạch.
Lê Thạch