Bước ngoặt tại điểm nóng số 1 thế giới

27/4/2018 đã đi vào lịch sử của 2 miền Triều Tiên khi các nhà lãnh đạo đến từ Bình Nhưỡng và Seoul có cuộc gặp đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. “Trái ngọt” của hội nghị thượng đỉnh – Tuyên bố Panmunjom về Hoà bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên – đưa 2 nước cùng cam kết với một bán đảo không còn bóng dáng hạt nhân và những cuộc đối thoại để chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Phải khẳng định rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in mang đậm tính biểu tượng, và không ít khoảnh khắc trước những ống kính của ký giả đã đánh dấu cho sự kiện trọng đại này.

Sáng 27/4, khoảng 9h30 theo giờ địa phương, cả thế giới nín thở theo dõi từng bước đi của ông Kim khi vị lãnh đạo này bước qua đường phân định 2 miền Triều Tiên, để bắt tay ông Moon và chính thức tham gia vào cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo 2 bên sau hơn 1 thập kỷ.

Trong khi ông Kim được kỳ vọng sẽ đặt chân lên khu phi quân sự thuộc phía Hàn Quốc để dự hội nghị thượng đỉnh, thì không có kế hoạch nào về việc ông Moon sẽ làm điều tương tự – đặt chân sang phía Triều Tiên.

Điều này xảy ra khi các hành động được sắp xếp cẩn thận đi chệch khỏi kịch bản ban đầu.

Đoạn trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo cho biết Kim nói ông “cảm thấy hào hứng bởi cuộc gặp tại địa điểm lịch sử này”. Ông cho biết thêm rằng “rất cảm động” khi ông Moon “đi cả chặng đường dài tới chào đón mình”.

Khi ông Moon hỏi ông Kim liệu bao giờ có thể thăm Triều Tiên, Kim nói: “Có lẽ đây là thời điểm phù hợp để ông bước vào lãnh thổ Triều Tiên”.

Sau đó Kim nắm tay Moon và dẫn ông vượt qua đường phân chia giới tuyến để bước sang phía Bắc.

Đây là một quyết định bất chợt của cả 2 bên, theo lời người phát ngôn ông Moon.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra khi các quan chức chủ chốt, bao gồm cả ông Moon và ông Kim an tọa quanh một chiếc bàn bầu dục trong Nhà Hòa bình ở phía thuộc Hàn Quốc trong khu DMZ.

Chiếc bàn được thiết kế với các số đo đặc biệt – dài 2.018 mm và rộng 1.953 mm – tương ứng với năm diễn ra hội nghị này và năm ngừng bắn trên bán đảo Triều Tiên.

Em gái ông Kim là Kim Yo-jong ngồi cạnh anh, là người phụ nữ duy nhất trong 6 đại biểu có mặt đại diện cho 2 miền.

Sau các cuộc thảo luận buổi sáng, ông Kim trở lại phía Bắc khu DMZ trong chiếc limousine được vây quanh bởi 12 vệ sỹ chạy bộ bám theo xe.

Hình ảnh này tái xuất hiện sau giờ nghỉ trưa, khi chiếc xe và dàn vệ sỹ trở lại địa điểm lịch sử để dự lễ trồng cây lưu niệm.

Chuỗi sự kiện trong ngày giàu tính biểu trưng còn bao gồm một buổi lễ trồng cây có từ năm 1953 – năm đình chiến Chiến tranh Triều Tiên.

Đeo găng tay trắng cầm xẻng, nhà lãnh đạo 2 phía xúc đất lấy từ lãnh thổ của đối phương: ông Kim dùng đất từ ngọn núi phía Nam đảo Jeju, trong khi ông Moon dùng đất từ núi Paektu ở phía Bắc, trước khi mỗi nhà lãnh đạo tưới cây bằng nước cũng lấy từ lãnh thổ của bạn.

Họ khánh thành một phiến đá đặt gần cái cây với dòng chữ: “Vun trồng hoà bình và thịnh vượng”.

Buổi sáng, sau khi Kim rời Bình Nhưỡng đến khu DMZ, truyền thông Triều Tiên đưa tin Kim sẽ “cởi mở thảo luận” các vấn đề liên quan đến hoà bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên.

Sau lễ trồng cây, điều này dường như đã được chứng thực.

2 nhà lãnh đạo cùng sải bước tới chân cầu vừa được sơn lại màu xanh dương – màu sắc trên lá cờ Thống nhất Triều Tiên cũng như cờ Liên Hợp quốc – và trò chuyện trong khoảng 30 phút.

Toàn bộ cuộc trao đổi được truyền hình trực tiếp khắp thế giới, dù người ta không thể nghe được nội dung cụ thể là gì.

Ngày lịch sử 27/4 bắt đầu bằng một cái bắt tay và kết thúc bằng những cái ôm siết chặt.

2 nhà lãnh đạo ôm nhau sau khi ký tuyên bố cam kết phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên và chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Món quà lớn mà 2 nhà lãnh đạo Hàn-Triều hứa hẹn đem đến cho nhân dân 2 miền Nam-Bắc của Bán đảo nóng rẫy suốt nhiều thập niên qua, cũng như toàn thể thế giới chính là văn kiện có tên “Tuyên bố Panmunjom về Hoà bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên”.

Theo đó, 2 nhà lãnh đạo chính thức tuyên bố trước 80 triệu người dân hai miền và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên nữa, từ đây một kỷ nguyên hòa bình đã bắt đầu.

Như vậy, sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950 và tạm khép lại 3 năm sau đó bằng một thoả thuận đình chiến chứ không phải một hiệp ước hoà bình chính thức, thì giờ đây tuyên bố mới nhất của lãnh đạo Seoul-Bình Nhưỡng đã mở ra cánh cửa để đặt dấu chấm hết cho tình trạng chiến tranh kéo dài suốt 65 năm qua.

Như vậy, sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950 và tạm khép lại 3 năm sau đó bằng một thoả thuận đình chiến chứ không phải một hiệp ước hoà bình chính thức, thì giờ đây tuyên bố mới nhất của lãnh đạo Seoul-Bình Nhưỡng đã mở ra cánh cửa để đặt dấu chấm hết cho tình trạng chiến tranh kéo dài suốt 65 năm qua.

“Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ gắn kết lại quan hệ máu mủ của người dân và đem lại một tương lai cùng thịnh vượng và thống nhất do người dân hai miền cùng dẫn dắt, bằng cách tiến lên một cách toàn diện và đột phá trong quan hệ liên Triều. Cải thiện và củng cố quan hệ liên Triều là khao khát chung của toàn thể quốc gia và là lời kêu gọi cấp thiết của thời thế mà chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa”, tuyên bố khẳng định.

Cuộc gặp lịch sử đã khép lại và nhận được rất nhiều sự hoan nghênh, cổ vũ nhiệt liệt từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cho biết nhiều người khắp thế giới “cảm động trước hình ảnh đầy sức mạnh khi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau nhằm thúc đẩy hoà hợp và hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên”, và “chào mừng lòng dũng cảm và vai trò lãnh đạo đã dẫn đến kết quả là những cam kết quan trọng và những hành động đã được nhất trí vạch ra”.

Đồng minh lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc cũng lên tiếng chúc mừng thành công của hội nghị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này đưa ra tuyên bố hôm 27/4, cho biết: “Trung Quốc luôn ủng hộ 2 bên thiết lập lòng tin tưởng lẫn nhau và cải thiện quan hệ song phương thông qua đối thoại và tham vấn. Điều này phục vụ lợi ích chung của 2 phía và khu vực, đồng thời đáp ứng kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hy vọng và tin rằng phía Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ có thể thực thi sự đồng thuận mà các nhà lãnh đạo của họ đã đạt được và tiếp tục thúc đẩy hoà giải và hợp tác”.

Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump lại tỏ ý khen ngợi sự ảnh hưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với bước đột phá liên Triều. Trong loạt trạng thái trên mạng xã hội cùng ngày, ông Trump nhấn mạnh sự giúp đỡ từ “người bạn tốt” của mình là Tập Cận Bình đã giúp thúc đẩy tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá thành công của hội nghị là thông tin rất tích cực. Bộ Ngoại giao nước này cho biết đã sẵn sàng thúc đẩy hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Seoul trong các lĩnh vực như đường sắt, khí đốt, năng lượng điện,…

Còn Ngoại trưởng Anh Boris Johnson lại cho biết ông hoan nghênh việc 2 miền nhất trí hướng tới việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, cũng như cải thiện quan hệ song phương và giảm căng thẳng ranh giới. Ông nhấn mạnh, Anh sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm triển khai nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt hiện tại cho đến khi Triều Tiên biến các cam kết thành những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cũng như nhà lãnh đạo xứ sương mù, nhiều quan chức cấp cao của các quốc gia khác trên thế giới một mặt không giấu diếm niềm vui và sự phấn khởi trước sự kiện trọng đại này, mặt khác vẫn bảo lưu thái độ thận trọng và đặt thêm nhiều kỳ vọng vào hành động của các bên hữu quan trong thời gian tới.

Đơn cử, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu quan điểm, 2 phía Hàn-Triều trong thời gian sắp tới sẽ phải chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế rằng họ thực sự đưa ra những nỗ lực chung cùng những tiến trình cụ thể để giải quyết các rắc rối, khúc mắc còn tồn đọng, chung sức hướng tới phi hạt nhân hoá và đem lại hoà bình trên Bán đảo. Nếu được vậy, đầu tàu châu Âu Berlin sẽ không ngần ngại mà chắc chắn sẽ nhiệt liệt ủng hộ và hỗ trợ tiến trình ấy.

Tương tự, đưa ra đánh giá riêng của mình, Canada cho biết nước này tin giải pháp ngoại giao là cần thiết để giải quyết căng thẳng lâu dài, đồng thời kêu gọi Triều Tiên thực thi hành động cụ thể nhằm chấm dứt các chương trình tên lửa đạn đạo và giải giáp vũ khí huỷ diệt hàng loạt một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.