Buồn vui của tân sinh viên mùa nhập học
Học phí tăng, chi phí đắt đỏ là những gánh nặng đang đè lên vai nhiều gia đình khi các con chuẩn bị bước chân vào đại học. Đây cũng là nỗi lo của nhiều gia đình, nhiều tân sinh viên trước thềm năm học mới.
Tăng học phí... tăng nỗi lo
Thay vì chọn ngành, chọn trường yêu thích, Nguyên Bình, cựu học sinh của Trường THPT chuyên Đại học Vinh quan tâm nhiều hơn đến học phí của những ngành, những ngôi trường mà em theo học khi đăng ký xét tuyển vào đại học. Chính vì thế, dù có cơ hội đậu vào ngành em yêu thích ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhưng cuối cùng thí sinh này đã quyết định chọn một trường đại học phía Nam.
Mong muốn của em là học hệ chất lượng cao nhưng mức học phí của ngành này lại cao gần gấp đôi, khoảng hơn 40 triệu đồng/năm. Đây là mức học phí vượt quá khả năng của gia đình em.
Nguyên Bình, cựu học sinh của Trường THPT chuyên Đại học Vinh
Do không chọn được ngành phù hợp nên ngày cuối cùng đăng ký nguyện vọng, thí sinh này quyết định chuyển sang các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và tiêu chí đầu tiên vẫn là các trường công lập. Hiện, thí sinh này đủ điểm để đậu nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và em gần như chắc chắn đã chọn ngôi trường này vì học phí cho chương trình đại trà chỉ khoảng 15 triệu đồng/học kỳ.
Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã công bố học phí của năm học 2024 - 2025. Đúng như lộ trình mỗi năm tăng từ 8 -10%, hiện mức học phí mới của các trường đều tăng từ 1 đến vài triệu đồng so với năm học trước.
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông áp dụng mức học phí với sinh viên từ 27 - 55,5 triệu đồng/năm học. Trong đó, chương trình đại trà từ 27 - 34 triệu đồng/năm học (tăng 2,5 - 6,2 triệu đồng/năm so với năm 2023) tùy theo từng ngành học. Trong khi đó, với chương trình chất lượng cao học phí từ 39 - 55 triệu đồng/năm học và chương trình liên kết quốc tế từ 49 - 55,5 triệu đồng/năm học.
Ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội, năm học này, các ngành có học phí cao nhất tại trường gồm: Khoa học máy tính và thông tin, Hóa học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Hóa dược, Sinh học, Công nghệ sinh học 37 triệu đồng/năm học. Các năm trước, mức học phí chỉ 35 triệu đồng/năm học. Ngoài các khối ngành kinh tế, các khối ngành đào tạo y, dược cũng tăng, trong đó có những trường công lập mức học phí từ 4 - 10 triệu đồng/tháng.
Thực tế cũng cho thấy, xu hướng hiện nay các trường đại học đều đào tạo song song nhiều chương trình gồm chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến. Trong đó, hai chương trình sau thường được đào tạo với chương trình cao hơn (đào tạo bằng tiếng Anh, giáo trình nước ngoài)… nên sinh viên muốn học chương trình có chất lượng buộc phải lựa chọn những ngành có học phí cao. Áp lực đối với các gia đình cho con học đại học vì thế cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Hai vợ chồng tôi đều là công chức, thu nhập chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng. Năm nay, con đầu vào đại học, tính toán chi ly thì cũng gần 10 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền học phí, tiền ăn, ở và chi phí sinh hoạt, chiếm gần 1 nửa thu nhập của gia đình. Số tiền còn lại, gia đình phải chắt bóp, tiết kiệm mới đủ chi tiêu trong 1 tháng.
Phụ huynh Nguyễn Văn Quỳnh - phường Hưng Dũng (thành phố Vinh)
Trao cơ hội học tập
Để giúp các tân sinh viên có thêm nhiều cơ hội đến trường, ngay đầu tuần này, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương đã triển khai chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến tất cả các xã, thị trên địa bàn toàn huyện.
Với một vùng đất hiếu học như huyện Đô Lương, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên đang học tại các trường đại học. Rất nhiều em trong số đó là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có khó khăn về tài chính. Tất cả các trường hợp này nếu có nhu cầu đều được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn là 4 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Quang Hiếu - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương
Trên toàn tỉnh, theo thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay đã có hơn 8.900 sinh viên được vay vốn theo Quyết định số 157 với tổng số dư nợ là hơn 490 tỷ đồng. Trong đó, riêng từ đầu năm 2024 đến nay có 560 sinh viên vay mới, nhiều nhất là các huyện như: Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Ông Phan Thanh Huyền - Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ - Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Thủ tục cho sinh viên vay vốn hiện nay khá đơn giản và người vay sẽ được vay tối đa 20 triệu/học kỳ/sinh viên. Bên cạnh đó, chương trình này cũng cho phép các sinh viên được vay vốn theo số năm thực học, thời gian trả nợ bằng thời gian học cộng 1 năm ân hạn cho sinh viên tìm việc làm. Nghĩa là 1 sinh viên học 4 năm thì thời gian vay 4 năm và hạn trả nợ là 9 năm kể từ ngày vay nên các em sẽ không chịu quá nhiều áp lực về việc phải trả nợ.
Qua nhiều năm thực hiện, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống và từ vốn vay ưu đãi đã giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm đi áp lực tài chính, trao cơ hội để các tân sinh viên được học tập, lập thân, lập nghiệp.
Ông Phan Thanh Huyền - Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ - Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh