Buồn, vui một nẻo đi về

28/10/2013 14:07

(Baonghean) - Đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh) thì có gì đặc biệt? Sẽ có người thốt lên câu hỏi ấy khi biết tôi muốn viết về con phố này. Ừ thì đúng vậy. Đó chỉ là một con phố buôn bán đơn thuần, phố với những chuỗi cửa hàng kinh doanh san sát nhau mà bình thường mọi người vẫn hay gọi là phố karaoke, phố bi-a, phố cắt tóc, phố sách cũ, phố áo quần… Đó cũng không thể gọi là con phố đẹp bởi cây xanh thì thưa thớt, còi cọc, hè đường thì thường xuyên bị hàng quán lấn chiếm, nhà cửa thì cái lồi ra, cái thụt vào… Nhưng với tôi, phố Cừ (chúng tôi thường gọi tắt như vậy) vẫn có một điều thiêng liêng, ở đó có những kỷ niệm gắn với tuổi lên 5 lên 10, có những trò “nhất quỷ nhì ma” và còn có những người bạn… Gần 20 năm đã trôi qua, bạn bè người còn người mất, người đã đi xa cũng có người nay trở thành ông chủ nhỏ trên con phố ấy nhưng mỗi lần đi qua tôi vẫn hoài niệm rồi bất chợt thảng thốt, ngạc nhiên bởi dòng chảy của thời gian…

Đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh.
Đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh.

Trong lớp 1A của tôi ngày ấy, đặc biệt nhất có lẽ là việc có hai anh em ruột cùng học chung một lớp. Trước họ có một người chị gái hơn chúng tôi chừng 5 tuổi rất chiều lũ bạn của em nên những năm học tiểu học và suốt mấy năm phổ thông cơ sở, chúng tôi hay đến nhà bạn trên đường Nguyễn Văn Cừ để chơi. Một lý do rất “con nít” nữa là gia đình bạn có một cái quán nhỏ trước cửa nhà, mỗi lần qua chúng tôi đều được chị cho ăn kẹo, đủ thứ từ kẹo lạc, kẹo dồi đến kẹo “ở truồng”, thứ kẹo không giấy gói, không nhãn hiệu, được làm thủ công nhưng ăn thì ngọt, bùi đến vô cùng nên chúng tôi say tít thò lò. Trong hai anh em, người anh hơn lứa chúng tôi hai tuổi thì lầm lỳ, hay nghịch ngầm. Riêng cậu em thì đúng là một cậu bé “loi choi”, bày đủ trò trong lớp, dù bé hơn chúng tôi một tuổi. Tôi cũng còn nhớ như in bạn ấy là trường hợp duy nhất học đến năm lớp 6 mà vẫn chưa thay hết răng, 12 tuổi vẫn còn bị sún. Chúng tôi cũng không hiểu, vì sao là con trai lại nhỏ nhất lớp, tại sao ngày ấy cả lớp chúng tôi đều gọi bạn ấy là mẹ, mẹ Tín? Có lẽ bởi bạn nhỏ nhưng bạn hay bảo vệ các bạn khác trong lớp? Tín cũng rất thông minh, độ nhanh nhạy thì chẳng có ai bằng. Với bản tính ấy, chúng tôi đều tin rằng, qua cái tuổi nghịch ngộ lớn lên Tín sẽ học rất giỏi và sẽ thành đạt…

Đúng thật, lên cấp II, rồi cấp III, dù vẫn cái tính ham chơi nhưng cậu bạn vẫn dễ dàng thi đậu vào trường cấp III trọng điểm của thành phố. Thời gian ấy chúng tôi không còn học cùng trường nhưng mỗi lần đi học về qua đường Nguyễn Văn Cừ chúng tôi vẫn hay gặp nhau. Lần nào gặp cũng kêu toáng lên “mẹ Tín” rồi “bố Hoàng” (tôi là gái, lại được lũ bạn trong lớp gọi là… bố). Rồi cuộc sống thay đổi, thời điểm giữa những năm 90 cơn lốc ma túy tràn vào Thành phố Vinh, những người bạn của tôi trên đường Nguyễn Văn Cừ dường như cũng không thoát khỏi vòng xoáy ấy. Nhẩm đếm trên đường có 5, 6 người bạn học cùng lớp cả cấp I, cấp II nhưng có 3, 4 người bị bạn bè kháo nhau “nó bị nghiện đó”.

Là bạn, tôi không tin nhưng rồi tận mắt chứng kiến cậu bạn học ngồi cạnh lớp 9 của mình bị bố dùng hai cái xích xích vào trong cây dừa, rồi nghe mọi người kể bạn dùng dao đòi chém bố vì không có tiền mua thuốc…tôi mới thực sự hiểu đó là bi kịch. Thời điểm đó, mỗi lần đi trên đường Nguyễn Văn Cừ, nhìn vào nhà các bạn tôi cảm nhận được sự u ám, không lối thoát…Vài tháng sau, không biết vì nguyên nhân gì, một buổi sáng tôi nhận được tin “mẹ Tín”, cậu bạn hồn nhiên, cậu bạn thông minh, mất đột ngột… Rồi lại nghe một người bạn khác vì nghiện, trộm cắp đã phải vào tù…

Bẵng đi một thời gian, tôi ra Hà Nội học. Bốn năm học xa, một năm chỉ về nhà hai đến ba lần, mỗi một lần về, đi lại đường Nguyễn Văn Cừ là một lần thấy con phố này “lột xác”. Mới chừng mấy năm trước, đường phố vẫn còn rất nhiều nhà có hàng rào tre thế mà giờ đã mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng san sát. Rồi hàng quán, cứ ùn ùn thi nhau mọc, từ quán Bi-a, karaoke, cắt tóc, thời trang… Sự thay đổi đến nhanh chóng khiến tôi không còn nhận ra đâu là nhà của những người bạn mình ngày trước. Thậm chí, có một lần gặp lại người bạn cũ, hỏi nhà xưa đâu rồi? Bạn bảo vẫn cũ đấy thôi, vậy mà tìm mỏi mắt cũng không phát hiện ra, sau mới biết là gian hàng trước đã cho thuê bán giày dép nên che khuất hết dãy nhà phía sau. Lại nhớ, lần ra Hà Nội viết bài về nhà văn Võ Thị Hảo, bà cũng trầm ngâm: “Ngày nhỏ, cả gia đình sống trên đường Nguyễn Văn Cừ. Thế mà năm trước về thấy đổi khác quá”. Ngôi nhà đó, thời điểm sốt đất có nghe tin rao bán, không biết có bán được. Bây giờ mở một quán đồ nướng, chẳng biết chủ là ai hay là của gia đình nhà văn cho thuê…

Một cửa hàng sách cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Một cửa hàng sách cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ.

Giá đất tăng cao, một mét vuông lên đến sáu bảy chục triệu đồng cũng là cơ hội để nhiều nhà bạn tôi “đổi đời”. Đây có lẽ là điều nằm ngoài dự liệu của bà con trong khu phố bởi mười lăm, hai mươi năm về trước, đường Nguyễn Văn Cừ chưa bao giờ được gọi là phố buôn bán. Nó vốn trước kia chỉ là một con đường đất nhỏ chạy qua xóm Tân Vệ (xã Hưng Dũng). Muốn ra đường Hồ Tùng Mậu như bây giờ cũng không thể đi thẳng mà phải vòng qua chợ Cửa Đông (chợ Quán Lau ngày nay) và qua một cửa hàng chất đốt cũ. Đến đầu thập kỷ 90, sau khi phường Trường Thi thành lập chưa được bao lâu trên cơ sở lấy 5 xóm của xã Hưng Dũng, phường Bến Thủy, phường Hưng Bình lãnh đạo phường đã có chủ trương nắn thẳng lại con đường trên và mở rộng ra và đặt tên là Nguyễn Văn Cừ như bây giờ. Ngày đó, việc giải phóng mặt bằng hoàn toàn theo tự nguyện và hàng chục hộ dân đã hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường từ 7 mét lên gần 20 mét như bây giờ.

Dân bên đường Nguyễn Văn Cừ người gốc khá đông, trước đây họ chủ yếu làm nghề nông hoặc là kinh doanh lặt vặt tại các chợ quanh vùng. Sau này đất có giá, mỗi nhà bán một ít, qua nhiều lần đổi chủ nên nay người nhập cư vùng khác đến ngày một nhiều, tạo thành khu phố mới. Còn nếu đi sâu hơn một chút, phía sau đường Nguyễn Văn Cừ sẽ thấy nhiều ngõ nhỏ, ngoằn nghèo, các gia đình xây nhà theo kiểu quần cư, vòng tròn, khác rất nhiều so với quy hoạch ở các khu dân cư hiện nay. Quán cà phê “Điểm hẹn”, một trong những quán cà phê vườn đầu tiên của Vinh mở cách đây chừng mười năm là tiêu biểu cho thực trạng đất của đường Nguyễn Văn Cừ thời đó. Phố Cừ trước đây cũng rất nhiều cây xanh, mà to lớn cổ thụ nhất có lẽ là hai cây ngô đồng trước Công ty Thủy lợi thành phố. Sau này vì để xây quán cà phê Phố Đỏ nên đã được chặt trụi, hai người thợ cắt tóc lâu năm ở đó vì “dự án” này cũng đành phải chuyển đi nơi khác. Thỉnh thoảng, gặp lại họ, tôi vẫn thấy họ nhắc về khu đất trống này với vẻ tiếc nuối.

Đường Nguyễn Văn Cừ, cách đây vài năm cũng có một quán kem Bạch Đằng khá nổi tiếng. Món kem mà lũ bạn tôi thích nhất khi đó là kem sữa dừa, ban đầu chỉ 2.000 đồng/ly, sau đó lên 5.000 – 7.000 đồng rồi đến 15.000 đồng. Mối tình đầu của tôi cũng bắt đầu từ quán kem này. Còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên được nắm tay là một buổi trưa tháng 7 cũng ở quán này. Khi ấy, trời gió Lào nắng chang chang mà tay hai đứa, đứa nào cũng lạnh run. Ăn nhiều, nên chúng tôi cũng thân với ông chủ quán kem, sau này anh ấy yêu và lấy một trong những người bạn trong nhóm chúng tôi làm vợ. Kem Bạch Đằng về sau cũng có thêm nhiều vị kem khác ngoài kem truyền thống, thế mà lần nào đến chúng tôi vẫn chỉ gọi kem sữa dừa. Thích nhất là nhâm nhi kem trong giá lạnh của ngày Tết, vừa ngồi trong quán, vừa ngắm đường Nguyễn Văn Cừ vắng lặng khác ngày thường thấy ấm áp biết chừng nào. Hay, còn bởi trong vị kem có hơi ấm của mối tình thủơ đó?

Cũng bởi đa phần là dân gốc nên một nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ trước đây thừa hưởng ba bốn trăm mét vuông là chuyện thường tình. Qua đợt sốt đất, chỉ bán vài chục mét là bỗng dưng đã thành tỷ phú. Gặp lại người anh trai của cậu em xấu số, chúng tôi vẫn đùa “giờ ấy là đại gia rồi”. Thế mà, bạn ấy không bán đất quyết tâm đầu tư, gom góp toàn bộ tài sản của gia đình mở một trung tâm Bi-a hiện đại nhất khu phố. Giờ cậu là ông chủ, có tiền tỷ trong tay nhưng với bạn bè vẫn hồn nhiên như thế, chỉ khác qua những thăng trầm của gia đình thấy bạn chững chạc, người lớn hơn. Chắc là bạn đang sống cho cả cậu em không may mắn.

Kề trên đó, nhà của một người bạn khác nay cũng đã thành một khách sạn tư nhân, nhà của cậu bạn khá giả nhất trong lớp thì cả nhà đã chuyển ra Hà Nội, ngôi nhà cũ nay được chia ba cho 3 cửa hàng cắt tóc, thời trang thuê… Mừng nhất là cậu bạn, những tưởng cuộc đời sẽ khép lại sau khi phải đi cải tạo vậy mà sau khi ra tù bạn trưởng thành lên nhiều và là chủ một cửa hàng nhỏ buôn bán khá đắt khách tại chợ Quán Lau. Qua ngã tư Lê Hồng Phong chừng năm mươi mét là nhà của một cậu bạn khác cùng bàn nghe đâu cũng từng dính vào chất trắng, nay trở thành một đầu bếp có tiếng, có vợ có con đuề huề…

Thời gian trôi quá nhanh, cũng biến tôi từ một cô bé hay mơ mộng, lãng đãng trở thành một người sống khá, vội vàng. Cũng chính vì quá bận rộn nên chúng tôi cũng không còn nhiều thời gian dành cho bạn bè và thầy cô cũ… Càng trách mình vô tâm tôi lại càng thầm cảm ơn phố Cừ bởi nó là một minh chứng hiện hữu để mỗi lần đi trên đó tôi được sống chậm lại để nhớ về tuổi thơ, về những người bạn của mình. Phố Cừ, dù bụi bặm, dù xô bồ, dù chật hẹp nhưng lại hóa “thơ” trong tôi, cũng vì lẽ thường tình đó!

Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1927, sau đó được gia nhập vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, Đông Dương Cộng sản Đảng. Là một người cách mạng nhiệt huyết, ông có công lớn trong việc xây dựng phong trào “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh, Hà Nội… Ngoài ra, ông còn được bầu vào Ban Thường vụ, xứ ủy Bắc Kỳ, Ban Bí thư Trung ương. Tháng 3/1938, tại Hội nghị Trung ương lần thứ V tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, ông được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Với vai trò này, ông đã có nhiều quyết định quan trọng như chuyển toàn bộ hoạt động của Đảng từ hoạt động công khai sang hoạt động bí mật; chuyển khẩu hiệu “đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ” sang “đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc”; thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Ngày 17/1/1940, tại ngôi nhà 312, đường Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Sau đó chúng quy cho ông "Là người chủ trương bạo động đe dọa quyền lợi của mẫu quốc ở Đông Dương, là người chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" và kết án tử hình. Ông ra đi vào ngày 26/8/1941 khi mới 29 tuổi.

Bài, ảnh: Song Hoàng

Mới nhất
x
Buồn, vui một nẻo đi về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO