Buồn vui nghề hướng dẫn viên du lịch

06/10/2013 18:06

(Baonghean) - Ngày lễ, tết là dịp để mọi người cùng sum vầy bên gia đình hay thư giãn bằng những chuyến tham quan, thế nhưng đó lại là lúc những người làm nghề hướng dẫn viên du lịch vác ba lô lên đường với mong muốn mang lại niềm vui cho du khách qua mỗi chuyến đi.

Với anh Phan Đình Nho, niềm ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch đã nung nấu trong anh từ bé. Với ý nghĩ sẽ được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau.... anh Nho quyết tâm thi vào Trường Đại học Vân Nam, Trung Quốc, khoa Quản lý du lịch. Năm 2006, tốt nghiệp ra trường anh trở về xứ Nghệ và đầu quân cho Công ty cổ phần Du lịch Nghệ An với mong muốn đem những gì mình học được đóng góp cho du lịch quê hương.

Kỷ niệm những ngày đầu mới vào nghề, đến nay anh Nho vẫn còn nhớ mãi. Đó là những chuyến đi dài ngày, thời gian làm việc luôn thay đổi, được đặt chân đến nhiều vùng đất mới, có cơ hội trải nghiệm kỳ thú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ… “Tuy nhiên, mặt trái của nghề thì không phải ai cũng hiểu: Bạn có thể mất ngủ, không thích nghi với việc thay đổi múi giờ nếu hành trình của bạn là những chuyến đi dài, vượt đại dương. Bạn có thể phải đứng ra thông dịch hay làm chứng, giải quyết các vấn đề rắc rối của khách du lịch trong mỗi chuyến đi, điều này đôi khi khiến bạn không phải là người gây ra rắc rối nhưng luôn là người phải gánh chịu.

Vấn đề lớn nhất của hướng dẫn viên du lịch chính là thời gian. Bạn sẽ phải vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất ít. Nếu bạn là hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 1 tháng chỉ có thể ở nhà vài ngày. Di chuyển nhiều, ăn nhanh, uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ một lúc... khiến cho sức khỏe của bạn ảnh hưởng ít nhiều. Đa số các hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thường xuyên phải đối phó với các vấn đề về tiêu hóa, stress...” anh Phạm Đình Nho chia sẻ.

Hướng dẫn viên du lịch Phan Đình Nho và đoàn khách chụp ảnh lưu niệm tại Vạn lý Trường Thành (Trung Quốc).
Hướng dẫn viên du lịch Phan Đình Nho và đoàn khách chụp ảnh lưu niệm tại Vạn lý Trường Thành (Trung Quốc).

Do vậy, hướng dẫn viên du lịch phải tự trang bị cho mình những kiến thức văn hóa, ngoại ngữ tốt, hiểu biết phong tục các nơi và một bản lĩnh nghề nghiệp để ứng phó với bất kỳ tình huống phát sinh nào trong suốt thời gian dẫn tour. Anh Nho nhớ mãi chuyện dở khóc, dở cười về sự cố phát sinh những lần dẫn khách đi tour: “Đó là trong lần dẫn đoàn khách giáo viên của huyện Nghi Lộc đi tour ra miền Bắc, trên đường về, xe đang dừng tại tỉnh Bắc Ninh, một nữ du khách của đoàn mang bầu bỗng bị đau bụng dữ dội. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh bình tĩnh nhanh chóng đưa khách vào bệnh viện gần nhất để kịp thời cấp cứu. Rất may bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, chuyến đi lần đó, cả đoàn được phen hú hồn”.

Mỗi lần đi tour về, nghe những tràng pháo tay tán thưởng của khách dành cho là mình quên hết mệt mỏi. Có nhiều khách hàng gọi điện thăm hỏi và gửi thư cảm ơn sau mỗi chuyến đi. Anh Nho xúc động nhớ lại: Sau khi dẫn tour cho Ngân hàng BIDV, giám đốc đã gửi thư cảm ơn công ty, trong thư có đoạn viết: “...Chúng tôi rất vui, phấn khởi và thoải mái khi công ty phân công Phan Đình Nho làm hướng dẫn viên cùng chúng tôi đồng hành trên suốt chuyến đi. Thật sự không thể nói sao cho hết vì từ tận trong trái tim của cả đoàn, chúng tôi đều cảm thấy ấn tượng sâu sắc với anh Nho... Xin cảm ơn công ty đã cho mọi người có được chuyến đi vui vẻ...”.

Đến nay, anh Nho đã có 8 năm tuổi nghề, hiện anh là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Nghệ An. Thời gian làm việc chưa dài nhưng môi trường làm việc đầy thử thách đã tôi luyện anh trở thành cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Tuy làm quản lý nhưng với anh Nho, việc dẫn tour vẫn là niềm đam mê. Tâm sự thêm về những kinh nghiệm của mình, anh chỉ trả lời giản dị: “Phải yêu nghề và thật sự gắn bó với nghề thì mới làm tốt công việc, nó sẽ thôi thúc mình trăn trở, sáng tạo. Mỗi lần nhận được những lời khen hay góp ý chân thành từ du khách, mình cảm thấy phải có trách nhiệm để hoàn thiện hơn”.

Đặc thù nghề nghiệp làm cho nhiều nữ hướng dẫn viên du lịch phải bỏ nghề giữa chừng. Riêng chị Phan Thị Vân Anh, là nữ hướng dẫn viên du lịch hiếm hoi có thâm niên 7 năm tuổi nghề tại Nghệ An.

Tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, Khoa Du lịch chuyên ngành Lữ hành, chị xin về công tác tại Công ty cổ phần Du lịch Nghệ An. Sau thời gian làm việc, chị lấy chồng và hiện có được bé trai hơn 2 tuổi. Gắn bó với nghề, đồng nghĩa thời gian chị dành cho gia đình ít hơn. Chị Vân Anh chia sẻ: Hiện chị đang ở với nhà chồng tại xã Nam Lĩnh (Nam Đàn), trong khi chồng đang làm việc ở nước ngoài. Nhưng chị may mắn được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện. Mỗi lần có chuyến đi tour, chị được gia đình nội, ngoại giúp chăm sóc con. Đặc biệt, chị còn được bố chồng là thương binh hạng nặng mù 2 mắt trong kháng chiến chống Pháp, thường xuyên chia sẻ thông tin trên đài mà cụ nghe được bồi đắp thêm kiến thức cho mình.

Bảy năm theo nghề, chị Vân Anh có nhiều kỷ niệm vui buồn khó quên trong những lần dẫn khách. Chị kể: “Có lần dẫn tour đi Hạ Long, trong lúc trời mưa bão nhưng du khách nhất quyết đòi ra khơi, tôi phải cố hết sức giải thích, cung cấp thông tin dự báo thời tiết mới thuyết phục được họ. Có những trường hợp chỉ qua 1 chuyến đi mà các thành viên trong đoàn trở nên thân thiết và thường xuyên liên lạc với nhau. Đó là lần dẫn tour cho các giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Xuân B, huyện Quỳnh Lưu. Sau chuyến đi đó, cô giáo hiệu trưởng Đậu Thị Côi thường gọi điện căn dặn mình ăn uống đầy đủ để có sức khỏe dẫn tour. Cô Côi coi mình như một người em gái”. Công việc đã cho chị những người bạn, những tình cảm đẹp, làm động lực để chị thêm yêu nghề.

Khi được hỏi, điều gì khiến chị vượt qua những khó khăn, thử thách để trụ vững với nghề hướng dẫn viên du lịch như vậy? Chị Vân Anh chia sẻ: “Công việc nào cũng có những khó khăn nhất định, để gắn bó với nghề thì điều tiên quyết phải có niềm đam mê. Để tồn tại được với nghề thì phải không ngừng trau dồi, học hỏi từ bạn bè đồng nghiệp, từ những tình huống thực tế và học từ chính du khách. Kiến thức ở trường chỉ là nền tảng ban đầu, kiến thức thực tế mới là cả kho tàng mình phải dày công khai thác”.

Phạm Ngân

Mới nhất
x
Buồn vui nghề hướng dẫn viên du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO