Bút ký của nhà làm phim tài liệu hàng đầu thế giới về Việt Nam
(Baonghean) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tác phẩm văn học nghệ thuật về chiến tranh chưa bao giờ xưa cũ. Thời gian gần đây cuốn sách "Ánh sáng trong rừng thẳm" (nguyên bản "Свет в дремучем лесу") của đạo diễn người Nga Ronan Karmen xuất bản năm 1957 về quãng thời gian làm phim tài liệu ở Việt Nam đang được nhiều người hâm mộ văn học về thời chiến trên toàn thế giới tìm đọc.
Roman Karmen (1906 - 1978) là nhà quay phim, đạo diễn của Nga, được coi là một trong những nhà làm phim tài liệu hàng đầu của thế kỷ 20. Bên cạnh đó, ông còn làm nhiều công việc: biên kịch, quay phim, nhà báo, nhà sư phạm điện ảnh. Được đánh giá là một trong những hình tượng có tính ảnh hưởng trong quá trình sản xuất phim tài liệu, những tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng và tuyên truyền cao về chủ nghĩa cộng sản.
Trong sự nghiệp làm phim của mình, ông đã có mặt ở rất nhiều điểm nóng, đi khắp nơi để ghi hình như Nội chiến Tây Ban Nha, các trận đánh tại Moskva và Leningrad trong Thế chiến II, chiến tranh Đông Dương lần I, sự vươn lên của chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á những năm 1950 và Nam Mỹ những năm 1960. Ông cũng may mắn được tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Cộng sản có tầm ảnh hưởng lớn như Mao Trạch Đông của Trung Quốc, chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam, Fidel Castro của Cuba, và Chủ tịch Anh hùng Chủ nghĩa xã hội Chile Salvador Allende.
Chiến trường Việt Nam cũng là một nơi có nhiều kỷ niệm với Karmen. Việt Nam trong những ngày tháng cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng được Karmen chuyển thể thành một bộ phim tài liệu mang tên "Việt Nam trên đường thắng lợi", nói về những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ và những ngày đầu hòa bình sau hiệp định Genève. Không chỉ thực hiện bộ phim tài liệu về Việt Nam, Karmen còn cho ra đời một cuốn bút ký "Ánh sáng trong rừng thẳm" 3 năm sau đó, ghi lại chuyến đi gian khổ nhưng nhiều kỷ niệm ông ở Việt Nam làm phim năm 1954.
7 tháng ở xứ nhiệt đới, Roman Karmen cùng đoàn phim đã đi nhiều nơi trên dải đất chữ S, tiếp xúc rất nhiều nhân vật quan trọng như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch, Tố Hữu... Ông vào rừng sâu, tới chiến trận, tiếp xúc người dân, tìm hiểu về mọi mặt đời sống Việt Nam như nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục, nghệ thuật... Để hiểu hơn về cuộc chiến, Karmen tìm gặp cả tướng De Castries khi đó đang bị giữ như tù binh tại Hà Nội. Gần 500 trang cuốn bút ký, cũng như những thước phim của ông đều khắc họa chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm của Việt Nam trong tư cách là chiến binh và người lao động.
“Ánh sáng trong rừng thẳm” cho thấy tình cảm của Roman Karmen với Việt Nam. Trong phần cuối bút ký, ông viết: “7 tháng ở Việt Nam! Thời gian trôi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đang đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân... Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và tôi sẽ yêu mến nó đến trọn đời. Trong giờ phút chia tay, tôi muốn tin rằng mình sẽ trở lại, sẽ thấy một Việt Nam hạnh phúc, thống nhất, không bị chia cắt bởi bất kỳ vĩ tuyến nào. Những cái bắt tay, những cái ôm hôn cuối cùng với những con người tôi yêu quý. Và khi máy bay lượn một vòng giã biệt trên bầu trời Hà Nội, phía trên hình bầu dục xanh lam của hồ Hoàn Kiếm, trái tim tôi như đang muốn nói: 'Tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt với bạn, Việt Nam thân yêu!'".
Chúng ta thường tri ân, biết ơn, tưởng nhớ đến những người chiến sỹ dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những người phóng viên nước bạn, những người cũng dũng cảm không kém, không ngại hiểm nguy để xông pha ghi lại những hình ảnh, thước phim quý giá về chiến tranh mang đến cho chúng ta tư liệu để nhìn và ngẫm về quá khứ, như Ronan Karmen. Cũng xin gửi lời cảm ơn đến những người làm báo chí quốc tế đã từng chiến đấu, đồng hành cùng chúng ta trong quá khứ, và bây giờ.
Nhật Minh
(Theo Books In Russia)