Cá bạc đầy khoang...
(Baonghean) - Bữa ni nắng nhưng lặng gió! - Chị Nguyễn Thị Liễu là đối tác “hậu cần” cho tàu cá ở Lạch Vạn (Diễn Ngọc, Diễn Châu), vừa ngó ra bể vừa quài tay vấn lại chiếc khăn trên đầu, rồi tiếp tục thoăn thoắt vận chuyển đá, gạo và thực phẩm xuống tàu. Mấy chuyến biển mới rồi nhiều tàu trúng, chuyến này chị Liễu phải chuẩn bị mọi thứ nhiều hơn một chút để các tàu vươn khơi xa hơn…
Thuyền về cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu). |
Trong nườm nượp tàu thuyền đi về cửa lạch, khẩn trương mỗi người mỗi việc, thật may gặp chị Liễu là người mặn chuyện để hỏi han. Người dân xã biển Diễn Ngọc vốn ổn định cuộc sống nhờ phát huy tốt nghề biển truyền thống. Dịch vụ trên bờ nay cũng phát triển, nhiều gia đình kết hợp giữa đi biển và dịch vụ bờ mà nhanh thoát nghèo. Những hộ trung bình thì vươn lên khá, giàu. Chị Nguyễn Thị Liễu là một điển hình. Chồng chị mấy năm nay do sức khoẻ giảm sút không đi biển như trước được, một mình chị vất vả nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học, nhà từng có lúc thiếu ăn. Bạn chài với nhau không bỏ nhau lúc khó khăn hoạn nạn, một số chủ tàu trong xã bàn nhau tạo điều kiện cho chị Liễu có một công việc ổn định: Ngày ngày chị cung cấp muối, đá lạnh và thực phẩm cho các con tàu vươn khơi. Từ làm công tác hậu cần, chị quan sát và nghĩ ngay đến việc buôn bán lẻ hải sản tươi sống nhập cho các nhà hàng. Cần mẫn chịu khó như thế, kiếm thêm được đồng tiền lãi cứ ngày góp một ít, chị Liễu trở thành người phụ nữ năng động của làng biển Diễn Ngọc và khi có trong tay số vốn kha khá, chị trở thành một đầu mối thu mua các hải sản cung ứng cho nhu cầu trong vùng...
Ngư dân Diễn Ngọc đầu tư đóng tàu mới vươn khơi. |
Bên bến lạch có mấy tàu cá lớn đang giong cờ sẵn sàng cho nhổ neo, chúng tôi bắt gặp một ông già vừa quầy quả từ tàu cá lên, tần ngần đứng trên bến như một vị tướng già vừa chia tay đoàn quân trẻ tuổi sắp xông pha chiến trận. Ông là ngư phủ Lê Sỹ Vinh (60 tuổi, xóm Đông Lộc). Hóa ra ông là người rất cởi mở. Ông cho biết: “Ngư dân Diễn Ngọc dày truyền thống nghề cá. Nhưng việc đóng tàu lớn hàng trăm mã lực chưa nhiều. Dù vậy, thời điểm này đang là khai thác vụ cá chính và có sự khích lệ vươn khơi bám biển của Nhà nước, nên bà con khí thế lắm” – Là sao? - “Nghĩa là không cứ khơi hay lộng. Trừ ngày nào lốc tố, biển động mạnh, còn nữa cứ tranh thủ từng giờ, từng ngày hướng biển mà nhổ neo. Bà con mình phải thi đua với ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chứ!” – ông Vinh giải thích.
Ừ thì những ngày này, đi về xã vùng biển nào cũng thấy bà con ngư dân tỉnh mình một tinh thần như thế. Cả người đi biển cũng như người trên bờ, chuẩn bị cho mỗi chuyến biển chu đáo hơn với quyết tâm vượt khó khăn cao hơn. Và dường như mọi chuyện may rủi ngư trường không phải là điều quan trọng nhất, mà bà con vẫn luông ngóng trông về những biến động ở phía lãnh hải thiênng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm. Ông Lễ Sỹ Vinh tiếp tục mặn chuyện: “Đi khơi chú trọng ngư trường có nhiều con cá, con tôm. Biển trời đất nước mình, miễn là tìm được luồng cá, còn ra khơi xa cỡ nào cũng không ngại. Như bây dừ ngư dân ta trông vươn được càng xa càng tốt… Ấy như cái hôm Trung Quốc mới gây hấn trên biển, cán bộ xã tổ chức họp nhằm động viên người dân tiếp tục vươn khơi bám biển. Bà con nhiều người bảo, chuyện chi chớ chuyện nớ thì không lo. Vươn khơi đánh cá chớ nếu cần cũng sẵn sàng vươn khơi đánh thù. Biển của mình, nguồn nuôi sống mình không bám, không giữ là sao?”.
Thật “sướng” khi nghe ông Vinh chia sẻ. Và vui hơn khi được biết thêm, những ngư dân Diễn Ngọc ở tuổi ngoại 60 như ông Vinh, bây giờ hè nhau làm gương cho tụi trẻ, thi đua tháng ít nhất 4 chuyến vươn khơi… Hơn một tháng nay, đôi tàu có công suất trên 600 CV của gia đình ông Vinh luôn bám biển 6 đến 8 ngày, chuyến mới đây 10 ngày. Chuyến nào cũng trúng, chủ yếu vẫn là các hải sản xuất khẩu có giá trị như tôm, ghẹ, mực và cá chi lê. Ông còn khoe các con ông làm được nhà cửa kiên cố, rộng rãi đều nhờ vào biển. Nói đoạn ông giải thích lý do chuyến biển này ông không tham gia: “Ông bạn thân từ ngày còn đi phụ bếp trên biển với tui mấy hôm nay đóng mới đôi thuyền, nên tui ở nhà phụ giúp ít bữa lấy cái vía. Không đi, nhưng phải ra đây dặn dò, động viên con cái và bạn ngang, là vươn cho ra vươn, bám cho ra bám. Cần là cứ đi cho cùng biển khơi đất nước mình!”.
Quả là rất dễ lây cái hứng khởi từ tinh thần bám biển của ngư dân Diễn Ngọc. Và không biết có phải cái tinh thần bám biển nó lên cao như thế, nên biển cả ủng hộ ngư dân hay sao, mà mấy chuyến biển gần đây thuyền cá nào của Diễn Ngọc cũng trúng, sản lượng tăng và giá trị con cá bắt được cũng tăng, các chủ thuyền và bạn ngang rất phấn khởi. Các bà, các chị ở bờ đón tàu cá về lạch, thấy cá bạc đầy khoang mà vừa vui vừa tự hào về người đàn ông đi biển của mình.
Xế trưa, chúng tôi về trụ sở UBND xã Diễn Ngọc theo cái hẹn của Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế Nguyễn Văn Dũng. Anh vắn tắt thông tin vui từ những chuyến biển trong 6 tháng đầu năm của xã: Diễn Ngọc vẫn duy trì “ngôi” địa phương có số lượng tàu thuyền nhiều nhất của huyện Diễn Châu. Toàn xã có 398 tàu, trong đó 60 tàu có mã lực 90 CV trở lên và hàng trăm con tàu trung bờ và gần bờ, năng lực bây giờ mỗi năm có thể khai thác 13.000 tấn hải sản các loại. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã khai thác được gần 7.000 tấn, tăng 600 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Bà con đang rục rịch thay thế tàu cũ bằng đầu tư đóng tàu mới. Hiện đã có 6 đôi tàu vừa hoàn thiện vươn khơi chuyến đầu trúng nguồn cá lớn, ước tính một thuyền gần 4 tấn hải sản các loại; thu nhập bình quân lao động trên biển 5- 6 triệu đồng/tháng.
Ở Diễn Ngọc nhiều gia đình sắm tàu cá lớn, chủ tàu Ngô Trí Đông ở xóm Ngọc Tân sắm đôi tàu cá đánh bắt xa bờ gần chục năm nay, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập đạt 6 triệu đồng/ người/ tháng. Đôi tàu của chủ tàu Đông luôn bám biển ở những ngư trường xa. Có lần đánh bắt ở vùng đánh cá chung, tàu của chủ tàu Đông bị tàu Trung Quốc lao lại hăm dọa, nhưng các thuyền viên đã không hề nao núng, bình tĩnh thực hiện công việc của mình, vừa bố trí người lên boong cảnh giác, cuối cùng tàu Trung Quốc cũng không làm được gì. Chủ tàu Đông cho hay, đôi tàu của anh hàng năm trừ chi phí cho lãi hàng trăm triệu đồng. Vui nhất là còn đảm bảo việc làm cho lao động trên tàu và chị em buôn bán trên Lạch Vạn. Anh còn chú trọng kết hợp với chính quyền địa phương cho thuyền viên tham gia các đội cứu hộ, cứu nạn trên biển, trên tàu luôn sẵn sàng máy bộ đàm tầm xa, tầm trung và điện thoại di động, kịp thời thông tin tình hình trên biển về cho chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng 152 mỗi khi có dấu hiệu lạ…
Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, hiện tại xã Diễn Ngọc chiếm đến 30% tổng số lực lượng dân quân trên biển của toàn huyện Diễn Châu. À, có nghĩa bây giờ ngư dân Diễn Ngọc vươn khơi càng phải thêm nhận thức, quyết tâm mới về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Để khẳng định thêm ý nghĩa thú vị này, chúng tôi tìm gặp Thượng Tá Trương Đại Đoàn - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Diễn Châu. Đồng chí cho biết: “Trung đội dân quân biển Diễn Ngọc là 1 trong 6 trung đội dân quân biển của cả nước, được Bộ Quốc phòng chọn xây dựng điểm tổ chức huấn luyện. Dân quân biển của xã Diễn Ngọc khi trực tiếp đánh bắt xa bờ sẽ cùng với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Đồn Biên phòng 152 bám ngư trường, vừa góp phần giữ vững lãnh thổ biển đảo Việt Nam. Hàng ngày, tầm 16 giờ, Ban CHQS huyện và 8 xã biển đều thực hiện nắm tình hình hoạt động của lực lượng dân quân biển trên các vùng biển qua phương tiện máy liên lạc tầm xa Icom. Sau mỗi chuyến các tàu cá ra khơi về, Ban CHQS huyện và chính quyền các xã mời các chủ tàu, đồng thời cũng là trung đội dân quân báo cáo tình hình và từ đó giao nhiệm vụ tiếp theo...
Bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên cơ sở đấu tranh một cách hòa bình và trên cơ sở pháp lý, nên dù không “tay lưới, tay súng” nhưng tinh thần bám biển vươn khơi, chủ động nắm bắt mọi tình hình trên biển của ngư dân – dân quân biển Diễn Ngọc càng làm ý nghĩ thêm những chuyến biển “cá bạc đầy khoang” trong vụ cá chính ngày.
Bài: ĐS - TH, Ảnh: Cảnh Yên - Đình Sâm