Cả khu vực sẽ trong phạm vi tác chiến của Trung Quốc?

09/09/2014 20:13

(Baonghean) - Những ngày gần đây, các cơ quan báo chí quốc tế và khu vực bày tỏ sự phản ứng trước việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng các công trình quân sự trái phép tại các khu vực lấn chiếm trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nhận định chung, việc Trung Quốc tăng cường khả năng không lực tại các đảo ở Biển Đông sẽ đẩy cả khu vực Đông Nam Á vào phạm vi tác chiến của không quân Trung Quốc.

Đảo Gạc Ma (Ảnh Internet)
Đảo Gạc Ma (Ảnh Internet)

Với sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật hiện đại hiện nay, “nhất cử nhất động” của Trung Quốc trên Biển Đông đều không thể tránh khỏi sự theo dõi của các nước trên thế giới. Và một khi các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế vào cuộc, sức mạnh của “thế giới phẳng” về thông tin đang phơi bày những hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc như “bánh đúc bày sàng” khiến bất kỳ ai quan tâm đều có thể theo dõi, kiểm chứng và bày tỏ thái độ. Khi tờ Ashahi Shimbun (Triều Nhật tân văn – tờ nhật báo lớn thứ 2 của Nhật Bản) đăng tải các hình ảnh về những công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo đá Gạc Ma, lập tức hình ảnh này được truyền tải và chia sẻ đến nhiều cơ quan báo chí, nhiều trang mạng xã hội, làm dấy lên sự lo ngại về ý đồ xấu đi kèm với các hành động ngang ngược, bất chấp đã và đang đe dọa tới an ninh của khu vực và thế giới.

Tờ Want Daily (Đài Loan) cho biết lộ trình “cưỡng ép” các bãi đá trở thành hòn đảo được tiến hành trong khoảng 6 tháng. Với nhiều đội xây dựng được đưa ra tại các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có 6 bãi đá ngầm đã bị “hô biến” một cách phi pháp thành đảo gồm: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất. Từ bãi đá ngầm tự nhiên, hòn đảo Gạc Ma (bị Trung Quốc đánh chiếm ngày 14/3/1988) vào đầu quý 3 năm nay đã xuất hiện nhiều lối đi, cây dừa, cầu tàu và một số công trình phi pháp khác. Việc tiến hành xây dựng ồ ạt các cơ sở quân sự trái phép của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông theo nhận định của giới quan sát là sẽ đe dọa đến tình hình quốc phòng an ninh của nhiều bên.

Theo tờ chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review của Canada, Trung Quốc đang thực hiện dự án xây dựng đảo Gạc Ma thành tiền đồn không quân trên biển với chiều dài 5 km, chiều rộng 400m, trong đó đáng chú ý là nhà cầm quyền Trung Quốc cho xây dựng một đường băng dài 2.000 m để đưa các chiến đấu cơ Su-30, J-11 và J-10 đến căn cứ này. Vì thế, dự án này hé lộ âm mưu chuẩn bị sức mạnh quân sự để thực hiện các chiến dịch trên không, chẳng hạn thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại các khu vực tranh chấp và vươn xa đến tận eo biển Malacca, đe dọa các bên đang tham gia tranh chấp khác.

Chuyên san quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly (Anh) cho rằng ý đồ nâng cao năng lực không lực của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc mở đường băng ở Gạc Ma, mà Phú Lâm sẽ là nơi Trung Quốc đồng thời đầu tư mở rộng cảng biển và sân bay (Phú Lâm là hòn đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp). Tờ IHS Jane's Defence Weekly cho rằng Trung Quốc sẽ nâng cấp đường băng ở Phú Lâm lên tới 2.700 - 2.800 m.

Hãng thông tấn Đài Loan CNA cuối tuần vừa rồi đưa ra cảnh báo rằng cả Đông Nam Á sẽ nằm trong phạm vi tác chiến của Trung Quốc khi mà nước này triển khai các chiến đấu cơ đến Trường Sa – trung tâm của Biển Đông. Tại đây, với căn cứ không quân tại các vùng lấn chiếm được, Trung Quốc sẽ thực hiện Vùng cấm bay hoặc Vùng cấm đánh bắt, cấm tàu thuyền qua lại. Cùng với đó, an ninh khu vực còn bị đe dọa bởi khả năng Bắc Kinh có thể sẽ đặt trạm radar hoặc thiết bị nghe trộm để theo dõi các hoạt động phòng không và trao đổi thông tin của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chuyên san quân sự của Canada - tờ Kanwa Defense Review phân tích: Với mục tiêu biến các đảo lấn chiếm thành các tiền đồn cho lực lượng hải quân, Trung Quốc vừa củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, từ đó tiến tới kiểm soát và giám sát các hoạt động trên Biển Đông. Và một mục tiêu “ẩn” mà Trung Quốc hướng đến là hạn chế chiến lược xoay trục của Mỹ - đương nhiên là kiểm soát và hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, dư luận các hãng thông tấn báo chí đều tỏ thái độ bất bình, lo ngại với các hoạt động củng cố năng lực không quân tại các đảo lấn chiếm phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Những hành động đó không trung thực với những tuyên bố và cam kết mà Trung Quốc đã và đang thực hiện với các nước liên quan cũng như với các định chế quan hệ quốc tế mà Trung Quốc tham gia. Đó là điều đáng tiếc bởi Trung Quốc đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin chiến lược mà các nước trong và ngoài khu vực đang xây dựng vì một thế giới ổn định, hòa bình và phát triển.

Chí Linh Sơn

Mới nhất
x
Cả khu vực sẽ trong phạm vi tác chiến của Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO