Kinh tế

Cà phê lưu động - mô hình kinh doanh 'mới nổi' ở Nghệ An

Thanh Phúc 01/11/2024 12:17

Thời gian gần đây, mô hình kinh doanh "cà phê mang đi" nở rộ ở Nghệ An. Sự nhanh chóng, tiện lợi, giá rẻ đã giúp dịch vụ này hút khách...

bna_hoai.jpg
Chỉ với chiếc xe máy và vài vật dụng đơn giản, Lê Thị Hoài (Thanh Chương) đã có thể kinh doanh "cà phê mang đi". Ảnh: T.P

Sinh năm 2005, tại xã Thanh Xuân (Thanh Chương), Lê Thị Hoài hiện đang là sinh viên Trường Đại học Vinh. Để có tiền chi tiêu cho cuộc sống trọ học xa nhà, Hoài chọn kinh doanh cà phê mang đi. Hàng ngày, trên chiếc xe máy, Hoài chở theo 1 thùng đá, vài chai cà phê đã pha sẵn ở nhà và cốc nhựa, một số dụng cụ pha chế đơn giản.

Theo Hoài cho biết, sau khi mày mò học được cách pha chế thì em quyết định bán cà phê mang đi. “Vốn đầu tư chỉ khoảng dăm, bảy trăm nghìn để mua một số vật dụng đơn giản. Em chỉ học 1 buổi chiều nên em bán từ 6h30' sáng đến 9h sáng là kết thúc. Hôm đắt khách thì bán được 40-50 cốc, hôm nào ít thì 10- 30 cốc. Trừ chi phí cũng có thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng. Quan trọng nhất là em chủ động được thời gian”, Hoài cho biết.

bna_tien.jpg
Tính nhanh gọn và tiện lợi giúp mô hình kinh doanh này hút khách. Ảnh: T.P

Địa điểm bán của Hoài sẽ không cố định, thường mỗi nơi Hoài dừng xe khoảng 30 phút, sau đó, di chuyển sang địa điểm khác, hầu hết đều là những nơi đông đúc người qua lại.

Còn Phan Văn Nguyên - một bạn trẻ ở xã Hưng Lộc (thành phố Vinh) lại chọn bán cà phê mang đi để khởi nghiệp. Chỉ với chiếc xe đẩy đơn giản, bài trí bằng tấm áp phích bắt mắt kèm thực đơn đa dạng, hàng ngày, Nguyên đẩy xe ra cổng Bệnh viện Quân y 4 để bán cà phê cùng các loại nước uống.

Khách hàng của Nguyên chủ yếu là người lao động, tiểu thương ở chợ Cọi và khách qua đường. "So với mở quán, xe cà phê di động thuận tiện bởi không mất tiền thuê mặt bằng, bàn ghế hay đồ trang trí, lại dễ thu hút khách nếu sản phẩm chất lượng. Sau gần nửa năm kinh doanh, mỗi tháng tôi có thu nhập 12-15 triệu đồng”, Nguyên cho biết.

bna_pj-e1ccb57ec41885a11ffd08de5d2706a1.jpg
Người mua được chứng kiến toàn bộ quy trình pha chế. Ảnh: T.P

Còn chị Nguyễn Thị Liễu, năm nay đã 50 tuổi, trước chị làm tạp vụ ở cơ quan Nhà nước, sau khi nghỉ hưu, chị chọn kinh doanh cà phê di động. Chỉ một kệ hàng nhỏ, 1 phích cà phê pha sẵn từ nhà cùng mấy chai lọ đựng nguyên liệu, cốc giấy, hàng ngày chị bán cà phê tại một điểm dừng xe buýt trên đường Nguyễn Du (thành phố Vinh). Khách hàng của chị là khách đi xe buýt, các tài xế xe ôm, xe tắc-xi chờ đón khách hoặc những người chờ xe để gửi hàng.

“Mỗi cốc cà phê chỉ 10.000-15.000 đồng nên phù hợp với túi tiền mọi người. Bán lai rai mỗi ngày cũng kiếm được 120.000-150.000 đồng, thêm đồng ra, đồng vào bù đắp cho khoản lương hưu ít ỏi”, chị Liễu cho biết.

xe bút
Quầy cà phê lưu động tại điểm chờ xe buýt. Ảnh: T.P

Cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển, thói quen thưởng thức cà phê cũng có những thay đổi. Thay vì vào quán, loay hoay tìm chỗ đậu xe, ngồi chờ pha chế và nhâm nhi cà phê thì nhiều người lại chọn mua cà phê mang đi, đưa đến nơi làm việc để thưởng thức.

Thực đơn của các xe cà phê lưu động tương đối đơn giản, với những loại cà phê phổ biến như cà phê đen, cà phê nâu, cà phê muối, bạc xỉu... Giá bán thường rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, trung bình từ 13-15 nghìn đồng/cốc do không mất chi phí mặt bằng, không phải đầu tư mua sắm bàn ghế, không phải thuê nhân viên phục vụ…

pha sẵn
Thực đơn đơn giản, pha chế dễ là lựa chọn của những người kinh doanh mô hình này. Ảnh: T.P

Ngoài ra, dịch vụ này hút khách bởi tính nhanh gọn và tiện lợi, khách chỉ cần dừng lại 5 phút là đã có ngay đồ uống trao tay. Nhận ly cà phê muối với giá 15.000 đồng, anh Trần Hữu Trung - một khách hàng cho biết: “Nhanh, gọn, giá rẻ và quan trọng là phù hợp với người bận rộn như tôi thì đây là dịch vụ hữu ích. Chỉ dừng xe 5 phút là đã có đồ uống, không phải chờ đợi, giá chỉ bằng một nửa so với vào các quán cà phê lớn”.

Hiện ở thành phố Vinh và trung tâm các huyện, thị, dọc đường vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều xe cà phê, giải khát di động. Đây được xem là phương thức kinh doanh mới mẻ, độc đáo với ưu điểm nổi bật là vốn ít, có thể di chuyển địa điểm linh động, dễ dàng tiếp cận nhiều tệp khách hàng khác nhau. Với nhiều ưu thế trên, hình thức kinh doanh này đã và đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng gặp những khó khăn như: Thời tiết xấu, khách hàng e ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không cố định thời gian và địa điểm nên nhiều khi mất lượng khách cũ,…

bna_qua-duong-1-a1c0a4fba969284d4b7b911ea73c2b4c(1).jpg
Mô hình này đang nổi lên như một xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ. Ảnh: T.P

Mô hình kinh doanh cà phê Take away (cà phê mang đi) có nguồn gốc từ Ý, bắt đầu len lỏi vào thị trường Việt Nam từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian đó, hình thức kinh doanh này chưa được đánh giá cao và cũng ít phổ biến. Khoảng vài năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng và nhu cầu của người dân đã có nhiều thay đổi khiến mô hình này phát triển rầm rộ. Tại Nghệ An, 2 năm gần đây, kinh doanh cà phê mang đi nổi lên như một xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ.

Mới nhất

x
Cà phê lưu động - mô hình kinh doanh 'mới nổi' ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO