Kinh tế

Các địa phương hạ lưu sông Lam chủ động ứng phó ảnh hưởng bão số 4

Thanh Phúc 19/09/2024 14:31

Từ ngày 19-22/9, do ảnh hưởng bão số 4, Nghệ An sẽ có các đợt mưa lớn trên diện rộng, cùng với thuỷ điện có thể xả lũ gây ra nguy cơ cao về ngập lụt ở các địa phương vùng hạ lưu sông Lam. Hiện các địa phương liên quan đã lên kế hoạch, kịch bản chủ động ứng phó…

 Các địa phương vùng hạ du, sống cạnh chân núi đối mặt nguy cơ sạt trượt núi khi mưa lớn kéo dài. Ảnh: T.P
Các địa phương vùng hạ du, sống cạnh chân núi đối mặt nguy cơ sạt trượt núi khi mưa lớn kéo dài. Ảnh: T.P

Đặc thù địa hình, các khu dân cư nằm sát dưới chân núi Thiên Nhẫn, do đó, nguy cơ mưa lớn kéo dài sẽ gây sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, do đó, từ sáng 19/9, chính quyền xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) đã thành lập đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình lụt bão.

Qua kiểm tra, cho thấy, hiện có 6 xóm có các hộ dân nằm trong diện đối mặt với nguy cơ sạt lở: Thanh Tân, Thiên Tân, Phúc Lộc, Đại Lộc…

Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Chủ tịch UBND xã Thượng Tân Lộc, cho biết: “Qua nắm bắt và nhận định tình hình, đoàn kiểm tra đã vào tận các hộ dân tuyên truyền, vận động và phổ biến kế hoạch di dời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Theo đó, gần 200 hộ dân đã đồng ý với kế hoạch của xã, khi có mưa lớn kéo dài sẽ chủ động di dời đến nhà người thân để tránh trú. Đồng thời, xã quán triệt lực lượng 4 tại chỗ của các xóm túc trực, sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết”.

Một số diện tích hoa màu vùng bãi ở Thượng Tân Lộc ngập nhẹ. Ảnh: T.P
Một số diện tích hoa màu vùng bãi ở Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) ngập nhẹ. Ảnh: T.P

Hiện, trong 2 ngày nay, mưa ở trên địa bàn xã Thượng Tân Lộc tương đối nhỏ, nước sông Lam có dâng lên nhưng chưa ở mức báo động. Đối với diện tích hoa màu: bí đỏ, ngô… phía ngoài bãi, bà con đang tranh thủ mưa nhỏ để thu hoạch. Phía trong đồng, người dân nạo vét rãnh luống, khơi thông dòng chảy…

Tranh thủ mưa nhỏ, người dân thu hoạch ngô vùng bãi. Ảnh: T.P
Tranh thủ mưa nhỏ, người dân thu hoạch ngô vùng bãi. Ảnh: T.P

Nằm sát sông Lam và một nhánh của hạ lưu sông La của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nên xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) là địa bàn trọng điểm mưa lũ. Hàng năm địa phương gặp từ 3-4 cơn bão đổ bộ và lũ lụt thường xuyên ập đến, khi bão lụt ở mức báo động 2 thì địa bàn các xóm Quang Thái, Đông Thọ, Dương Phổ, Phượng Kiều sẽ ngập sâu từ 1-1,5m, cô lập hoàn toàn.

Chủ động ứng phó với diễn biến bão lũ hết sức phức tạp năm nay, trước đó, xã Trung Phúc Cường đã lập kế hoạch phòng, chống thiên tai bão lụt; hướng dẫn các xóm thành lập các Tiểu ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xóm, lập kế hoạch ứng phó kịp thời khi có bão lụt xảy ra; công bố số điện thoại của các thành viên Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để nhân dân biết khi có sự cố xảy ra gọi trực tiếp cho các thành viên để kịp thời tham mưu ứng cứu…

Mưa lớn kéo dài, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) đối mặt với nguy cơ ngập úng cục bộ. Trong ảnh: Mưa lớn năm 2021 khiến nhiều xóm trong xã bị ngập, phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: T.P
Mưa lớn kéo dài, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) đối mặt với nguy cơ ngập úng cục bộ. Trong ảnh: Mưa lớn năm 2021 khiến nhiều xóm trong xã bị ngập, phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết: “Sáng 19/9, khi có thông tin bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta, trên địa bàn Nghệ An có mưa to đến rất to, xã đã thành lập đoàn đi kiểm tra, nắm bắt tình hình. Đồng thời, liên hệ với xã Khánh Sơn để di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có lũ lụt xảy ra. Hiện tại, trên địa bàn xã đang đảm bảo an toàn, chưa có gì bất thường xảy ra”.

Huyện, xã đã tổ chức các đợt diễn tập về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: T.P
Huyện, xã đã tổ chức các đợt diễn tập về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: T.P

Các địa phương nằm dọc sông Lam như Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… thường đối mặt với nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn và thuỷ điện xả lũ. Do đó, công tác tuyên truyền nhân dân luôn luôn cảnh giác để ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, không để bất ngờ xảy ra luôn được các địa phương quan tâm. Người dân cũng có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ánh sáng dự phòng khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

 Một cầu tràn trên địa bà xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) bị ngập, chính quyền địa phương đã làm chắn ngăn người qua lại. Ảnh: CSCC
Một cầu tràn trên địa bà xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) bị ngập, chính quyền địa phương đã làm chắn ngăn người qua lại. Ảnh: CSCC

Với phương châm “4 tại chỗ” nên các địa phương chủ động các nguồn lực, phương tiện (đò ngang gắn máy, thuyền nhựa nhỏ, đò 3 ván, phao cứu sinh)… cho lực lượng xung kích phòng, chống, khắc phục thiên tai; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại một số ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bến đò; khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi…

Ông Nguyễn Đình Thế, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đàn, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong phương án phòng chống thiên tai là công tác hộ đê, phòng chống sạt lở, sơ tán và tìm kiếm cứu nạn đều được xây dựng tỉ mỉ, chi tiết và khoa học.Khi mưa lũ xảy ra, sẽ căn cứ trên kịch bản được xây dựng, phương án được phê duyệt để triển khai, không để lúng túng, bị động”.

 Chính quyền thị trấn Thanh Chương kiểm tra tình trạng sạt lở ở các hộ dân nằm sát chân núi trên địa bàn. Ảnh: CSCC
Chính quyền thị trấn Thanh Chương kiểm tra tình trạng sạt lở ở các hộ dân nằm sát chân núi trên địa bàn. Ảnh: CSCC
Mới nhất
x
Các địa phương hạ lưu sông Lam chủ động ứng phó ảnh hưởng bão số 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO