Các ông lớn 'đứng ngồi không yên' vì Brexit
(Baonghean) - Hôm nay (23/6), nước Anh sẽ bước vào cuộc trưng cầu ý dân lịch sử về việc nước này sẽ đi hay ở lại Liên minh châu Âu. Không chỉ làm nội bộ chính trường - xã hội Anh và châu Âu rối bời, từ khóa “Brexit” (Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu) cũng là mối bận tâm hàng đầu của các ông lớn như Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Nỗi lo suy giảm kinh tế
Trong suốt thời gian Liên minh châu Âu lao tâm khổ tứ về cuộc trưng cầu ý dân tại Anh, dư luận chứng kiến thái độ im lặng và thận trọng trong từng phát ngôn của nước Nga liên quan đến Brexit. Chỉ trong bài phát biểu mới đây tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg ở Nga, Tổng thống Putin mới đưa ra bình luận rằng: “Đây là việc của người Anh chứ không phải việc của chúng tôi”. Trước đó, nhiều quan chức Nga cũng phát biểu cho rằng, Nga sẽ không bị ảnh hưởng nếu Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Nước Nga của Tổng thống Putin chịu ảnh hưởng không nhỏ nếu kịch bản Brexit xảy ra ở Anh. Ảnh: DailyBeast |
Tuy nhiên, thực tế dường như lại không phải như vậy. Có thể nói, dù quan hệ thương mại trực tiếp Anh - Nga không bị ảnh hưởng quá nhiều, do thời gian qua bị hạn chế bởi các lệnh cấm vận của châu Âu với Nga. Tuy vậy, những ảnh hưởng gián tiếp là không nhỏ. Bởi Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, còn EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Một cơn chấn động kinh tế của EU khi Anh ra đi chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hợp tác với Nga.
Trong khi đó, London là trung tâm tài chính mà cổ phiếu của hàng loạt công ty hàng đầu của Nga giao dịch hàng ngày, như Gazprom, Rosneft, Lukoil hay Sberbank… Theo các nhà kinh tế, kịch bản Brexit còn đặc biệt ảnh hưởng xấu tới hợp tác kinh tế của Nga với các nền kinh tế trong Liên minh châu Âu, như Hà Lan hay Cộng hòa Síp. Bên cạnh đó, Brexit cũng sẽ tác động tiêu cực tới dự trữ vàng và ngoại tệ ở Nga khi đồng euro bị rớt giá. Ngoài ra, nếu kịch bản Brexit xảy ra, ý tưởng Liên minh kinh tế Á - Âu mà Tổng thống Putin ấp ủ, ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu như Nga bị ảnh hưởng thì Mỹ cũng bị tác động không nhỏ. Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, còn Anh là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. 27% các dự án mà Mỹ đầu tư vào châu Âu hiện nay là thông qua Anh. Cũng giống như Nga, các công ty Mỹ bị hấp dẫn bởi mức thuế thấp và môi trường thân thiện với doanh nghiệp tại Anh, cũng như khả năng tiếp cận thị trường chung châu Âu. Bởi thế, kinh tế Anh lung lay thì hợp tác với Mỹ cũng bị tác động tiêu cực.
Là đồng minh thân thiết, Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn kêu gọi Anh ở lại EU. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Janet Yellen cho hay, quyết định không tăng lãi suất vừa qua của FED cũng xuất phát chính từ vấn đề Brexit. Không chỉ vậy, một khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, tương lai của Hiệp định thương mại Mỹ - EU, hay còn gọi là Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), sẽ càng xa vời và khó trở thành hiện thực.
Trong khi đó, một ông lớn khác là Trung Quốc có vẻ không được nhắc tới nhiều trong các thông tin liên quan đến Brexit. Tuy vậy, không thể phủ nhận, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc. Tổng trị giá trao đổi mậu dịch hai chiều đã lên tới 520 tỷ USD vào năm ngoái. Bên cạnh đó, năm 2015, Anh cũng là nước rộng cửa đón nhận hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la.
Có thể nói, Anh là cánh cửa quan trọng để Trung Quốc bước vào thị trường châu Âu. Bởi thế, một khi Anh không còn là thành viên của EU thì hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc - EU và cả Anh - Trung cũng sẽ gặp khó. Lớn hơn, cánh cửa vào thị trường châu Âu với hơn 500 triệu dân của Trung Quốc cũng hẹp lại.
Toan tính địa chính trị bị ảnh hưởng
Không chỉ tác động tiêu cực về hợp tác kinh tế, kịch bản Brexit nếu xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu chiến lược của cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện từ trước tới nay.
Với nước Nga, cũng có ý kiến cho rằng, Nga có một vài cái lợi khi Anh ra khỏi EU. Như việc Anh vốn là quốc gia luôn có tuyên bố cứng rắn với nước này liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Vì thế, nếu Anh chia tay EU, liên minh này có thể sẽ dịu giọng hơn nhiều với Nga. Đi kèm với đó, một khi đồng minh thân cận nhất của Mỹ không còn ở trong EU thì sự ràng buộc với Washington sẽ không còn quá chặt chẽ. Và rằng, quan hệ Nga - châu Âu có thể sẽ tốt lên.
Còn về phía Mỹ, giới lãnh đạo nước này cũng đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về khả năng Anh rời khỏi EU. Điều khiến Mỹ lo lắng nhiều nhất chính là việc, một khi đồng minh thân cận là Anh không còn trong EU thì Washington khó có thể duy trì vai trò và ảnh hưởng đối với châu Âu. Bởi quan hệ với đồng minh Anh là không thể đủ. Ví dụ như các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hay Iran của châu Âu theo quan điểm của Mỹ, đều đã được sự giúp sức không nhỏ của London.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm Anh năm 2015. Chuyến thăm với nhiều hợp tác quan trọng đã tăng cường quan hệ Anh - Trung, mở rộng cánh cửa vào EU cho Trung Quốc. Nguồn: Getty Image |
Còn với Trung Quốc, dù không được nhắc tới nhiều nhưng có thể nói, Bắc Kinh đang tìm đến châu Âu trước sức ép mới từ Mỹ và Nhật Bản tại châu Á. Mở rộng quan hệ hợp tác, định hình vai trò mới tại châu Âu thông qua Anh là mục tiêu mà Bắc Kinh đang nhắm tới.
Bước đi này cũng nhằm từng bước củng cố kế hoạch xây dựng Con đường Tơ lụa thế kỷ 21 của nước này. Bên cạnh đó, Anh không chỉ là bước đệm để Trung Quốc hướng đến châu Âu mà còn là toàn cầu. Bởi Bắc Kinh vốn đặt nước Anh như một bước đệm không thể tốt hơn cho lộ trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của nước này.
Với tất cả những tác động và ảnh hưởng rất lớn như vậy, dễ hiểu khi cả Nga, Mỹ và Trung Quốc bằng nhiều cách đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề Brexit của nước Anh thời gian qua. Vào lúc này, tất cả cùng đang hồi hộp chờ đợi quyết định cuối cùng của cử tri Anh vào hôm nay - 23/6.
Phương Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|