Cách giáo viên Nghệ An dạy học trực tuyến 'mùa dịch' Covid-19

Mỹ Hà 17/02/2020 16:41

(Baonghean.vn) - Từ hôm nay (17/2), học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước vào đợt nghỉ thứ 2 trong vòng 1 tuần để phòng chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó việc dạy học trực tuyến là một giải pháp được các nhà trường đưa ra nhằm đảm bảo không gián đoạn việc học của học sinh.

Trước đó, việc học trực tuyến không quá lạ lẫm đối với nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh bậc THPT thông qua các website học trực tuyến trên mạng và tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Tuy nhiên, đối với các nhà trường, hình thức này còn khá mới và số trường chủ động làm clip để dạy học cho học sinh cũng chưa nhiều. Điều này liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau như hệ thống máy móc, con người cũng như việc tổ chức, biên soạn các chương trình dạy học.

Các giáo viên ghi hình cho các bài giảng trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà.
Các giáo viên ghi hình cho các bài giảng trực tuyến. Ảnh: MH.

Việc dạy và học trực tuyến chỉ bắt đầu được các trường triển khai bài bản hơn trong khoảng hai tuần trở lại đây sau khi học sinh toàn tỉnh phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng được các nhà trường xem là giải pháp thiết thực trong hoàn cảnh học sinh không tới trường nhưng việc dạy và ôn tập bài của học sinh vẫn phải được duy trì.

Để chuẩn bị cho các bài giải trực tuyến, gần một tuần qua các giáo viên của Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh) đã tập trung tại nhà trường để vừa thống nhất các bài ôn tập, vừa tiến hành quay các video giảng bài cho học sinh. Hiện, nhà trường đang tập trung ôn tập cho khối 12 nên toàn bộ các môn dành cho học sinh cuối cấp đã quay xong, trong đó mỗi môn có một bài ôn tập. Riêng Ngữ Văn, Toán và Tiếng Anh, mỗi môn học sinh có hai bài. Ở khối 10 và 11, trường đang ưu tiên các môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh.

Để có được các clip này, nhà trường đã tiến hành họp toàn trường và phân công nhiệm vụ cụ thể cho 4 tổ chuyên môn khác nhau: Tổ thứ nhất, chuẩn bị về nội dung để phân công giáo viên tổ chức dạy học và ôn tập cho học sinh, ra câu hỏi ôn tập để kiểm tra đánh giá cho học sinh. Sau khi học sinh làm xong bài tập, giáo viên sẽ chấm và nhà trường sẽ lấy điểm này vào điểm kiểm tra thường xuyên.

Giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật đang tiến hành cập nhật các bài giảng trực tuyến lên hệ thống cho học sinh. Ảnh: MH.
Giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) đang tiến hành cập nhật các bài giảng trực tuyến lên hệ thống cho học sinh. Ảnh: MH.

Tổ thứ 2, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, để sau khi có hệ thống bài giảng, câu hỏi sẽ đưa lên mạng kịp thời cho học sinh. Tổ thứ 3, tổ tuyên truyền và có trách nhiệm thông báo cho học sinh chủ trương của nhà trường và tổng hợp về thông tin những học sinh có hay không có máy tính để nhà trường có giải pháp tổ chức ôn tập cho phù hợp. Tổ còn lại sẽ làm công tác “hậu cần”, kịp thời động viên, khích lệ để giáo viên hoàn thành công việc.

Theo dõi một buổi ghi hình của các giáo viên ở tổ Tiếng Anh dành cho khối 10 mới thấy rằng việc ghi hình không dễ dàng, đặc biệt trong điều kiện giáo viên chưa làm quen nhiều với việc đứng trước ống kính. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy - giáo viên Tiếng Anh cho biết: Bình thường mình đứng trên bục giảng khá trôi chảy nhưng khi đứng trước máy quay khá “run”. Nhiều đoạn chúng tôi phải quay đi quay lại khá nhiều lần để đảm bảo tiết học không bị gián đoạn.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Mao - TPV trao đổi về việc dạy trực tuyến 2. Ảnh: PV
Phương thức trao đổi qua mạng về việc dạy trực tuyến của giáo viên Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh). Ảnh: PV

Ở tổ Ngữ Văn lớp 12 – vì có đến hai bài ôn tập nên tổ bộ môn phải cân nhắc lựa chọn kỹ càng trước khi lên hình. Trong tuần đầu tiên, học sinh sẽ ôn tập hai bài Ngữ Văn là Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ. Cô giáo Phạm Thị Thuận - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C4 cho biết: Với học sinh cuối cấp việc các em nghỉ học lâu khiến không chỉ các em mà giáo viên và phụ huynh đều rất lo lắng, nhất là sợ các em bị gián đoạn việc học. Tuy nhiên, thông qua các bài giảng trực tuyến chúng tôi vẫn có thể cập nhật nội dung cho học sinh và sẽ ra bài tập, chấm bài bình thường.

Để triển khai việc dạy học trực tuyến, Trường THPT Lê Viết Thuật cũng đã cân nhắc lựa chọn phần mềm sao cho học sinh có thể sử dụng được ở cả hai phương tiện là máy tính và điện thoại di động. Thầy giáo Phan Xuân Phàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Để tổ chức các bài dạy trực tuyến khá kỳ công nhưng tôi tin rằng việc triển khai có sự tham gia đầy đủ của các tổ chuyên môn và có sự bàn bạc kỹ càng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho học sinh.

Về phía nhà trường cũng phần nào yên tâm giúp học sinh không sao nhãng việc học. Thông qua các bài học trực tuyến giáo viên cũng có thể tương tác với học sinh để kịp thời giải đáp những thắc mắc của các em.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Mao - TPV trao đổi về việc dạy trực tuyến. Ảnh: PV
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh) thảo luận về việc dạy trực tuyến. Ảnh: PV

Đây đã là tuần thứ 2 học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để việc học của học sinh không bị gián đoạn, trong một tuần qua các nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn chuẩn bị các bài ôn tập cho học sinh. Nhiều trường cũng đã chủ động cung cấp nội dung ôn tập và hướng dẫn học sinh tự học có thể thông qua các hệ thống như Hệ thống E-Learning, Website của nhà trường, địa chỉ email, Zalo, Facebook, facetime…

Là giáo viên chủ nhiệm học sinh cuối cấp, thầy giáo Tô Hoài Sơn - chủ nhiệm lớp 12 A9 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã cập nhật một phần mềm miễn phí trên mạng, thành lập các lớp học online và ra bài tập, kiểm tra bài cho học sinh hàng ngày.

Ở phần mềm này, thầy cũng cập nhật phần mềm tự chấm điểm và tự động sẽ báo điểm cho học sinh và phụ huynh nên các em vào học rất nghiêm túc. Ngoài ra, thầy còn livestream trực tuyến để tương tác với học sinh và giải đáp những câu hỏi khó.

Nói về phương pháp này, thầy giáo Tô Hoài Sơn cho biết: Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi thấy giải pháp này khá hiệu quả và học sinh khá thích thú. Lớp học online của chúng tôi có sự tham gia của 100% học sinh và chúng tôi vẫn có thể trao đổi với nhau như trong một giờ học bình thường.

Nhiều trường học sử dụng mạng xã hội để giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ. Ảnh: MH
Nhiều trường học sử dụng mạng xã hội để giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ. Ảnh: MH

Do thời gian nghỉ học có thể còn phải kéo dài nên trong thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường phải tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch hướng dẫn học sinh tự học trong thời gian nghỉ học phù hợp với điều kiện nhà trường và từng vùng miền.

Đặc biệt, để việc học được triển khai hiệu quả, Sở yêu cầu các nội dung ôn tập cho học sinh phải được tổ, nhóm chuyên môn thống nhất và xây dựng theo hệ thống từng bài, chủ đề hoặc các nhiệm vụ học tập để học sinh thực hiện hàng ngày, hàng tuần đảm bảo phù hợp về thời lượng khi học sinh tự học ở nhà và theo sát với việc phân phối chương trình theo như quy định.

Mới nhất

x
Cách giáo viên Nghệ An dạy học trực tuyến 'mùa dịch' Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO