Cách làm hay của ông Moong Biên Phòng
Sau 9 năm tham gia bộ đội, năm 1979 ông Moong Biên Phòng trở về quê hương, được nhân dân bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) giai đoạn 1981 đến 1992, sau đó huyện cử về làm Trưởng phòng Tổ chức, Trưởng ban Dân vận cho đến năm 2006 nghỉ hưu.
Ông Phòng kể lại: "Sau khi khảo sát thấy khu vực Pục Đào, cách bản chừng 1 km có vùng đất khá bằng phẳng, vậy là ông quyết định vào làm trang trại. Thuận lợi nhất là cạnh đó có Khe Tiên nước chảy quanh năm, ông đào mương dẫn nước, đắp bờ khoanh vùng, sau đó cải tạo ruộng nước. Sau thời gian không lâu, vùng đất hoang hóa ấy trở thành những đám ruộng bậc thang, với tổng diện tích 1 ha".
Lao động là niềm vui đối với ông Moong Biên Phòng
Có ruộng nước, ao thả cá, bà con trong bản ai cũng khâm phục ông. Sau này, một số hộ trong bản học cách làm của ông, cũng vào khai hoang những mảnh đất phía dưới. Vậy là bây giờ thung lũng Pục Đào thành những thửa ruộng màu mỡ, đem lại sự ấm no cho nhiều gia đình.
Song vì Khe Tiên vào mùa khô nguồn nước cạn đi nhiều, chỉ đủ nước cho những gia đình này đảm bảo cấy 1/2 diện tích, còn lại bỏ hoang. Ước ao của ông Phòng cũng như các hộ khai hoang ở đây mong muốn được địa phương đầu tư xây dựng mương pai tại Khe Tiên thì hơn 3 ha ruộng ở khu vực này sẽ có đủ nước sản xuất 2 vụ/năm.
Sau khi khai hoang Pục Đào, ông nhường lại 5 ha đất ruộng lúa ngay trước bản cho bà con sản xuất. Diện tích này trước đây cũng là đất hoang, nhưng vì bà con trong bản không ai muốn làm.
Gia đình ông Phòng không quản khó khăn đầu tư công sức tạo nên cánh đồng lúa, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn thóc. Bây giờ, những gia đình trong bản chịu khó nhận ruộng của ông đã biết cách làm ruộng lúa, tự túc được lương thực.
Tại khu vực Pục Đào, ngoài làm ruộng, ông Phòng còn tận dụng đất đồi chăn nuôi bò sinh sản. Hiện tại đàn bò của ông có 23 con. Ông cho biết, mấy năm gần đây, tôi giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng cách cho không một con bò sinh sản để nuôi. Với điều kiện là phải nuôi chu đáo, khi bò đẻ lứa đầu thì để cho người ta hưởng, lứa thứ hai là mình lấy, nghĩa là bò đẻ được bao nhiêu con thì chia đôi. Tính đến nay đã có 6 hộ trong bản được ông cho bò để nuôi.
Ví như gia đình anh Moong Văn Hải, trước đây không đủ cơm ăn, vậy mà sau khi ông cho một con bò sinh sản và hướng dẫn cách chăn nuôi, làm ăn, đến nay anh Hải đã bán được 2 con bê để sửa sang nhà ở, mua ti vi, cuộc sống gia đình vì thế ổn định hơn. Đàn bò của ông ngày càng phát triển đông đúc, ông cho biết, nếu hộ nào trong bản vì hoàn cảnh khó khăn mà chịu khó nuôi bò thì ông sẵn sàng hỗ trợ".
Xuân Hoàng