Cách làm tăng sinh kế ở nông thôn

22/04/2015 14:00

(Baonghean) - Với quyết tâm tăng thu nhập, giúp người dân thoát nghèo, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Ở đó, có sự liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ và có sự hỗ trợ của các cấp ngành…

Xây dựng những mô hình sinh kế bền vững

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng các mô hình sinh kế nhằm góp phần phát triển sản xuất, chăn nuôi cho người dân vùng miền núi.

Phát triển nghề mây tre đan – xóa nghèo ở xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu).
Phát triển nghề mây tre đan – xóa nghèo ở xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu).

Hiệu quả của các mô hình, sinh kế góp phần cải thiện đời sống cho người dân và giảm nghèo bền vững. Điển hình chương trình hỗ trợ mô hình trồng quýt ngọt ở Tân Thắng, mô hình trồng cây hương bài ở Quỳnh Thắng, Tân Thắng, mô hình chăn nuôi thả gà ở Tân Sơn… Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại thì huyện, xã và chính bà con nông dân cũng cần rút kinh nghiệm từ mô hình không phát huy giá trị.

Bài học về mô hình trồng dưa ở Tân Thắng, Quỳnh Thắng là một ví dụ; những năm gần đây tình trạng người dân đối mặt với “được mùa - mất giá, mất giá - được mùa” luôn xảy ra gây tâm lý chán nản. Hay như, các chương trình hỗ trợ 135 tại huyện Quỳnh Lưu cũng chưa thật sự phát huy hiệu quả từ các dự án. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình được triển khai từ trên xuống theo kiểu đại trà, đôi khi chưa xuất phát từ nhu cầu của người nghèo. Thêm vào đó, tập quán canh tác lạc hậu không được khắc phục triệt để, công tác tập huấn kỹ thuật, giám sát yếu kém dẫn đến thất bại trong việc triển khai nhiều mô hình. Bên cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân nảy sinh tâm lý ỷ lại của người dân.

Điều kiện địa hình các xã huyện miền núi Quỳnh Lưu có độ dốc khá cao, người dân còn thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… nên việc phát triển sản xuất gặp khó khăn. Vì thế cần xây dựng những mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt quan tâm đến đầu ra của sản phẩm với sự nỗ lực vươn lên của người dân trong vùng…

Hoàng Thúy

(Đài TT-TH Quỳnh Lưu)

Phát huy vai trò “Tổ hợp tác thanh niên”

Hơn 1 năm triển khai, mô hình “Tổ hợp tác thanh niên phát triển sản xuất” ở xã Nam Tân (Nam Đàn) đã bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực.

Tổ hợp tác với 6 thanh niên tham gia tập trung trồng cây dưa đỏ dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi. Ngay sau khi thành lập, Tổ đã mạnh dạn nhận thầu 5 ha đất vùng bãi thuộc xóm 5 và 6 của xã Nam Tân để sản xuất. Nhờ biết phát huy tiềm năng của vùng đất, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên 5 ha dưa cho năng suất cao, bình quân 20 - 25 tấn quả/ha, thu về từ 120 - 150 triệu đồng/ha.

Bước đầu hoạt động còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn đầu tư, nhưng các thành viên trong tổ đã biết tận dụng mọi lợi thế, khả năng sẵn có cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, đoàn thể và gia đình để sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Được Quỹ thanh niên lập nghiệp huyện Nam Đàn cho vay 20 triệu đồng, Tổ hợp tác thanh niên tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu, kéo điện, lắp ống dẫn nước ngầm, đào giếng khoan để đảm bảo khâu tưới tiêu cho cây trồng ngay cả trong mùa nắng hạn. Ngoài trồng dưa đỏ, hiện nay tổ hợp tác còn trồng thêm các loại rau màu khác như khoai tây, cà rốt, bí đỏ, khoai lang, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, tăng nhanh giá trị trên đơn vị diện tích, mở ra cơ hội làm giàu cho các thành viên và gia đình ngay trên vùng đất khó.

Anh Đậu Cảnh Xuân, Bí thư đoàn xã, Tổ trưởng tổ hợp tác Thanh niên Phát triển sản xuất Nam Tân cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã và tổ chức Đoàn các cấp, anh em trong tổ quyết tâm cao, bắt tay vào thực hiện với cơ cấu giống mới và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, bước đầu đã cho thu nhập, bình quân mỗi sào từ 4 - 6 triệu đồng, từ đó tạo việc làm cho các thành viên và gia đình thành viên trong tổ”. Mô hình Tổ hợp tác Thanh niên phát triển sản xuất ở Nam Tân là hướng đi tích cực cho thanh niên nông thôn gắn kết để “lập thân lập nghiệp” ngay tại quê hương.

Kim Dung

(Đài TT-TH Nam Đàn)

Tham quan mô hình trồng dưa sử dụng phân Bảo Ngọc. Ảnh: Đ.A
Tham quan mô hình trồng dưa sử dụng phân bón Bảo Ngọc. Ảnh: Đ.A

Sử dụng hiệu quả phân hữu cơ sinh học

Trạm bảo vệ thực vật (BVTV) và giống cây trồng huyện Nghĩa Đàn phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bảo Ngọc tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình sử dụng phân bón hữu cơ sinh học trên cây lúa vụ xuân 2015. Mô hình được thực hiện tại khối Tân Thành, Thị trấn Nghĩa Đàn từ ngày 12/2/2015.

Qua so sánh với ruộng đối chứng cho thấy, ruộng sở dụng phân hữu cơ sinh học Bảo Ngọc có nhiều ưu điểm hơn hẳn: mật độ và tỷ lệ các đối tượng sâu bệnh gây hại giảm, cải tạo được chân đất, giữ độ ẩm tốt, tăng độ mùn, độ phì nhiêu, cải tạo được độ chua phèn trong đất. Đặc biệt, giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân từ 35 - 40 ngàn đồng/sào, năng suất tăng 4,7 tạ/ha.

Đức Anh

(Đài TT-TH Nghĩa Đàn)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cách làm tăng sinh kế ở nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO