Xã hội

Cách Nghệ An ứng phó với trận lũ lịch sử ở các xã phía Tây

Tiến Hùng 25/07/2025 17:38

Những ngày vừa qua, nhiều xã vùng cao ở Nghệ An hứng chịu trận lũ lớn chưa từng có, với lượng nước đổ về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ gấp 3 lần trận lũ năm 2018. Để ứng phó, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan đã phải thức trắng đêm, chạy đua với thời gian để đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế được tối đa thiệt hại. Đặc biệt, việc ứng phó với trận lũ cũng đã cho thấy sự hiệu quả của chính quyền 2 cấp mới đi vào hoạt động.

Chạy đua với cơn lũ lịch sử

Ngồi thất thần trước căn nhà đã bị lũ xé toạc, ông Kha Dương Tiến (80 tuổi, xã Nhôn Mai), vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi chứng kiến trận lũ lịch sử tàn phá bản làng.

“Tôi chưa từng thấy một đợt lũ nào kinh hoàng đến như vậy, dù là trong tưởng tượng. Cũng may là nó đã đi qua và tất cả người thân của tôi vẫn an toàn”, ông Tiến nói.

Hướng ánh mắt xa xăm về dòng khe Hỷ, “kẻ” đã khiến ông cũng như nhiều người dân nơi đây sống trong lo sợ suốt những ngày qua, ông Tiến nói rằng, nếu không nghe lời vận động của chính quyền sớm sơ tán, có lẽ bây giờ ông đã bị dòng khe vốn thân thuộc cuốn đi xa.

bna_lu1.jpg
Ngôi nhà bị xé toạc bởi dòng lũ từ khe Hỷ. Ảnh: L.T

Nhôn Mai là xã biên giới, nằm ở thượng nguồn sông Lam. Người dân của 21 bản ở đây chủ yếu dựng nhà bên cạnh những dòng khe, con suối chảy từ Lào qua. Đây là xã đầu tiên ở Nghệ An bị ảnh hưởng bởi trận lũ và cũng là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất. Từ sáng sớm 21/7, ở Nhôn Mai bắt đầu mưa lớn. Cơn mưa đó kéo dài không ngớt một phút nào, cho đến chiều tối 22/7.

“Đúng là mưa lớn kéo dài thật, nhưng ngần đấy lượng nước cũng chẳng đủ để gây ra trận lũ kinh hoàng này. Dòng nước chủ yếu theo các khe, suối đổ về từ bên Lào, có lẽ ở phía bên kia biên giới, mưa cực kỳ lớn”, ông Lữ Ngọc Tinh – Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai kể và cho hay, khi những dòng lũ lớn chưa kịp quét xuống, nhận thấy nguy hiểm, ngay từ chiều 21/7, toàn bộ cán bộ, công chức xã đã phải chạy đua với thời gian để ứng phó, yêu cầu người dân ở những bản gần khe, suối sơ tán lên cao. Nguy hiểm nhất là ở bản Xói Voi, chính quyền đã phải dựng lán tạm ở trên cao, sơ tán toàn bộ hàng chục hộ dân đến đây lánh nạn.

Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di tản. Ảnh: CSCC
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di tản. Ảnh: L.T

Đối với nhiều bản còn lại, người dân được vận động tự tìm chỗ lánh nạn ở những vị trí an toàn, thậm chí chấp nhận ngủ ngoài trời. Nhiều tài sản có giá trị trong nhà cũng được người dân, chính quyền rốt ráo di chuyển.

Đến trưa 22/7, những dòng lũ quét theo các khe, suối bắt đầu ầm ầm đổ xuống, cuốn phăng hàng loạt ngôi nhà, trụ sở. Có nhiều bản như bản Có Hạ, Xói Voi..., phần lớn nhà dân bị cuốn trôi. Tuyến Quốc lộ 16 chạy qua xã Nhôn Mai bị lũ xé thành từng mảnh, mặt đường bị băm nát, khiến xã này hoàn toàn bị cô lập. Toàn bộ hệ thống giao thông từ trung tâm xã đi các bản bị chia cắt hoàn toàn cho đến chiều 24/7…

“Cũng may là sơ tán kịp, chứ cứ để người dân ở trong nhà thì không tưởng tượng được sẽ hậu quả ra sao”, ông Lữ Ngọc Tinh nói thêm.

bna__dsc7265.jpg
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung thăm hỏi người dân vùng lũ. Ảnh: Phạm Bằng

Nằm cạnh Nhôn Mai, các bản làng ở xã Mỹ Lý cũng phải hứng chịu những dòng lũ cuồn cuộn đổ về từ các sông, suối ở phía bên kia biên giới. Mỹ Lý và Nhôn Mai là 2 xã thượng nguồn của lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, trong đó Mỹ Lý là điểm đầu tiên mà dòng Nậm Nơn - dòng chính của sông Lam chảy vào đất Việt Nam.

Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói rằng, mặc dù lũ về rất đột ngột, nhưng chính quyền cũng đã kịp vận động, tuyên truyền người dân sơ tán đến nơi an toàn. Chiều tối 22/7, cơn lũ đã kéo sập, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, nhiều cây cầu bị cuốn phăng. Những bản làng vốn yên bình nằm bên dòng Nậm Nơn trở nên xác xơ sau cơn lũ.

bna_lu7.jpg
Một ngôi nhà bị đổ sập, may mắn gia chủ đã kịp sơ tán. Ảnh: T.H

"Điều tiết kịp thời"

Cùng thời điểm này, ở cách Mỹ Lý hơn 100km về phía hạ nguồn sông Nậm Nơn, hàng chục lãnh đạo, nhân viên Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ cũng như “ngồi trên đống lửa”, khi lưu lượng nước đổ về lòng hồ tăng rất nhanh. Họ phải thức trắng đêm, theo dõi từng biến động để đưa ra những cảnh báo, báo cáo để lãnh đạo UBND tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn hồ đập nhưng cũng phải hạn chế tối đa thiệt hại cho vùng hạ du của thủy điện.

bna_lu5.jpg
Ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ và Giám đốc Sở Công Thương, ông Phạm Văn Hóa kiểm tra các thông số của lũ tại Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ cho hay, cơ quan khí tượng dự báo, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, lưu vực của lòng hồ thủy điện sẽ mưa lớn, nhưng lưu lượng nước về hồ dự báo chỉ khoảng 3.000m3/s.

“Mặc dù dự báo như vậy, nhưng chúng tôi cũng không chủ quan, mà lên kịch bản ứng phó cho lưu lượng nước đổ về lòng hồ nhiều gấp đôi so với dự báo, ở mức 6.500m3/s”, ông Hùng nói và kể rằng, ngày 21/7, khi lũ còn chưa xuất hiện, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định rất kịp thời, khi cho thủy điện Bản Vẽ xả sớm để lòng hồ có thêm dung tích đón lũ.

“Lúc đó thì hạ du chưa bị ngập, cũng chưa có dự báo lũ quá lớn, mực nước hồ đang thấp, về mặt quy trình thì không cần xả sớm. Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định cho xả sớm, vì thế đã tạo ra được dung tích rất lớn cho lòng hồ để chờ lũ. Đó là quyết định rất đúng đắn, vì khi lũ đã về mới xả thì rất nguy hiểm và trước khi xả còn phải chờ suốt nhiều giờ để làm quy trình rồi thông báo cho người dân hạ du”, ông Hùng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra vận hành hồ chứa thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Quang
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của tỉnh Nghệ An kiểm tra vận hành hồ chứa thủy điện Bản Vẽ sáng 23/7. Ảnh: Quang An

Đến 4h ngày 22/7, lũ bắt đầu đổ về lòng hồ thủy điện với lưu lượng 583m³/s, mực nước hồ lúc này ở mức 189,08m. 10h cùng ngày, lưu lượng lũ tăng nhanh, đạt 1.500m³/s, mực nước hồ đạt 194,36m.

Từ 16h00 ngày 22/7, nhà máy bắt đầu vận hành xả lũ với tổng lưu lượng 845m³/s, mực nước hồ đạt 191,23m, tiệm cận mực nước đón lũ thấp nhất (191,5m). Đến tối, mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến lưu lượng nước về hồ tăng nhanh, đạt đỉnh vào 2h sáng 23/7 với mức 12.800m³/s. Đây là lưu lượng chưa từng có, thậm chí lớn gấp 3 lần so với trận lũ đã gây thiệt hại rất lớn cho vùng hạ du năm 2018. Tuy vậy, nhờ quyết xả sớm tạo thêm được nhiều dung tích, lưu lượng xả lúc này chỉ là 3.285m³/s. Tức thủy điện Bản Vẽ đã góp phần cắt, giảm lũ cho vùng hạ du đến 74%.

bna_lu4.jpg
Cảnh nước lũ chưa từng có ở dưới chân đập thủy điện Khe Bố. Ảnh: Tiến Hùng

Kiểm tra trực tiếp tại Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố cũng như tình hình mưa lũ ở các xã miền Tây Nghệ An, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, trận lũ lụt đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân.

"Tuy nhiên, có thể khẳng định đợt lũ lần này, công tác vận hành xả lũ ở Bản Vẽ nói riêng và các thủy điện nói chung đã mang lại hiệu quả, giúp cắt giảm lũ. Nếu không có sự phối hợp kịp thời, thì với quy mô trận lũ như thế, đã là một thảm kịch", ông Hóa nhận định.

Ông Hóa cho hay, ngay sau khi có dự báo về ảnh hưởng của cơn bão số 3, lãnh đạo tỉnh cũng như Sở Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện tăng cường thực hiện công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa. Thực hiện nghiêm quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa, thường xuyên theo dõi để vận hành xả đảm bảo an toàn vùng hạ du, theo dõi diễn biến lũ để hạ mực nước hồ theo quy trình nhằm đảm bảo vận hành. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thực hiện thông báo đầy đủ, kịp thời bằng nhiều phương thức tới chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị liên quan vùng hạ du trong vận hành xả lũ để chủ động phương án ứng phó, đặc biệt là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp và xả lũ vào ban đêm...

bna_1(2).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kiểm tra tình hình ngập lũ ở vùng hạ du. Ảnh: Hữu Dũng

Hiệu quả của chính quyền 2 cấp

Là địa bàn nằm ngay dưới chân đập thủy điện bản Vẽ, ông Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho rằng, nếu không có sự điều tiết hợp lý, thủy điện chỉ cần xả ở mức bằng một nửa so với lưu lượng nước đổ về lòng hồ, hầu hết ngôi nhà ở Lượng Minh đã bị cuốn phăng.

“Lượng Minh có địa thế rất nguy hiểm, không những dưới chân thủy điện, mà hầu hết nhà dân sống ở dải đất hẹp ven sông. Vì thế, trận lũ lớn như vậy, nhưng vẫn đảm bảo an toàn về người thì có thể nói là kỳ tích”, ông Thắng nói và cho hay, mặc dù thủy điện cũng đã cắt, giảm lũ được một phần, nhưng do đợt lũ này quá lớn, xã Lượng Minh cũng có đến gần 100 ngôi nhà bị hư hại trên 70%.

bna_lu6.jpg
Những ngôi nhà bị hư hại ở xã Tương Dương. Dù thiệt hại rất lớn về tài sản, nhưng các xã vùng hạ du Bản Vẽ không ghi nhận thiệt hại về người. Ảnh: T.H
bna_aaaaaaa.jpg
Chính quyền xã Lượng Minh giúp người dân di chuyển tài sản trước khi lũ đến. Ảnh: Nguyễn Hòa

Ông Thắng cho rằng, đợt đợt lũ lịch sử này, chính quyền 2 cấp đã phát huy được hiệu quả, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại. "Tôi từng chứng kiến trận lũ năm 2018, dù lượng nước lúc đó đổ về nhỏ hơn nhiều so với bây giờ, nhưng lại gây thiệt hại rất lớn. Thời điểm đó, việc phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế, chính quyền cấp huyện thì chờ xã báo cáo, cấp xã thì chờ huyện chỉ đạo, không gần dân được. Trong khi đó, việc phòng chống cần phải kịp thời”, ông Thắng nói và cho hay, để ứng phó trận lũ này, ngay từ sớm, xã đã đi từng bản kiểm tra, rồi sơ tán gần 2/3 hộ dân trên địa bàn đến nơi an toàn. Trụ sở xã, trường học… trở thành nơi trú ngụ của người dân, cùng với đó nhiều tài sản có giá trị cũng được di chuyển kịp thời.

bna_22.jpg
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thăm hỏi bà con vùng lũ. Ảnh: Phạm Bằng

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phùng Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tương Dương cho rằng, chính quyền 2 cấp đã tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác phòng, chống đợt lũ lịch sử này: "Mặc dù đợt lũ lớn kỷ lục như thế, nhưng xã Tương Dương cũng như xã Lượng Minh không có thiệt hại về người có thể nói là kỳ tích. Thành thật mà nói, tối 22/7, khi nhận được thông tin lũ đổ về lòng hồ thủy điện lớn đến như vậy, chúng tôi cũng đã nghĩ đến thảm kịch".

Theo ông Hùng, để ứng phó với lũ, xã Tương Dương đã chia thành từng tổ để phụ trách từng địa bàn trong xã. Toàn bộ cán bộ, công chức, công an, quân sự được huy động, thức trắng đêm để đến vận động, giúp đỡ người dân sơ tán đến nơi an toàn. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 2.200 hộ dân, chiếm một nửa hộ dân trong xã đã được di dời khẩn cấp. Một số trường hợp, thậm chí phải cưỡng chế di dời.

“Nếu như trước đây, khi đi phòng chống lũ lụt, sẽ phải báo cáo, xin ý kiến cấp huyện rồi chờ chỉ đạo, rất bị động, không kịp xử lý khi lũ lên nhanh. Nhưng bây giờ, xã được quyết định nên rất kịp thời, chủ động hơn. Ngoài ra, khi thực hiện chính quyền 2 cấp, xã trực tiếp nhận thông báo, liên hệ với các nhà máy thủy điện, trực tiếp nhận chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh, nên cũng kịp thời hơn so với những trận lũ các năm trước”, ông Hùng nói thêm.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cách Nghệ An ứng phó với trận lũ lịch sử ở các xã phía Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO