Cách phòng và xử lý khi bị kiến ba khoang đốt

06/11/2014 14:19

Kiến ba khoang là một trong những loại côn trùng đáng sợ đối với bất kì ai khi không may bị đốt. Vết thương dù nhẹ hay nặng thì đều gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt. Điều trị kiến ba khoang đốt không đúng cách có thể khiến vết thương nặng hơn và để để lại sẹo.

TIN LIÊN QUAN

Giết kiến nên viêm da càng nặng

PGS.TS. Đặng Thị Dung nhấn mạnh: Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Pederin có trong máu con vật. Hành động dùng tay giết kiến “dập thịt” đã khiến chất độc được giải phóng ra ngoài và có thể tiếp xúc với da người, gây ra tình trạng viêm da trầm trọng.

Hình ảnh kiến ba khoang đuôi nhọn. Ảnh: contrungvietnam.com.vn.
Hình ảnh kiến ba khoang đuôi nhọn. Ảnh: contrungvietnam.com.vn.

Nếu tay bạn vừa giết kiến mà chưa được rửa ngay, và lại tiếp xúc vào các vùng khác trên cơ thể thì những vùng đó cũng bị nhiễm độc. Nếu bạn đưa tay có độc tố lên mắt có thể gây viêm kết mạc, sưng phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời. Còn nốt đốt của kiến ba khoang chỉ phồng rộp nhẹ chứ không gây ra loét chằng chịt và lan tỏa như nhiều dân đã bị.

Tiến sỹ Dung cũng cho hay chất độc Pederin của kiến ba khoang chỉ có tác dụng tự vệ. Nghĩa là chúng không tự nhiên gây hại cho con người. Nốt kiến đốt cũng không có chất độc này. Điều nguy hại lớn nhất là khi bạn tiếp xúc với chất độc Pederin do kiến giải phóng ra khi bị giết. Do đó, nếu thấy kiến bám trên cơ thể, chỉ cần thổi nhẹ để kiến bay đi và rửa sạch vùng da vừa tiếp xúc sẽ giúp bạn hạn chế tối đa chất Pederin trên da.

Biểu hiện của bệnh là ngứa, rát, sau đó đỏ, phồng rộp vùng da tiếp xúc với côn trùng. Ảnh: VnExpress
Biểu hiện của bệnh là ngứa, rát, sau đó đỏ, phồng rộp vùng da tiếp xúc với côn trùng. Ảnh: VnExpress

Điều trị viêm da do kiến

BS CK I. Phạm Hồng Lãnh, Bệnh viện Da liễu TW khẳng định: Điều trị vết thương do kiến ba khoang gây ra không có gì khó. Sau khi tiếp xúc với kiến, bạn chỉ cần rửa thật sạch bằng xà bông và bôi các loại thuốc chứa corticosteroids (như Korcin).

Còn TS. Phạm Hồng Thái, Bộ môn côn trùng, Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã tự mình thử nghiệm cách điều trị vết thương do kiến ba khoang gây ra. Tiến sĩ Thái đã điều trị thành công bằng cách rất đơn giản: Dùng nước chè xanh pha thêm ít muối, rửa nhiều lần trong ngày (để làm loãng độc tố của kiến), vết thương sẽ dịu và nhanh chóng se miệng. Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này

Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, khi bắt đầu có những kiểu hiện viêm da do kiến ba khoang đốt (hoặc các loại côn trùng khác), biểu hiện của bệnh là nổi đỏ lấm tấm, cách tốt nhất dùng nước muối sinh lý rửa ngày 3 – 4 lần để trung hòa chất tiết của côn trùng. Sau đó, bôi các thuốc làm dịu da như hồ nước, hồ Tetra – pred. Khi tổn thương khô thì bôi kem kháng sinh, hoặc kem kháng sinh kết hợp chống viêm là corticoid…

Tuy nhiên, khi bôi vẫn không giảm nhanh triệu chứng và xuất hiện tổn thương lan rộng, nhiễm trùng toàn thân thì nhất định người bệnh phải đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng hợp lý.

Trẻ bị tổn thương dạng hôn (kissing lesion) do bị kiến ba khoang cắn. Ảnh: VnExpress
Trẻ bị tổn thương dạng hôn (kissing lesion) do bị kiến ba khoang cắn. Ảnh: VnExpress

Đối với trẻ nhỏ, việc giữ cho vết tổn thương da rất khó bởi trẻ có thể không chịu được ngứa ngáy mà gãi gây ra hậu quả là vùng tổn thương lan rộng, khó điều trị. ” Vì thế, khi có dấu hiệu trên, đặc biệt ở trẻ nhỏ tốt nhất nên đưa con tới viện khám để bác sĩ kê đơn và hướng dẫn cách xử lý. Nhưng việc quan trọng đầu tiên là rửa ngay vết đốt dưới vòi nước chảy để loại bỏ bớt nọc độc của côn trùng”, Bs Hùng chia sẻ.

Phòng tránh kiến ba khoang đốt

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, người dân không nên quá hoang mang vì thực ra kiến ba khoang là một loài côn trùng đã có từ lâu. Nó cũng không đáng lo ngại như những loài côn trùng truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn). Loài côn trùng này không cắn, đốt người, mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây viêm da kích ứng.

Theo ông, có thể do điều kiện môi trường thuận lợi nên kiến ba khoang có xu thế xuất hiện gia tăng. Đặc biệt, trong các tháng 9, 10, 11 là thời kỳ sinh sản của loại côn trùng này. Vì thế nó đã xuất hiện với mật độ nhiều hơn, đặc biệt những khu tập thể ngoại ô, gần cánh đồng.

Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.

Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thì cho rằng, thực chất nhiều loại côn trùng đang phát triển một cách bất thường, không chỉ là kiến ba khoang. Nguyên nhân có thể vì kiến ba khoang ăn rầy nâu, khi nguồn thức ăn này phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên rầy nâu kháng thuốc rất nhiều), số lượng kiến ba khoang cũng nhiều lên.

Theo các chuyên gia, trong năm nay loài côn trùng này mới nổi lên, nhiều người không biết, khi bị ngứa lại gãi hoặc nghĩ là mắc zona nên tự thuốc bôi khiến bệnh càng nặng hơn, lâu khỏi. Có người lấy tay giết kiến, sau đó bôi lên khắp người.

Thực tế, kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường, phun sương không có tác dụng. Để diệt được thì chỉ có cách phun tồn lưu, dàn trải một lượng hóa chất lên tường khi kiến bò vào thì chết. Tuy nhiên, cách phun này khó áp dụng ở các gia đình vì tốn kém. Hơn nữa, nhà có trẻ con thì không nên dùng cách phun này.

Đặc điểm của côn trùng là thích ánh sáng xanh, kiến ba khoang thường tập trung vào khu vực có ánh đèn. Vì thế, vào buổi tối người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng. Các gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương…

Nếu thấy kiến ba khoang đậu trên người thì thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không được lấy tay đập kiến, thay vào đó dùng găng tay, vỉ đập ruồi…

Nếu vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang thì nên rửa sạch bằng nước lạnh hoặc nước muối loãng. Không rửa bằng nước xà phòng vì sẽ làm tăng kích ứng. Tuyệt đối không được gãi hay chà xát mạnh vùng da bị tổn thương, sau đó bôi bằng hồ nước để làm dịu, mát chỗ tổn thương. Nếu thấy da bị phồng rộp, bỏng, rát thì nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tổng hợp từ VnExpress.vn/2giadinh.vn/dietmoisinhhoc.com

Mới nhất

x
Cách phòng và xử lý khi bị kiến ba khoang đốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO