Cách thoát nghèo của anh Sỹ

04/12/2014 17:04

(Baonghean) - Anh Đậu Tiến Sỹ và chị Nguyễn Thị Hương, xóm Quỳnh Lưu, xã Tân An (Tân Kỳ) xây dựng gia đình rồi ra ở riêng, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, CCB Đậu Tiến Sỹ đã tạo được vườn cây ăn quả hiếm có trên mảnh đất này, giúp gia đình xóa được cái nghèo, từng bước vươn lên làm giàu…

Hỏi chuyện làm vườn, anh Sỹ khiêm tốn: “Người ta làm trang trại này nọ, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, chứ tui chỉ có mấy cây ăn quả đáng kể chi”. Nhưng khi dẫn chúng tôi ra vườn cây ăn quả, anh không giấu nỗi niềm vui, từ tốn kể cho tôi nghe chuyện làm vườn của mình, bên cạnh sự vất vả là niềm tự hào...

Vườn quýt của anh Đậu Tiến Sỹ.
Vườn quýt của anh Đậu Tiến Sỹ.

Sinh năm 1977, lên đường nhập ngũ năm 2000. Hoàn thành 2 năm nghĩa vụ, anh về quê xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Hương, cùng xóm. Năm 2004, vợ chồng ra ở riêng, vì cha mẹ không có nhiều điều kiện nên họ sống trong căn nhà nhỏ, với gần 1 ha đất màu. Những năm đầu khó khăn trăm bề, nên vợ chồng thuộc diện hộ nghèo của xóm. Để đảm bảo cuộc sống, hàng ngày anh đi làm thuê, từ cạo mủ cao su, thu hoạch mía, hoặc theo đám thợ nề làm phụ hồ, vất vả cơ cực, thu nhập chẳng được bao nhiêu, quanh năm làm lụng nhưng không dành dụm được đồng tiền, hạt gạo nào. Nhiều đêm anh trằn trọc, nghĩ mình sức dài vai rộng, phải làm gì để có thu nhập, có của ăn của để, sớm thoát được cái nghèo. Nghĩ vậy, nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả lâu dài trên mảnh đất này thì phải ngày đêm trăn trở. Bởi trước đó, cam là cây chủ lực trên vùng đất này, đã bị Nông trường An Ngãi xóa sổ, thay vào đó người dân tập trung trồng cao su tiểu điền. Một lần xem chương trình ti vi, thấy người ta trồng quýt, cho thu nhập cao, anh nghĩ ngay đến trồng quýt hàng hóa. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình trồng quýt đầu tiên ở đây và có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi vào dịp Tết quả quýt tiêu thụ mạnh. Nghĩ là làm, một ngày đầu năm 2006, anh cất công đến Trung tâm cây giống Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn) mua 50 cây giống về trồng thử trong vườn nhà. Với bản chất cần cù, chịu khó trong lao động, học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng quýt ở các địa phương khác, nên việc chăm sóc vườn quýt đối với anh bước đầu thuận lợi, cây phát triển tốt. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” diện tích đất vườn còn lại, anh trồng những cây ngắn ngày, cho thu nhập hàng năm. Không may, mùa mưa năm 2007, nước lũ gây ngập nhiều ngày liền, khiến toàn bộ 50 cây quýt bị úng ước, cành khô, lá úa. Không còn cách nào khác, anh phải cắn răng cầm cưa cắt sát gốc, rồi tiếp tục chăm sóc mong cho gốc nảy mầm, đồng thời trồng mới thêm 30 cây quýt nữa. “Đất không phụ công người”, sau 3 năm chăm sóc, vườn quýt ra quả bói. Cho đến bây giờ, đã 4 năm liên tục, do đầu tư phân bón hợp lý, chăm sóc đúng kỹ thuật về tưới nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, nên quả to, chất lượng tốt. Tiếng lành đồn xa, vào dịp Tết hàng năm, thương lái nhiều nơi tìm đường đến mua sỉ đi tiêu thụ. Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, mỗi khi năm hết, quả quýt chín vàng, khách hàng đến thu hái từng sọt đầy, vận chuyển về xuôi. Năm ngoái, vườn quýt này anh thu về 150 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư phân bón khoảng 20 triệu đồng. Năm nay, theo anh Sỹ cho biết, quýt ít quả hơn, nhưng quả to, nếu giá bán bằng năm ngoái thì thu nhập sẽ thấp hơn.

Dạo một vòng trong vườn chúng tôi thấy cây nào cũng sum xuê lá, quả trĩu cành, dưới mỗi gốc quýt được dọn sạch cỏ. Thời điểm này, anh Sỹ tập trung đào một vòng xung quanh mỗi gốc quýt, ngang tầm với tán lá bằng những nhát cuốc nông, để bón phân vi sinh trộn với NPK. Anh Sỹ thổ lộ: Với cây quýt khi đã ra quả, tán lá ra đến đâu bón phân đến đó, nhưng không được cuốc sâu, vì tránh tổn thương đến bộ rễ. Sau khi bón xong, tích cực tưới nước trong thời gian 7 - 10 ngày để rễ cây hấp thụ được phân bón. Đặc điểm của phân vi sinh, ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, còn giữ được độ ẩm và tạo độ tơi xốp cho đất. Thời điểm này quả đang chuyển màu vàng, cần đầu tư phân bón để cây đủ chất nuôi quả, đến ngày cận Tết mới thu hái, khi đó quả quýt rất mọng, đẹp.

Anh Đậu Tiến Sỹ thăm nom vườn quýt.
Anh Đậu Tiến Sỹ thăm nom vườn quýt.

Sau nhiều năm trồng quýt, anh Sỹ chia sẻ kinh nghiệm, cây quýt không “khó tính”, nhưng phải biết cách chăm bón thì quả mới sai. Trước khi trồng, cần đào hố trước, gom phân chuồng và phân lân trộn lẫn với nhau, đổ xuống đáy hố. Cây giống mua về, lấp một lớp đất mỏng rồi đặt cây xuống. Khi cây phát triển, mỗi năm bón 2 lần phân chuồng trộn với phân lân và ka ly. Khi quýt ra quả, mỗi năm phải bón 4 lần phân và phải biết cách bón thì cây mới hấp thụ được nguồn dinh dưỡng. Cây quýt rất cần có nước, nên vào mùa khô phải tưới hàng ngày. Ở vùng đất này, khó khăn nhất là không khoan được giếng, anh đã từng đưa thợ về khoan 3 lần, đều thất bại, bởi không có mạch nước ngầm. Lợi dụng nguồn nước Khe Sanh dồi dào, anh đầu tư gần 20 triệu đồng lắp đặt hệ thống bơm nước từ lòng khe lên tưới cho vườn cây, giải quyết được khâu nước tưới cho vườn nhà. Trong quá trình cây quýt phát triển, cần theo dõi các loại sâu bệnh phổ biến như: nhện đỏ, sâu xanh ăn lá, sâu vẽ bùa... để phòng trừ kịp thời.

Ngoài cây quýt là chủ lực, mảnh vườn đồi rộng gần 3 ha của anh Sỹ còn được trồng nhiều loại cây ăn quả khác, 100 cây bưởi hồng Quang Tiến, là giống bưởi đặc sản được trồng nhiều ở phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hòa; 70 cây ổi lê, ổi Đài Loan và 50 cây táo quả to. Riêng cây ổi đã cho thu hoạch 2 năm nay, năm nào cũng đắt khách, vì giống ổi này có vị ngon đặc trưng. Nói rồi, anh Sỹ hái mấy quả vào mời khách. Giống ổi này ăn giòn, dễ cảm nhận được vị ngọt và có mùi thơm nhẹ. Anh Sỹ phấn khởi khoe, 1 kg ổi này hiện nay bán với giá 25.000 đồng, vợ hái được bao nhiêu cũng bán hết ở chợ làng, năm trước anh thu về hàng chục triệu đồng từ tiền bán ổi. Chừng ấy loại cây ăn trái, quanh năm có thu hoạch, gia đình có tiền thu về đều đặn, đủ ăn mà còn có tiền tích góp. Điều mà anh Sỹ chia sẻ là, muốn cây trồng có thu nhập lâu dài, sản lượng cao là hàng năm phải đầu tư chăm sóc. Với những loại cây ăn trái này, khi đã đến tuổi thu hoạch là không cần đầu tư nhiều, hàng năm trích khoảng 10 - 20% tiền bán sản phẩm để mua phân bón và chi phí khác.

Ngoài ra, vợ chồng anh Sỹ còn nhận một số diện tích đất đồi để trồng 500 cây cao su (đã 2 năm tuổi), kết hợp chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Hình thức chăn nuôi của anh là không nuôi với số lượng thành đàn, chỉ cần 2 con trâu cái, 1 bò sinh sản, nuôi bằng hình thức nhốt chuồng và chăn dắt. Hàng năm số trâu, bò cái này sinh sản được 3 con bê, nghé lai, nuôi từ 1 – 2 năm tuổi là xuất chuồng. Với cách làm đó, mỗi năm gia đình anh thu về trên 50 triệu đồng từ bán trâu, bò. Trâu, bò không khó nuôi, chỉ cần trồng một ít diện tích cỏ voi, chăm chỉ cắt cỏ đồng, sử dụng rơm làm thức ăn dự trữ, làm chuồng trại sao cho ấm về mùa Đông, mát về mùa Hè là chúng phát triển tốt.

Có sức khỏe và có tinh thần vượt khó, CCB Đậu Tiến Sỹ đã tạo cho mình một cách làm ăn có khoa học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với cách làm đó, gia đình anh đã thoát nghèo từ năm 2007, hiện là một trong những hội viên Hội CCB tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình của địa phương. Mới rồi, anh là hội viên tiêu biểu về dự Đại hội đại biểu lần thứ 5, Hội CCB tỉnh Nghệ An!

Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Cách thoát nghèo của anh Sỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO