Cách viết của Bác Hồ
Sinh thời, Bác Hồ rất chú ý đến cách viết sao cho ngắn gọn, chính xác, phù hợp với quảng đại quần chúng. Sau đây là vài mẩu chuyện.
Ngày 17 tháng 9 năm 1958, Bác đã đến nói chuyện với lớp học cán bộ chính trị của ngành Giáo dục, tổ chức tại Trường Bổ túc công nông Trung ương. Trong buổi nói chuyện này, có một chi tiết thú vị, khiến mọi người nhớ mãi. Nghe Bác nói chuyện xong, một giáo viên Trường Lương Ngọc Quyến (Liên khu Việt Bắc), lên tặng Bác một món quà nhỏ-một chiếc cặp ba dây. Bác mở cặp ra, trong đó có 4 chiếc khăn mặt mùi xoa.
Bác cầm một chiếc và đọc to những dòng chữ thêu trên khăn. Đó là một bài thơ ngắn. Đọc xong, Bác trích ra hai câu và "chấm bài" ngay tại chỗ. Câu thứ nhất: "Bác là ánh sáng vinh quang", Bác sửa lại là: "Bác là Hồ Chí Minh"; câu thứ hai: "Chúng con quyết trí hy sinh", Bác sửa là: "Chúng tôi quyết chí hy sinh" và Bác vui vẻ nói: "Quyết chí" mà cô giáo viết sai chính tả là "Quyết trí"?. Cả hội trường cười vui, không khí đầm ấm như trong nhà. Món quà được Bác trao lại cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên dùng làm phần thưởng cho lớp học.
Trên Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 5 tháng 3 năm 1963, có đăng bài thơ "Ngược bản Mèo" của tác giả Minh Lam, gồm có 3 khổ, 12 câu. Không ngờ Bác đã đọc kỹ bài thơ đó và Người đã gạch dưới 3 câu sau "Rừng sa mu vắng lặng, "Rừng trắng cánh hoa ban", "Ngựa rừng chân bên suối". Bác còn khoanh tròn chữ "rừng" ở câu thứ ba (ý nói viết sai chính tả) và Bác viết thành thơ:
Một bài thơ ba chữ "rừng"
Rừng thông, rừng trắng,
ngựa "rừng" chân bên
Hỏi người thi sĩ có nên?!
Thật là hóm hỉnh và sâu sắc!
Thiết nghĩ, ôn lại những lời dạy của Bác nêu trên vẫn là những bài học sâu sắc đối với mỗi người cầm bút chúng ta hôm nay.
Bảo Ngọc