Cái giá của kiểm soát biên giới

25/01/2016 20:05

(Baonghean.vn) - Ngày càng có nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại những biện pháp kiểm soát biên giới quốc gia vốn bị bãi bỏ lâu nay, với mục đích tìm cách ngăn bớt dòng người di cư. Vậy đâu là hậu quả của những biện pháp này?

Ngày càng có thêm nhiều nước EU áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới. Ảnh: AFP.
Ngày càng có thêm nhiều nước EU áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới. Ảnh: AFP.

“Vui lòng xuất trình hộ chiếu!” - Đây là những từ ngữ đang được nghe với tần suất ngày một tăng tại châu Âu, nơi nhiều năm qua đã quen với việc đi lại mà không phải chịu các biện pháp kiểm soát biên giới. Thế nhưng, giờ đây đi lại không phải là vấn đề duy nhất đối mặt với hiểm họa rình rập.

Nhiều yếu tố của đời sống kinh doanh hoạt động theo kiểu châu Âu là một quốc gia đơn nhất. Các cơ sở sản xuất và chuỗi phân phối rải đều khắp EU; người lao động di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Việc đi lại tự do của người dân, trao đổi tự do hàng hóa và dịch vụ đã tồn tại từ trước khi hình thành khu vực Schengen, nhưng Schengen ra đời đã đơn giản hóa đáng kể và đẩy nhanh sự lưu chuyển tự do này.

Đó là lý do giải thích tại sao các chính trị gia và các chuyên gia cho rằng nếu hệ thống này dần bị hủy hoại từng chút một, sẽ phát sinh những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Giao thông ùn tắc nhiều hơn tại biên giới, gánh nặng hành chính gia tăng, lại có thêm nhiều hàng hóa tồn lưu trong kho ở mỗi nước, thay cho việc sản xuất kịp thời trên khắp châu Âu.

Các nhà vận động hành lang và các liên minh thương mại lo sợ toàn bộ những điều này sẽ sớm “góp mặt” vào những chi phí bổ sung lên đến 10 tỷ EUR (10,8 tỷ USD) mỗi năm chỉ riêng với nền công nghiệp của Đức - chưa kể hậu quả đối với thị trường tuyển dụng, thuế, và hệ thống an ninh xã hội.

Cuộc trưng cầu về việc áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới tại Đức nhận được 59% số phiếu tán thành. Ảnh: DW.
Cuộc trưng cầu về việc áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới tại Đức nhận được 59% số phiếu tán thành. Ảnh: DW.

Liệu mọi chuyện đang xấu đi?

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble phát biểu với tờ Spiegel: “Nếu hệ thống Schengen bị phá hủy, điều đó sẽ đột ngột gây hại cho châu Âu, về cả chính trị lẫn kinh tế”. Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker thậm chí khẳng định: “Bất cứ ai kết liễu Schengen sẽ thực sự chôn sống thị trường chung này”.

Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, đưa ra cảnh báo trên tờ nhật báo Đức Passauer Neue Presse rằng những tác động của việc đóng cửa biên giới là “thảm họa”. Theo ông, nếu những chuyến xe tải phải chờ hàng giờ đồng hồ tại các đường biên giới bên trong châu Âu, “một số ngành sản xuất sẽ bị ngừng trệ”.

Juncker tính toán rằng tình hình hiện nay đã và đang gây thiệt hại cho các công ty vận tải thêm 2 tỷ EUR mỗi năm. Nếu các biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng lại ở khắp nơi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức ước tính con số trên sẽ tăng lên thành 10 tỷ EUR.

Anton Börner, trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn Bán sỉ, Ngoại thương và Dịch vụ của Đức, tổ chức chịu ảnh hưởng đáng kể, thậm chí còn đưa ra đánh giá bi quan hơn: “Nếu chúng ta không còn Hiệp định Schengen, hay một thị trường chung với sự trao đổi hàng hóa tự do, mô hình kinh doanh của Đức có thể ‘cuốn gói ra đi’”. Ông nói thêm rằng liên minh tiền tệ sẽ tan rã, gây mối lo chung không chỉ đối với ông mà còn cả ông Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều người khác.

Tuy nhiên, nếu Schengen không tồn tại nữa, chắc chắn điều đó không đồng nghĩa với việc chấm dứt thị trường chung. Chẳng hạn, Anh là một phần của thị trường chung, nhưng nước này không đăng ký tham gia khu vực Schengen.

Dòng người di cư gặp phải nhiều trở ngại khi một số nước EU dựng lại các hàng rào biên giới. Ảnh: dpa.
Dòng người di cư gặp phải nhiều trở ngại khi một số nước EU dựng lại các hàng rào biên giới. Ảnh: dpa.

Tầm quan trọng của ổn định xã hội

Không phải ai cũng đồng ý với những dự báo trên, trong đó có Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu Clemens Fuest. Ông tin rằng những hậu quả về kinh tế từ việc đóng cửa biên giới sẽ được kiểm soát. Những tác động có thể được kiềm chế, bằng việc cho phép hầu hết xe cộ thông quan tại biên giới, và chỉ tiến hành kiểm tra từng cá nhân.

Trong khi người ta lo ngại về phải ứng dây chuyền của việc đóng cửa biên giới, Fuest lại hy vọng vào điều đó. Ông nói, có thể cuối cùng chỉ đường biên giới phía ngoài của EU cần được kiểm soát, và những đường biên giới bên trong có thể mở lại.

Tuy vậy, hơn hết, Fuest hy vọng đây sẽ là cách tích lũy sự hài hòa về mặt xã hội. Nhà kinh tế học này cũng lường trước những hậu quả của một xã hội cực đoan hóa nếu dòng người di cư khổng lồ tiếp diễn, khi EU đạt tới ngưỡng giới hạn về năng lực tổ chức.

Lo ngại cạnh tranh cũng là mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội. Chẳng hạn, trong các liên minh thương mại và cánh tả chính trị, có những người hoài nghi rằng nếu các doanh nghiệp ủng hộ việc tiếp nhận thêm người di cư, điều họ thực sự mong muốn là gây sức ép đối với người lao động.

Có ý kiến nhận định không nên tìm cách lợi dụng cuộc tranh luận về người tị nạn để gây sức ép giảm lương. Bên cạnh đó, có người lại cảnh báo cạnh tranh về việc làm, chỗ ở và phúc lợi nhà nước sẽ diễn ra chủ yếu giữa những người yếu thế hơn trong xã hội.

Các thành viên của Hiệp định Schegen. 6 nước bao gồm Bulgaria, Croatia, Cyprus, Romania, Ireland và Vương quốc Anh không cấp thị thực Schegen và vẫn tiến hành kiểm soát biên giới. Ảnh: DW.
Các thành viên của Hiệp định Schengen. 6 nước bao gồm Bulgaria, Croatia, Cyprus, Romania, Ireland và Vương quốc Anh không cấp thị thực Schengen và vẫn tiến hành kiểm soát biên giới. Ảnh: DW.

Hiểu rõ biện pháp đóng cửa biên giới

Rõ ràng không ai tại châu Âu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới một cách nhẹ nhàng, thay vào đó, họ xem đó là biện pháp khẩn cấp để hạn chế dòng người tị nạn không thể kiểm soát. Điều này giải thích tại sao Bộ trưởng Tài chính Đức Schäuble bày tỏ sự thấu hiểu đối với những hành động như vậy, bất chấp mọi lời cảnh báo. Ông nói: “Chúng ta hiểu rằng năng lực của các nước EU không phải là vô tận. Chúng ta cũng thấy Thụy Điển đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, và trong nhiều thập niên qua đó là một trong những nước rộng cửa nhất với người nhập cư”.

Tóm lại, mọi người hy vọng các biện pháp kiểm soát chỉ là tạm thời, và rốt cuộc chúng sẽ giúp giải cứu Schengen. Nhìn chung, do những hạn chế đối với Schengen còn nhiều vấn đề phức tạp, quan điểm chi phối phe phản đối là cả đường biên giới mở ở phía ngoài lẫn tồn tại các đường biên giới bên trong về lâu dài là không thể duy trì.

Thu Giang

(Theo DW)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cái giá của kiểm soát biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO