Cái giá cuộc đời của một sinh viên
(Baonghean) - Học giỏi, được kết nạp đảng ngay từ năm thứ 2 đại học, những tưởng tương lai của Đậu Đình Khôi sẽ sáng lạn như kỳ vọng của cha mẹ. Thế nhưng, chỉ một sai lầm trong phút chốc, cậu sinh viên ấy đã bị truy tố giết người với vai trò đồng phạm.
Bị cáo Đậu Đình Khôi tại phiên tòa. |
Tại Phiên tòa xét xử Đào Mạnh Hà (SN 1989, trú tại TP. Hải Phòng) cùng đồng bọn phạm tội giết người diễn ra vào ngày 23/5, không ít người dự khán phiên tòa đã phải thốt lên đầy xót xa cho một tương lai đã sớm tàn lụi trước nông nổi của tuổi trẻ khi cáo trạng của Viện KSND tỉnh đọc đến phần nhân thân của bị cáo Đậu Đình Khôi.
Sinh năm 1987, trú tại phường Vinh Tân, TP. Vinh, Nghệ An trong một gia đình trung lưu làm nghề buôn bán. Học hết 12, Đậu Đình Khôi thi đậu vào khoa Kinh tế, Đại học Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội với ước mơ nối nghiệp và phát triển hoạt động kinh doanh của gia đình. Vào trường, ngoài học lực tốt, Khôi tích cực tham gia các hoạt động thanh niên tình nguyện hướng về cộng đồng. Ngay trong năm thứ 2 đại học, Khôi được kết nạp, đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là niềm vinh dự không phải sinh viên nào cũng làm được và càng thôi thúc Khôi phấn đấu học tập và hoạt động xã hội nhiều hơn. Kết thúc học kỳ 1 năm thứ 4, chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến thời kỳ thực tập tốt nghiệp thì Tết đến.
Với máu kinh doanh sẵn có trong người, cùng với người em trai Đậu Đình Hiếu (SN 1993), Khôi vay bố mẹ được mấy chục triệu hùn vốn với Đào Mạnh Hà, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Giang Nam đi buôn quất. Sau khi khảo sát địa hình, cả bọn quyết định dựng vườn quất trên đường Phan Đình Phùng (phường Cửa Nam, TP. Vinh) để buôn bán. Ngay bên cạnh bãi quất của nhóm Khôi là bãi quất của Nguyễn Đình Cường. “Buôn có bạn, bán có phường”, buôn bán còn phụ thuộc vào cái duyên, nên dẫu là đối thủ cạnh tranh với nhau nhưng việc ai nấy làm, tránh va chạm không cần thiết. Những lúc rảnh rỗi, các nhóm buôn quất vẫn sang bãi của nhau để bình phẩm, chọn cây đẹp. Tối 6/2/2013 (tức tối 27 Tết Quý Tỵ), một người bạn của Đào Mạnh Hà mang theo vợ con đến vườn quất chơi. Nhân lúc vắng khách, Hà bế cháu bé sang bãi của Nguyễn Đình Cường. Trong lúc sơ ý, cháu bé có vặt một quả quất khiến Cường “nóng mặt” nên lên tiếng chửi bới Hà. Hai bên xảy ra cãi vã, thách thức nhau nhưng được can ngăn nên giải tán.
Trong khi Hà về bãi quất của mình thì Nguyễn Đình Cường gọi người sang gây sự khiến Hà phải bỏ chạy. Bị đuổi đánh, Đào Mạnh Hà gọi Trần Văn Đô (SN 1990, trú tại Hưng Hòa, TP. Vinh) nhờ giúp đỡ. Cả bọn tụ tập lại với nhau, anh em Đậu Đình Khôi, Đậu Đình Hiếu cũng có mặt. Thấy đối thủ tụ tập, nhóm của Nguyễn Đình Cường cũng tập hợp và chuẩn bị hung khí để đi tham chiến. Nhóm của Cường tới bãi quất của Hà gây sự khiến nhóm Hà chạy dạt về cầu Cửa Tiền. Tại đây, nhóm Hà chuẩn bị cốc chén, gạch đá để đánh nhau với nhóm Cường. Em trai của Khôi mang theo một khẩu súng samlet nhưng không sử dụng được. Trong khi đó, Trần Văn Đô đã chuẩn bị trước một khẩu Cacbin.
Trong lúc hai bên hỗn chiến tại cầu Cửa Tiền, vì không biết sử dụng súng nên Đào Mạnh Hà đã bảo Đô bắn, “có gì Hà sẽ chịu trách nhiệm”. Cú bắn từ súng của Đô đã giết chết Trần Văn Thành - một thành viên trong nhóm của Nguyễn Đình Cường. Mặc dù không trực tiếp gây nên cái chết của Trần Văn Thành nhưng Đậu Đình Khôi cũng bị truy tố tội giết người với vai trò đồng phạm. “Ngay trong ngày 7/2/2013, em đến cơ quan điều tra Công an TP. Vinh đầu thú và bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Nhà trường biết chuyện nên ra quyết định đuổi học luôn. Mà nếu trường không đuổi thì em cũng làm sao tiếp tục đi học được trong khi đang ngồi tù và chưa biết cái án mình phải nhận là bao nhiêu năm. Lúc đó, em nghĩ mình chẳng còn gì để mất! Sự nghiệp, học hành, tương lai và cả tuổi trẻ của em… Em cũng không nghĩ mình gây ra hậu quả như thế này. Lúc đó, bốc đồng lên chỉ đi theo anh em đánh lộn thôi chứ không nghĩ sẽ có người phải mất mạng”, Khôi buồn bã nói.
Sau hơn 1 năm ngồi trong phòng tạm giam để chờ vụ án được đưa ra xét xử, gia đình đã bảo lãnh cho Khôi tại ngoại. 1 năm trời cũng đủ cho Khôi thấy được cái giá của sự nông nổi tuổi trẻ. “Từ hồi được tại ngoại, em chỉ quanh quẩn ở nhà phụ bố mẹ và anh trai bán hàng. Nếu không dính vào vụ án này thì em đã ra trường, có một công việc ổn định và biết đâu đã làm được một cái gì đó cho đời, cho mình như nhiệt huyết những ngày tham gia công tác tình nguyện ở trường. Nói gì đi nữa thì cũng muộn rồi, em không còn cơ hội để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn nữa. Gần 30 tuổi, em chẳng có gì trong tay ngoài cái án giết người”, Khôi chua chát. Bị cáo Đậu Đình Khôi mặc dù không phải là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án này nhưng Khôi cũng khiến HĐXX phải lưu tâm nhiều khi đọc hồ sơ về nhân thân.
Ngồi vị trí chủ tọa, ông Vi Văn Chắt - Chánh tòa Hình sự của Tòa án Nhân dân tỉnh đã phải thốt lên: “Là một sinh viên giỏi, được kết nạp đảng ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường là điều không phải ai cũng làm được. Nếu bị cáo biết kiềm chế, biết phân biệt đúng sai mà dừng lại đúng lúc, biết can ngăn mọi người tránh không xảy ra hậu quả đau lòng này thì tương lai của bị cáo sẽ khác”.
Không trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân, lần đầu phạm tội và có nhân thân tốt, Đậu Đình Khôi là người duy nhất trong nhóm của Đào Mạnh Hà được hưởng án treo. Bản án 30 tháng tù cho hưởng án treo đối với Đậu Đình Khôi công bằng mà nói là một bản án hợp tình, hợp lý. Vậy nhưng, những người có mặt tại phiên tòa đều thấy tiếc cho tương lai của Khôi. Và hơn ai hết, Đậu Đình Khôi biết cái giá mình phải trả cho sự nông nổi tuổi trẻ của mình đắt đến nhường nào.
Khang Hòa