Cái giá Thủ tướng Nhật Bản phải trả cho việc cải cách Hiến pháp

02/10/2017 08:23

Uy tín của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ sụt giảm sau khi ông kêu gọi bầu cử sớm mà mục đích chủ yếu được cho là nhằm thay đổi Hiến pháp.

Nhận thấy người dân Nhật Bản lo lắng về chuyện phòng vệ trước tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, đồng thời tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang ở mức cao, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây tuyên bố giải tán Hạ viện, kêu gọi một cuộc bầu cử sớm với hy vọng sẽ chiến thắng “như chẻ tre” và kiểm soát được ít nhất 2/3 số ghế, rộng đường sửa đổi Hiến pháp hòa bình, mà cốt lõi là điều khoản quy định về quyền phòng vệ của Nhật Bản.

Tuy nhiên mọi việc đang diễn ra không theo dự tính của ông.

cai gia thu tuong nhat ban phai tra cho viec cai cach hien phap hinh 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Kết quả thăm do dư luận do hãng thông tấn Kyodo công bố ngày 1/10 cho thấy, 46,2% số người được hỏi cho biết họ không ủng hộ chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, trong khi số lượng cử tri ủng hộ là 40,6%. Ngoài ra, 24,1% cho biết sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông Shinzo Abe, còn 14,8% bỏ phiếu cho đảng Hy vọng (PH) mới được Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike thành lập.

Theo giới quan sát, nước cờ này của Thủ tướng Nhật Bản tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn thế và Shinzo Abe có thể phải trả một cái giá đắt cho sự “ám ảnh” của ông đối với việc thay đổi Hiến pháp.

Vì sao ông Abe luôn đau đáu việc thay đổi Hiến pháp?

Xem xét lại bản Hiến pháp hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Ab. Thủ tướng Abe luôn tập trung vào việc xem xét Điều 9 của bản Hiến pháp này theo hướng cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Điều này rất quan trọng với Thủ tướng Abe bởi vì ông cho rằng các điều khoản hiện tại vẫn đang đặt ra câu hỏi về tính hợp hiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và những loại hình hoạt động mà SDF được phép tham gia.

Bằng việc từ bỏ quyền tham chiến và cấm Nhật Bản thành lập các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cũng như những tiềm năng tham chiến khác, Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản như một “chiếc vòng kim cô” kiềm tỏa khả năng sử dụng SDF của chính phủ nước này. Và như thế, mỗi một động thái của SDF, dù ở trong hay ngoài nước, cũng trở thành đề tài tranh luận rất gay gắt ở Nhật Bản.

Những cuộc tranh luận như thế đặc biệt trở nên rắc rối khi dính líu đến những vấn đề xung quanh việc Nhật Bản tự cấm mình thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Nói một cách đơn giản, quyền phòng vệ tập thể của một quốc gia là đặc quyền để nước đó coi rằng “hành động tấn công vào một nước cũng là tấn công vào tất cả đồng minh" của nước đó, và những nước này có quyền đáp trả phù hợp, bao gồm việc sử dụng vũ lực.

Vì lâu nay chính phủ Nhật Bản cho rằng nước này có quyền phòng vệ tập thể nhưng lại không được thực thi quyền đó nên khả năng triển khai SDF cùng với quân đội các nước khác trở nên vô cùng hạn chế.

Thủ tướng Abe, vì thế, có quyết tâm mạnh mẽ với việc xem xét lại Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản nhằm cho phép SDF được linh hoạt hơn trong mọi hoạt động, trong đó có việc nới lỏng lệnh cấm nghiêm ngặt hiện nay đối với việc thực thi quyền phòng vệ tập thể.

10 năm chật vật tìm cách thay đổi Hiến pháp

Khi lần đầu trở thành Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn năm 2006-2007, ông Abe đã lập một ủy ban tư vấn – thường được gọi là Ủy ban Yanai – phụ trách đề xuất “4 kịch bản” mà theo đó Nhật Bản được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể. Nhưng ông Abe đã phải từ chức vào thời điểm ủy ban này đưa ra kiến nghị tạm thời vào tháng 4/2008 và sau đó người kế nhiệm của ông Abe không có thêm hành động nào đối với vấn đề này.

Không bỏ cuộc, ông Abe lần nữa đưa ra vấn đề trên khi trở lại nắm quyền tháng 12/2012. Trong cuộc họp báo đầu tiên, khi được hỏi về việc xem xét lại Hiến pháp, ông Abe lúc đó đã khơi lại những khuyến nghị mà Ủy ban Yanai đưa ra năm 2008 và bày tỏ khát khao muốn xem xét lại vấn đề này với xung lực mới.

Kể từ đó, ông Abe đã có những bước đi dứt khoát và nhanh chóng nhằm thúc đẩy việc xem xét lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Ủy ban Yanai đã công bố báo cáo cuối cùng của họ vào tháng 5/2014 và khuyến nghị rằng, việc cấm Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể nên được dỡ bỏ.

Đáp lại, chính quyền của Thủ tướng Abe lúc đó đã đưa ra một quyết định của Nội các, nói rằng Nhật Bản có thể thực thi quyền phòng vệ tập thể trong một số trường hợp hữu hạn cụ thể. Chính phủ của ông Abe cũng đã thúc đẩy thông qua Đạo luật Hòa bình và An ninh (Peace and Security Legislation) nhằm mở rộng rộng phạm vi hoạt động mà SDF được phép tiến hành, có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Tuy nghiên, khát khao mãnh liệt của ông Abe đối với việc xem xét lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản cũng có cái giá của nó.

Ông Abe và “canh bạc” Hiến pháp

Cái giá phải dễ nhận thấy nhất là việc ông Abe dồn toàn bộ “vốn liếng” chính trị của mình vào vấn đề này đã khiến những vấn đề trong nước khác bị lu mờ.

Từ khôi phục nền kinh tế đến cải cách thuế, cải cách tiền lương hưu, chăm sóc cho người già và tăng cường bình đẳng giới, trong đó có việc ủng hộ những gia đình có cả vợ và chồng cùng phải kiếm sống, ông Abe đã đưa ra hàng loạt sáng kiến vô cùng “hấp dẫn”. Nhưng kết quả thực tế cụ thể lại ít được công nhận.

Cái giá khó nhận ra hơn những quan trọng hơn là cách tiếp cận mà ông Abe đã chọn để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.

Việc ông Abe tận dụng lợi thế đa số của liên minh cầm quyền LDP-Komeito để thông qua những dự luật gây tranh cãi, trong đó có Đạo luật Hòa bình và An ninh, chỉ khiến lập trường của các đảng đối lập càng cứng rắn hơn. Và kết quả là cuộc tranh luận về vấn đề an ninh quốc gia ở Hạ viện Nhật Bản trở thành cuộc “khẩu chiến” giữa đôi bên về cái gì là hợp pháp hay bất hợp pháp, đồng thời khiến những vấn đề cơ bản khác bị bỏ bê.

Những vấn đề như việc Nhật Bản sẽ sẵn sàng tới đâu cho việc tăng cường triển khai SDF để đạt được mục tiêu an ninh quốc gia, hay làm thế nào các nhà lãnh đạo được bầu ra có thể duy trì kiểm soát dân sự đối với SDF trong khi vẫn phải đảm bảo rằng lực lượng này trung lập về mặt chính trị, đã không được thảo luận thấu đáo ở Hạ viện Nhật Bản.

Trừ khi ông Abe có những thay đổi lớn về cách tiếp cận khi chính phủ của ông trình dự thảo đề xuất xem xét lại Hiến pháp, nếu không sẽ rất khó có những cuộc tranh luận hữu ích về bất cứ vấn đề nào ở trên.

Ngay cả khi ông Abe thực sự thay đổi được Hiến pháp của Nhật Bản, sự thiếu đồng thuận về việc nước này sẽ sử dụng SDF như thế nào, sự chia rẽ chính trị sâu sắc về vấn đề này vẫn tiếp diễn trong khi thiếu các cuộc tranh luận giải quyết những khúc mắc đó tại Hạ viện./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cái giá Thủ tướng Nhật Bản phải trả cho việc cải cách Hiến pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO