Quốc tế

Cú ‘tung xúc xắc’ của Tổng thống Macron và cơn địa chấn chính trị ở Pháp

Hoàng Bách 10/06/2024 09:30

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tung xúc xắc về tương lai chính trị của mình hôm 9/6, khi kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử quốc hội sớm vào cuối tháng này.

Động thái được đưa ra sau khi ông bị đảng Cực hữu của bà Marine Le Pen đánh bại trong cuộc bỏ phiếu của Liên minh châu Âu.

Động thái bất ngờ

Screenshot 2024-06-10 at 07.08.49
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài phát biểu đêm 9/6. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, quyết định gây sốc của ông Macron đã gây ra một cơn địa chấn chính trị ở Pháp, tạo cơ hội cho phe cực hữu nắm quyền lực chính trị thực sự sau nhiều năm đứng bên lề và có thể khiến nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron trở nên “hữu danh vô thực” khi còn 3 năm nữa nhiệm kỳ này mới kết thúc.

Nói vậy là bởi, nếu đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Le Pen giành được đa số trong quốc hội, ông Macron sẽ gần như không có ảnh hưởng gì đến các vấn đề trong nước.

Tổng thống Macron nói rằng, kết quả bầu cử EU thật nghiệt ngã đối với chính phủ của ông và là điều mà ông không thể lờ đi. Trong bài phát biểu trước toàn thể đất nước, cách thời điểm Paris đăng cai Thế vận hội còn chưa đầy 2 tháng, ông cho biết, cuộc bầu cử hạ viện sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 và cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 7/7.

Ông Macron phát biểu: “Đây là thời điểm cần phải làm rõ. Tôi đã nghe thấy thông điệp của các bạn, những mối quan tâm của các bạn và tôi sẽ không bỏ qua chúng... Pháp cần thế đa số rõ ràng để hành động một cách bình tĩnh và hài hòa”.

Sau thông báo của Tổng thống Macron, hàng trăm người biểu tình bài cực hữu đã tập trung tại Place de la Republique ở Paris, vẫy cờ ủng hộ các đảng cánh tả và đảng xanh, đồng thời hô vang phản đối RN.

Đứng đầu bởi chính khách 28 tuổi Jordan Bardella, RN đã giành được khoảng 32% số phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu hôm 9/6, cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ 15% của phe ông Macron, theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri khi rời điểm bỏ phiếu. Trong khi đó, đảng Xã hội cũng áp sát đảng của ông Macron, với 14%.

Bà Le Pen, được nhiều người coi là ứng cử viên dẫn đầu cho cuộc bầu cử năm 2027 mà ông Macron không thể tranh cử, đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Pháp.

Bà nói tại một cuộc mít tinh: “Chúng tôi sẵn sàng nắm quyền nếu người Pháp đặt niềm tin vào chúng tôi trong cuộc bầu cử quốc gia sắp tới”.

Cần lưu ý, đảng Phục hưng của ông Macron hiện có 169 nhà lập pháp ở Hạ viện, trên tổng số 577; còn RN có 88.

Nếu RN giành được thế đa số, ông Macron vẫn sẽ lãnh đạo chính sách quốc phòng và đối ngoại, nhưng sẽ mất quyền thiết lập chương trình nghị sự trong nước, từ chính sách kinh tế đến an ninh.

Nhận xét về động thái của tổng thống, nghị sĩ đảng Xanh Sandrine Rousseau phát biểu: “Ông Emmanuel Macron là một người chơi poker, chúng tôi đã thấy điều đó tối nay”.

“Chung sống” không mấy dễ chịu

Screenshot 2024-06-10 at 07.09.02
Bà Le Pen được nhiều người coi là ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử năm 2027. Ảnh: Reuters

Teneo, một công ty tư vấn, nhận định "ông Macron đã kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mà ông ấy có thể thua". Công ty này cho rằng, "mục tiêu cuối cùng của ông có thể là mang lại chiến thắng tức thời cho RN để vạch trần sự thiếu kinh nghiệm của đảng này trong chính quyền và khiến họ phải đối mặt với những quyết định đau đớn về mặt chính trị trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2027”.

Còn Olivier Blanchard- cựu quan chức Quỹ Tiền tệ quốc tế, hiện làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá rằng, ông Macron đã cố gắng hết sức trong “thế bài yếu”.

Ông Blanchard viết trên X: “Hoặc sự thiếu mạch lạc trong chương trình của RN trở nên rõ ràng trong chiến dịch tranh cử và đảng này sẽ thua trong cuộc bầu cử. Hoặc RN thắng, nắm quyền điều hành và nhanh chóng làm rối tung tình hình lên”.

Theo Reuters, ván cược của ông Macron tương tự như động thái của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez khi ông Sanchez kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia sớm vào năm ngoái sau khi phe cực hữu đánh bại đảng của ông trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương.

Sanchez đã xoay xở giữ duy trì được quyền lực nhưng phải sau nhiều tháng lục đục với các đảng khu vực cùng một thỏa thuận gây tranh cãi về việc ân xá cho các phần tử ly khai ở Catalan.

Trước đây, Pháp từng biết đến cái gọi là những giai đoạn "cùng chung sống", khi tổng thống thuộc một đảng chính trị khác với đảng nắm thế đa số trong quốc hội. Trong những trường hợp như vậy, thủ tướng của đảng nắm thế đa số sẽ trở thành người ra quyết định đối nội hàng đầu của Pháp.

Trong giai đoạn gần nhất như vậy, từ 1997-2002, Tổng thống Jacques Chirac đóng vai trò thứ 2 sau Thủ tướng đảng Xã hội Lionel Jospin. Khi ấy, đồng Euro trượt xuống mức thấp nhất trong khoảng 1 tháng vào đầu phiên giao dịch ở châu Á, qua đó phản ánh tình hình thiếu chắc chắn nói trên.

Trở lại với câu chuyện hiện tại, quyết định của ông Macron cho thấy rõ vừa qua là một đêm nghiệt ngã đối với các đảng trung dung trên khắp châu Âu, khi những người theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc hoài nghi châu Âu thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Trận chiến kế nhiệm bắt đầu nóng lên

Screenshot 2024-06-10 at 07.09.09
Cử tri tại Paris hôm 9/6. Ảnh: Reuters

Thành tích bầu cử vang dội của bà Le Pen, tăng 10 điểm phần trăm so với kết quả của nữ chính khách khi bầu cử EU năm 2019, có khả năng thu hút những người nổi dậy mang quan điểm bảo thủ đến với RN, một đảng có động lực rõ ràng.

Vào tối 9/6, cháu gái của bà Le Pen là Marion Marechal, một đồng minh chính trị của Eric Zemmour và đảng Reconquete cực hữu của ông này cho biết, cô đã chuẩn bị gặp dì của mình để thảo luận về một hiệp ước. Marechal nói: “Đối với tôi, một liên minh cánh hữu dường như cần thiết hơn bao giờ hết”.

Sự vươn lên của bà Le Pen cũng có khả năng thúc đẩy cuộc chiến kế nhiệm của phe trung dung để tìm người thay thế ông Macron.

Các nguồn tin chính trị cho biết, một số tên tuổi lớn – như Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, cựu Thủ tướng Edouard Philippe, Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal và Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire - đều muốn đảm nhận vị trí hàng đầu này.

Bộ trưởng Darmanin phát biểu khi bình luận về thông báo của ông Macron: “Chúng tôi sẽ phải tự vấn và giải thích cho người Pháp lý do tại sao chúng tôi chưa thể lắng nghe họ đủ”.

Kết quả hôm 9/6 cũng đã cho thấy ​​sự trỗi dậy của phe trung tả ở Pháp, khi ứng cử viên đảng Xã hội Raphael Glucksmann, một nhân vật ôn hòa, đã giành được khoảng 14%. Thành tích của ông này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đảng Xã hội, sau khi đảng này nếm mùi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2017 trước ông Macron.

Mới nhất

x
Cú ‘tung xúc xắc’ của Tổng thống Macron và cơn địa chấn chính trị ở Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO