Cái thật, cái thẳng thắn, quyết liệt của người Nghệ

05/02/2010 15:52

Nguyễn Thế Bình sinh ra trên vùng quê Cát Ngạn (Thanh Chương - Nghệ An), có trí thông minh hơn người. Ông đậu Tiến sĩ, được ghi tên vào bia Văn miếu Quốc Tử Giám.

Thuở ấy, đất nước trong buổi nhiễu nhương. Tuyên phi Đặng Thị Huệ, là người được Chúa Trịnh sủng ái, ỷ thế ấy mà có những việc làm lăng loàn, khiến nhiều người căm phẫn nhưng không ai dám can gián. Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Thị Huệ ăn chơi vô độ, coi thường cả kỷ cương phép nước. Sự việc đến lúc không thể chấp nhận, phải đưa Mậu Lân ra xét xử. Ai cũng căm ghét chị em Mậu Lân, nhưng khi được cử ra xét xử thì như "chuột treo chuông vào cổ con mèo". Người thì cáo bệnh, người thì vin cớ này, cớ khác để cáo lui. Thực ra, ai cũng sợ, xử nhẹ thì không hợp luật pháp, xử đúng thì sợ Thị Huệ, Mậu Lân đang rất mạnh thế.

Ông Nghè Cát Ngạn được chỉ định nghị án. Nguyễn Thế Bình nghiêm cẩn, liêm khiết, thẳng thắn. Ông đã xử phạt Mậu Lân bằng hình thức đuổi về quê quán. Quần thần hả hê, nhưng không khỏi kinh hãi và khâm phục. Về sau, Mậu Lân đã phục thù, cho quân đánh lén sát hại ông!


Lãnh đạo tỉnh thăm vùng nguyên liệu chè
Thanh Mai (Thanh Chương). Ảnh: M.H


Ông Nghè Đinh Nhật Thận người làng Tiên Hội, xã Thanh Tiên (Thanh Chương) bây giờ. Ông đỗ Tiến sĩ, được ghi tên vào bia Văn miếu Quốc Tử Giám. Cụ là người sống khoáng đạt, lãng tử, giỏi ứng xử trong văn chương, thơ phú, làm thuốc giỏi, nổi tiếng với những toa thuốc "độc vị" nhưng rất khí khái, là bạn thân với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Cao Bá Quát dấy binh khởi nghĩa. Do có những thế lực ghen ghét, xúc xiểm, dựng chuyện, Đinh Nhật Thận bị triều đình bắt giam.

Trong thời gian ấy, bà Từ Dũ - mẹ Vua bị ốm, chạy chữa lâu không khỏi. Vua cho đòi cụ nghè đến khám cho mẹ (Tự Đức là ông Vua rất có hiếu với mẹ). Nghe lệnh đòi, cụ nghè bảo: "Xưa nay, chỉ có mời thầy chữa bệnh chứ ai lại bắt, đòi thầy đi chữa bệnh". Ngài giận lắm nhưng vì bệnh tình bà Từ Dũ không thuyên giảm, phải hạ cố mời cụ. Khám xong, cụ nghè cho bốc một toa thuốc độc vị, bà Từ Dũ chỉ uống xong toa thuốc ấy đã khỏi bệnh! (Cũng có tài liệu chép là ông chữa bệnh cho mẹ của một quan Thượng thư trong triều).


Nguyễn Sĩ Sách người làng Tú Viên, xã Thanh Lương (Thanh Chương) thông minh, học giỏi nổi tiếng, là bạn thâm giao với Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt. Anh sớm tham gia hoạt động cách mạng, mới ngoài 20 tuổi đã làm Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ.

Năm 1929, anh bị bọn mật thám bắt giam, chúng chuyển anh qua nhiều nhà giam. Đến đâu, anh cũng là linh hồn của phong trào "biến nhà tù thành trường học", đấu tranh với chế độ hà khắc của bọn đế quốc, phong kiến. Biết anh là nhân vật quan trọng, Công Bơ, Chánh mật thám người Pháp khét tiếng của Nhà tù Lao Bảo giở hết các ngón đòn xảo quyệt. Ngon ngọt mua chuộc dụ dỗ không được, chúng tra khảo anh rất tàn khốc.

Không khuất phục được người cộng sản trẻ tuổi, chúng đưa anh về phòng biệt giam. Nguyễn Sỹ Sách cắp manh chiếu đi trước, Công Bơ cầm súng hằn học đi sau đến phòng biệt giam. Nó dùng tiếng Pháp không ngớt lảm nhảm, xúc phạm...Vốn là người rất giỏi tiếng Pháp, anh dùng tiếng Pháp "ăn miếng, trả miếng" với nó. Căm thù tột độ, anh dùng manh chiếu tù quật thẳng vào mặt của Công Bơ. Tên ác ôn đã hèn hạ nổ súng sát hại anh!


Nhà thơ - Nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi người làng Thổ Sơn, vùng Cát Ngạn, (cùng làng với cụ nghè Nguyễn Thế Bình), 17 tuổi đã theo Xuân Diệu đi đọc thơ tuyên truyền giảm tô, sau đó anh được đi học ở Khu học xá Trung Quốc. Năm 1956, về làm tổ trưởng chuyên môn và dạy Văn tại Trường Sư phạm Hà Nội.

Một lần, ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Sư phạm về dự giờ một thầy giáo trong tổ. Mọi người đều thấy đó là một giờ dạy tốt nhưng ông Vụ trưởng phê phán căng thẳng, phủ nhận hoàn toàn cả nội dung và phương pháp. Mọi người ngạc nhiên, sợ, khép nép, nhìn nhau, không dám nói gì. Nguyễn Bùi Vợi không đồng tình.

Ông lịch sự xin phép: Về tuổi tác, chúng em là bậc con cháu, về địa vị, chúng em là cấp dưới, về học thuật thầy là tiến sĩ,... Nhưng về khoa học, xin thầy cho phép chúng em được bình đẳng, cho tranh luận để đi đến chân lý! Ông Vụ trưởng bực tức, cắp cặp về báo cáo với Bộ.

Mấy hôm sau, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trực tiếp về trường dự giờ giảng Kiều của "ông Đồ Nghệ - Nguyễn Bùi Vợi". Ngay sau tiếng trống hết giờ, Bộ trưởng lên bục giảng cảm động, ôm lấy ông, khen và ước ao giáo viên văn ai cũng dạy được như vậy!


Xử nghiêm với cả "Hoàng thân, quốc thích", không qụy lụy trước bạo lực, cường quyền; ngạo nghễ, hiên ngang chấp nhận cái chết trước kẻ thù; tranh luận thẳng thắn với "sếp", thời nào cũng thường nhận cái thiệt về mình. Không phải ai cũng làm được điều đó. Phải có dũng khí, bản lĩnh vững vàng, đủ vốn, đủ gan góc mới dám đương đầu. Người đời nể trọng và tự hào với những hành động đó nhưng cũng có người cho rằng họ quá cực đoan, quyết liệt, thiếu mềm mỏng, sao không chọn cách hành xử êm hơn, có lợi hơn. Đó là quan niệm của mỗi người!


Mấy mẩu chuyện trên được ghi trong sử sách hoặc lưu truyền qua các thế hệ. Trong thực tế, có rất nhiều chuyện đại loại như vậy... Tôi cứ "lăn tăn": Tại sao, con người quê mình lại có cái chất "đánh chết cũng không chừa cái thật"? Có phải do sinh ra, lớn lên trên mảnh đất dữ dằn, phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, với địch họa, cường quyền, chỉ có cái "chất" ấy mới tồn tại và phát triển? Và có như vậy thì dù Tôn Thất Đàn chủ trương "Hữu Nghệ -Tĩnh bất phú, vô Nghệ-Tĩnh bất bần" cũng không thể đàn áp nổi phong trào yêu nước của một miền quê cách mạng?!


Đất nước, quê hương đang tiếp tục hội nhập với mọi miền đất nước và quốc tế. Cần thấy rõ cái "hạn chế, cái không nên", nhưng người Nghệ mà không có cái thật, cái thẳng thắn, cái quyết liệt thì còn là người Nghệ nữa không?!.


Một nét nhỏ trong tính cách, khí chất con người quê hương đáng để ta nhớ, tự hào, nghiên cứu, trao đổi.


Đặng anh Dũng

Mới nhất
x
Cái thật, cái thẳng thắn, quyết liệt của người Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO