Cần bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
(Baonghean.vn) - Tham gia thảo luận dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, Luật cần có các quy định chặt chẽ về trách nhiệm cũng như bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão đồng chủ trì. Ảnh: Thanh Lê |
Đề xuất phương án đưa người lao động đi làm việc ở nước
Trình bày báo cáo dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trên thực tế thời gian qua, các Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm đang được phép của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký với các tỉnh, thành phố của bên nước ngoài để đưa lao động của địa phương đi làm việc, và không thu tiền dịch vụ của người lao động.
"Do vậy, Chính phủ, Cơ quan soạn thảo đề xuất luật hóa thực tiễn này", Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Về đề xuất này, theo đại biểu Thúy Anh, có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai, không tán thành việc giao cho Trung tâm dịch vụ.
Đây là vấn đề mới, đang có ý kiến khác nhau, do vậy dự thảo Luật đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo 02 phương án.
Phương án 1: Quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 37 của Luật Việc làm) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.
Phương án 2: Không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Bảo vệ tối đa hóa quyền lợi của người lao động
Thảo luận tại phiên họp có 22 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận và 2 ý kiến tranh luận. Ý kiến của các đại biểu bày tỏ đồng tình thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đồng thời đề xuất thêm một số vấn đề, nội dung góp ý để hoàn thiện nội dung dự thảo Luật.
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh tham gia thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Thanh Lê |
Tham gia thảo luận, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Đoàn Nghệ An) bày tỏ nhất trí với phương án 1 của dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 và Điều 5 là giao Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Đồng thời, đại biểu Kiều Trinh đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động tại Điều 43 và không làm phát sinh bộ máy, biên chế tại Điều 74.
Với quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý để Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện được thuận lợi và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động ở địa phương. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy để triển khai thực hiện điều này cần quy định cụ thể lộ trình, thời gian thực hiện để các Trung tâm Dịch vụ việc làm có thời gian chuẩn bị đội ngũ nhân lực cũng như các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng với nhiệm vụ mới này.
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh cũng nhất trí với các nội dung quy định trong dự thảo Luật về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp. Nguồn hình thành quỹ là từ đóng góp của doanh nghiệp dịch vụ, của người lao động và các nguồn thu hợp pháp khác.
“Theo tôi, cần quy định các doanh nghiệp dịch vụ có hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động với các tổ chức đào tạo, việc quy định như vậy cũng giảm chi phí cho doanh nghiệp khi không phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất thực hiện việc giáo dục, các doanh nghiệp này khi đó tập trung vào việc tìm kiếm thị trường lao động, bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài... thì hợp lý hơn.
Văn phòng Thông tin di cư tư vấn cho người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ảnh: Thanh Lê |
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp có tâm huyết xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, vì nguồn nhân lực được đào tạo tốt thì sau một thời gian đi lao động nước ngoài trở về lao động trong nước sẽ là những người chủ chốt, quản lý, là chuyên gia, kỹ thuật giỏi… cho các doanh nghiệp trong nước” - đại biểu Trinh nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu Trinh, tại Khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm “hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội” là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cần quy định thêm trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thể tham gia BHXH theo đúng quy định, khắc phục các tồn tại như giai đoạn vừa qua.
“Để bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động, luật này nên giao cho Bộ Ngoại giao thiết lập đường dây nóng bảo vệ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài để cá nhân, gia đình họ thuận tiện trong việc liên hệ, phản ánh thông tin khi cần thiết” - đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đề xuất.
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và nhiều nội dung của các Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này như chương trình kỳ họp đã đề ra./.