Cần biết lựa chọn thông tin
(Baonghean) - Những năm gần đây, các kênh thông tin truyền thông phát triển như vũ bão, người đọc có quyền lựa chọn cho mình những kênh thông tin riêng mà không hề bị bó buộc, miễn là chính họ cảm thấy thích và thuận tiện. Nhưng chính việc nở rộ các kênh thông tin lại mang đến những tác động không mong muốn cho xã hội và cho chính người lĩnh hội thông tin. Nếu người đọc không biết cách lựa chọn thì sẽ dễ dẫn đến nhiễu thông tin, sai lệch thông tin. Trong một thế giới đầy rẫy thông tin đa chiều, trong số đó không ít dạng thông tin “tam sao thất bản”, thậm chí “từ không nói thành có” thì sự thông minh, sáng suốt lựa chọn thông tin trở nên quan trọng và quyết định tất cả.
Hẳn bất kỳ ai thích truyện cổ Andecxen đều biết câu chuyện “Một chuyện có thật”. Câu chuyện kể về một cô gà mái rỉa lông và bị rụng mất một cái lông, nhưng khi kết thúc câu chuyện thì cái lông gà ấy đã trở thành 5 cô gà mái chết vì tình!
Khi những tờ báo mạng ra đời ngày càng nhiều hay những trang thông tin cá nhân mọc lên như nấm sau mưa thì cũng có nhiều người, phe nhóm lợi ích lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc tư tưởng cá nhân, hoặc lừa bịp, chiếm đoạt làm băng hoại đạo đức xã hội. Những thông tin mơ hồ, không hề có dẫn chứng, hay chỉ là những đánh giá chủ quan đã được họ đưa lên mạng một cách dễ dãi khiến cho thông tin đã nhiễu loạn càng nhiễu loạn hơn. Vậy nên việc “lọc” được những thông tin đúng đắn, chuẩn mực trong một biển thông tin hỗn độn là rất quan trọng.
Có những người tiếp nhận thông tin bằng cả cảm xúc và trí óc nên họ dễ dàng phân loại được dạng thông tin họ tiếp nhận, nhưng cũng có rất nhiều người tiếp nhận thông tin chỉ đơn thuần bằng cảm xúc, có khi còn kèm theo cả trí tưởng tượng phong phú nữa nên dễ bị lầm lạc, dễ bị chính thông tin sai khiến hành vi và suy nghĩ của mình, nói đúng hơn là bị chính thông tin làm chủ.
Câu nói nổi tiếng của nhà triết học cổ đại Re - nê Đê - các - tơ: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại” được rút gọn từ câu nói của chính ông “Tôi nghi ngờ nên tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Mạnh Tử cũng đã từng nói “Nếu tin cả vào sách thì đừng đọc sách còn hơn”. Bộ môn Tâm lý học cũng cho rằng “Nghi ngờ là nền tảng của niềm tin”. Vậy mới thấy nghi ngờ là yếu tố cần đầu tiên khi mình tiếp nhận thông tin. Phải biết nghi ngờ, phải biết đặt ra những câu hỏi sáng suốt để chọn được một thông tin chính thống thì mới mong tìm được những ý nghĩa cần thiết ở trong thông tin đó. Thường thì những tờ báo mạng có uy tín, có thẩm quyền và tôn chỉ mục đích rõ ràng thì việc kiểm duyệt thông tin trước khi đăng sẽ khắt khe hơn. Nhưng ngược lại cũng có rất nhiều tờ báo mạng đăng bất kể thông tin gì mà họ có được miễn là thu hút được nhiều người truy cập, thông tin càng giật gân, càng dùng nhiều từ mạnh thì họ càng tận dụng triệt để. Yếu tố sự thật chỉ là yếu tố phụ đối với những tờ báo như thế này. Vậy nên, cân nhắc và cảnh giác khi đứng trước những thông tin như vậy là điều rất cần thiết đối với người đọc.
Ngày nay internet đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Sự kết nối của nó rất cao, sự lan tỏa của nó càng cao hơn. Nhưng để tận dụng Internet một cách hợp lý nhất, phù hợp với cuộc sống nhất thì không phải ai cũng có thể làm được. Thiết nghĩ, lựa chọn thông tin cũng như lựa chọn hàng hóa, người đọc hay người tiêu dùng càng thông thái bao nhiêu, càng tìm hiểu kỹ nguồn gốc, tác dụng của mặt hàng đó bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội sở hữu một món hàng tốt bấy nhiêu. Mỗi người hãy tự tạo cho mình một bản lĩnh lựa chọn thông tin để có thể nhận được những thông tin chính thống, mang lại nhiều hữu ích cho chính cuộc sống của mình, tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia vào những việc bất lợi, thậm chí gây tổn hại đến người khác, đến xã hội và đến cả lợi ích quốc gia.
Đừng để mọi việc trở nên rối rắm một cách không đáng có như câu chuyện cổ tích “Một chuyện có thật” của văn hào Andecxen nổi tiếng của đất nước Đan Mạch xa xôi kia.
Phương Ngọc