Cần bổ sung quy định liên quan Mặt trận Tổ quốc trong giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đất đai

Hoài Thu 27/09/2022 14:23

(Baonghean.vn) - Vừa qua, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai sửa đổi; đồng thời tập hợp các ý kiến kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng về việc cần sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi các quy định liên quan vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đất đai.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một liên minh, chính trị, liên hiệp tự nguyện có chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Giám sát và phản biện xã hội được Hiến pháp năm 2013 quy định. Tuy nhiên các quy định liên quan Mặt trận Tổ quốc trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này chưa tương xứng và chưa phù hợp với vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bởi vậy, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có ý kiến, tổng hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo luật lần này.

Trong Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng đã nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách pháp luật về đất đai. Tuy nhiên qua rà soát, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này chỉ có 06 điều quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (các điều 77, 78, 79, 223, 227, 229). Trong đó chủ yếu là quy định về vai trò vận động, thuyết phục khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… mà còn thiếu vắng quy định về vai trò giám sát, phản biện xã hội được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW.

Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai sửa đổi ở điểm cầu Nghệ An. Ảnh tư liệu: HT

Hầu hết trong các quy định của Luật Đất đai sửa đổi chỉ nhắc đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Mặt trận Tổ quốc các cấp khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật này. Và nội dung của các quy định về Mặt trận Tổ quốc cấp xã chỉ là xây dựng, thuyết phục người dân thực hiện, xác nhận biên bản việc tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, tái định cư; được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cấp xã hoà giải tranh chấp đất đai.

Chỉ có 01 quy định ở điều 223 của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan. Nhưng giám sát như thế nào, giám sát ai và giám sát công việc gì về quản lý và sử dụng đất đai thì Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không quy định cụ thể.

Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc các cấp kiến nghị: Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Quy định rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt. Quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xã hội trong phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giám sát việc thực hiện và phản biện.

Các nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể:

Bổ sung vào Chương II các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, trong đó có: Quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai; Quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp cụ thể; Quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ chế để thực hiện.

Bổ sung vào Chương IV quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát và phản biện xã hội việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình.

Bổ sung vào Chương V quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc giám sát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trên địa bàn của cấp mình.

Bổ sung vào Chương VI quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, huyện trong việc giám sát và thu hồi đất, trưng dụng đất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Bổ sung vào Chương VII quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất. Dự thảo đưa ra quy trình lấy ý kiến nhân dân nêu rõ nội hàm nhân dân là ai? (quy định như luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là đại diện hộ); vai trò của Mặt trận và HĐND như thế nào? Phải đưa ra nguyên tắc đồng thuận, và quy định xử lý kết quả khi lấy ý kiến bằng phiếu về phương án bồi thường, tái định cư. Giả sử phương án đưa ra 80% số hộ trên địa bàn không đồng tình thì có dùng phương án đó nữa hay không hay làm lại phương án khác?

Đoàn công tác UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra dự án tái định cư đại lộ Vinh - Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Trong dự thảo hiện nay, quy định chỉ khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, người dân không đồng thuận mới cần đến Mặt trận vào cuộc. Tuy nhiên, cần quy định thêm về việc Mặt trận phải cần vào cuộc ngay từ bước thông báo thu hồi đất, phê duyệt phương án đền bù. Bên cạnh sự vận động, thuyết phục thì Mặt trận cần có tiếng nói phản biện từ khi xây dựng đề án.

Nghị quyết số 18 đưa ra một quy định nhân văn, đó là đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Các ý kiến gửi tới MTTQ Việt Nam đưa ra ý kiến về việc người dân có quyền lựa chọn 1 trong 3 hình thức tái định cư: nhận tiền tự tìm đất, nhà tái định cư; nhận đất, nhà trong khu tái định cư; nhận đất, nhà trong khu dân cư. Dù người dân lựa chọn hình thức nào cũng cần quy định sự giúp đỡ của chính quyền, mặt trận, đoàn thể để người dân có đất, có nhà ở và cuộc sống hơn nơi cũ. Thực tiễn tại địa phương cho thấy, trong quá trình triển khai ban đầu người dân rất ủng hộ, nhận tiền để thực hiện tái định cư. Nhưng sau một thời gian giá đất tăng cao thì người dân không tìm được đất tái định cư đã đề nghị trả lại tiền đền bù, vì vậy cần giải quyết chỗ ở của người dân đã đồng ý để người dân trả lại tiền đền bù. Luật Đất đai chưa có quy định vấn đề này nên đề nghị nghiên cứu đưa vào dự thảo luật lần này.

Trong Chương IX về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Chương X về tài chính và đất đai, chương XII về chế độ sử dụng các loại đất, Chương XIII về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cần bổ sung vào các quy định quyền của công dân trong việc giám sát việc quản lý và sử dụng đất. Đồng thời, quy định các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho công dân giám sát và phản biện xã hội đối với việc quản lý và sử dụng đất đai liên quan đến vấn đề này.

Trong Chương XV quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, nếu các chương trước không bổ sung quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong các khâu của quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai, thì Chương này phải quy định cụ thể, không thể quy định chung chung như Khoản 2 Điều 223, Điều 224 về giám sát của công dân đối với việc quản lý sử dụng đất đai. Cần bổ sung vào Khoản 4 hình thức giám sát qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình.

Mới nhất

x
Cần bổ sung quy định liên quan Mặt trận Tổ quốc trong giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO