Cán cân sức mạnh Đông Á bất lợi cho Trung Quốc

01/03/2016 15:14

(Baonghean) - Để có cái nhìn toàn cảnh về tình hình Đông Á 2 tháng đầu năm 2016 và dự báo những diễn biến tiếp theo trong thời gian tới, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

P.V: Thưa Thiếu tướng, ông có thể tóm lược tình hình Đông Á trong 2 tháng đầu năm 2016?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đầu tháng 1/2016, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H. Sự kiện này đến nay vẫn đặt ra nhiều nghi vấn song đã tạo luồng phản ứng dữ dội trên thế giới. Một tháng sau, Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo dưới danh nghĩa đưa vệ tinh vào quỹ đạo, với tốc độ lên đến gần 10 km/s, đồng nghĩa với khả năng nước này có thể đưa tên lửa đến vùng Viễn Tây và các căn cứ chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương. Bốn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng không phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã bị vi phạm nghiêm trọng.

1
Việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo dưới hình thức đưa vệ tinh vào quỹ đạo vô hình trung đẩy Trung Quốc vào thế bất lợi. Ảnh minh họa: Reuters/KCNA.

Giữa tháng 2/2016, Trung Quốc lắp đặt 2 khẩu đội với 8 bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và triển khai hệ thống radar tần số cao phục vụ mục đích quân sự tại các đá mà nước này chiếm trái phép của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc đặt cột radar cao tới 20m tại Đá Châu Viên với mưu đồ phát hiện, cảnh báo sớm mọi máy bay, tàu thuyền qua Eo biển Malacca và từ Nam Singapore đi vào Biển Đông.

Những hành động của Trung Quốc thực chất là nhằm quân sự hóa Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, đặt Biển Đông vào tình thế hết sức phức tạp, đe dọa an ninh, an toàn hàng không, hàng hải qua vùng biển này. Biển Đông là 1 trong 5 tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, vì vậy những hành động phi pháp của Bắc Kinh đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên thế giới, thu hút sự theo dõi của cộng đồng quốc tế.

P.V: Thiếu tướng có thể cho biết đâu là động cơ khiến Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và lắp đặt radar trái phép trong thời điểm hiện nay?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết, phải nói rằng triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm và lắp radar ở Đá Châu Viên là hành động nằm trong chiến lược “chống tiếp cận” mà Trung Quốc đưa ra năm 2005, thông qua mọi biện pháp mà chủ yếu là xây dựng các căn cứ quân sự không quân, tên lửa, hải quân, radar,… để hình thành tổ hợp quân sự từ đảo Hải Nam đến Phú Lâm (Hoàng Sa), Trường Sa của Việt Nam và các đảo khác, giám sát và cảnh báo sớm mọi máy bay, tàu thuyền của nước ngoài (chủ yếu là của Mỹ) đi vào Biển Đông. Như vậy, những hành động vừa qua của Trung Quốc thực chất là những bước tiếp theo nằm trong tính toán lâu dài tiến tới mưu đồ khống chế và độc chiếm Biển Đông.

Thứ hai, phải lưu ý rằng những hành động của Bắc Kinh đều nằm trong chuỗi kế hoạch và chiến lược thống nhất, nhưng về mặt thời điểm triển khai luôn được Trung Quốc tính toán cẩn thận. Ngày 16/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc hội kiến đặc biệt với 10 quốc gia thành viên ASEAN tại California và đưa ra tuyên bố chung gồm 17 nguyên tắc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, hàng hải ở Biển Đông.

Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN là văn kiện mang tính lịch sử khi lần đầu đồng thuận về những nguy cơ đe dọa đến khu vực Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, không làm thay đổi nguyên trạng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc triển khai tên lửa và radar nhiều khả năng nhằm “cảnh cáo” ASEAN chớ hợp tác với Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc và gián tiếp “dằn mặt” Washington không nên can thiệp vào Biển Đông.

Bên cạnh đó, vẫn còn nguyên nhân khác dẫn tới việc Bắc Kinh chọn gây hấn tại Biển Đông trong bối cảnh các cường quốc thế giới đang có những bận tâm khác, khi Nga và Mỹ đang dồn sức vào Syria với liên tiếp 2 thỏa thuận ngừng bắn, khi Mỹ đang tập trung vào chặng nước rút cuộc đua tranh chiếc ghế Tổng thống, khi châu Âu đang căng mình đối phó với người nhập cư và kịch bản Anh rời khỏi Liên minh (Brexit),... Nhìn sâu xa, phải thấy rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc bao giờ cũng gắn với chính sách đối nội. Mỗi lần trong nước có vấn đề phức tạp, Bắc Kinh lại chọn cách “gây sự” với láng giềng để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân, giảm sức căng trong nước.

Gần 1 năm nay, Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức đầy bức thiết cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị - xã hội: kinh tế rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán nhiều lần chao đảo, nhà đầu tư mất lòng tin, chính sách chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình tỏ ra hiệu quả, được lòng dân nhưng lại “động chạm” đến lợi ích nhiều tập đoàn quốc doanh,… Họ triển khai những hành động vừa qua nhiều khả năng nhằm chuyển hướng chú ý của người dân trong nước, tạm quên đi những vấn đề nội bộ chưa giải quyết.

P.V: Tại sao Mỹ và các nước trong khu vực lại phản ứng dữ dội trước các hành vi của Triều Tiên và Trung Quốc, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Với Triều Tiên, do nước này đã vi phạm 4 Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nên xét trên phương diện luật pháp quốc tế thì chắc chắn họ sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án. Còn với Trung Quốc, hành động triển khai tên lửa HQ-9 và lắp radar tần số cao đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác vì 2 lý do. Thứ nhất, hòa bình phát triển là xu thế tất yếu và chủ đạo hiện nay, thế nhưng Trung Quốc lại gây sự, quân sự hóa khu vực biển lưu thông 1/3 khối lượng hàng hóa của thế giới, động chạm lợi ích của nhiều quốc gia nên làn sóng phản ứng động thái hung hăng của Bắc Kinh là điều dễ hiểu. Thứ hai, thế giới thấy rằng giữa lời nói và hành động thực tế của Trung Quốc nhiều khi rất khập khiễng.

P.V: Theo Thiếu tướng, những sự kiện vừa phân tích làm phát sinh hậu quả gì đối với Triều Tiên, Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hậu quả dễ nhận thấy nhất từ hành động thử bom H và phóng vệ tinh của Triều Tiên chính là bầu không khí nóng hơn bao giờ hết tại khu vực Đông Bắc Á trong 2 tháng đầu năm nay. Khi nhân loại chưa kịp thở phào nhẹ nhõm trước biến chuyển tích cực tại chảo lửa Syria thì ở Đông Á lại tiềm ẩn nguy cơ bùng phát những mối lo khác. Rõ ràng hành động của Triều Tiên, cộng hưởng với những hành vi vừa qua của Trung Quốc đã làm mất ổn định và phức tạp thêm tình hình Đông Á, khiến con đường hàng không, hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới trở nên thiếu an toàn. Đó chính là lý do khiến đa phần giới chuyên gia nhận định điểm nóng nhất thế giới trong 2 tháng đầu năm 2016 chính là Đông Á.

Những hậu quả bước đầu đối với thế giới rất đáng quan ngại, nhưng tôi cho rằng hậu quả trực tiếp đối với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh còn lớn hơn nhiều. Hành động phóng tên lửa, thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên vô hình trung khiến Mỹ xích lại gần Hàn Quốc và Nhật Bản hơn, tạo thế gọng kìm lơ lửng trên đầu Bình Nhưỡng. Do vậy theo tôi đây chính là sai lầm lớn nhất của Triều Tiên.

2
Tuyên bố Mỹ-ASEAN đưa ra giữa tháng 2 kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, không làm thay đổi nguyên trạng. Ảnh: Internet.

Phản ứng đáp trả của Washington bằng cách lần lượt đưa thêm vũ khí, khí tài vào khu vực, và gần đây nhất là đạt thỏa thuận với Seoul về việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa, trực tiếp đe dọa Bình Nhưỡng và gián tiếp đe dọa Bắc Kinh. Trong khi Trung Quốc đang làm mọi cách để phá vỡ tam giác Mỹ-Nhật-Hàn thì Triều Tiên lại “vô tình” giúp củng cố chặt chẽ hơn liên minh này, thực chất càng tăng thêm mối đe dọa đối với Trung Quốc. Nói cách khác, cán cân sức mạnh tại Đông Á nghiêng hẳn về phía bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn là tổn thất không thể bù đắp đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, về phần mình, dù không nói ra nhưng trong vòng 2 thập niên trở lại đây Trung Quốc chủ trương từng bước đẩy “cái gai” Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương - Đông Á. Chính sách “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Obama từ năm 2011 cũng khiến Trung Quốc bất bình, phản ứng bằng mọi biện pháp. Thế nhưng, động thái quân sự hóa của Trung Quốc lại càng “giữ chân” Mỹ ở lại, buộc Mỹ cấu kết chặt chẽ hơn với các cường quốc khu vực như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ,…

P.V: Thiếu tướng có nhận định và dự báo như thế nào về tình hình tại Đông Á trong thời gian tới? Cộng đồng quốc tế cần phải làm gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo nhận định của chính giới Trung Quốc, 2016 là năm thuận lợi nhất để họ hoàn tất quân sự hóa trái phép Biển Đông, tranh thủ khi chính quyền Obama bận rộn với những mối lo khác để hoàn chỉnh sân bay quân sự, đưa máy bay tiêm kích, máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm, tàu chiến,… ra Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ lắp thêm tên lửa chống hạm tầm xa, triển khai tên lửa đạn đạo xuống các đảo, đá mà Trung Quốc chiếm trái phép của Việt Nam. Theo tôi, đến hết năm nay, Trung Quốc sẽ dồn toàn bộ lực lượng để quân sự hóa Biển Đông, tiến tới khống chế khu vực bằng “luật lệ kiểu Trung Quốc”, ép máy bay, tàu thuyền đi qua phải “xin phép” nước này. Tình hình Biển Đông sẽ trở nên căng thẳng, dồn dập hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, thực tế là nếu hành động của Trung Quốc vượt quá một giới hạn nhất định, vấp phải làn sóng tẩy chay của thế giới, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ sụp đổ, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là cộng đồng quốc tế phải nhận thức đầy đủ những ý đồ sâu xa của Trung Quốc, cùng nhau lên tiếng phản đối quyết liệt những hành động phi pháp của nước này để duy trì xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Á nói riêng và toàn thế giới nói chung.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cán cân sức mạnh Đông Á bất lợi cho Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO