Cần có cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ thành phố Vinh phát triển xứng tầm
(Baonghean.vn) - Nội dung này được đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành uỷ Vinh đề cập tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An vừa được tổ chức ngày 16/9.
Đồng chí Phan Đức Đồng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, cần cơ chế, chính sách vượt trội và các nguồn lực, bằng sự phân cấp, phân quyền phù hợp, riêng biệt để hỗ trợ thành phố Vinh phát triển xứng tầm.
Bí thư Thành uỷ Vinh Phan Đức Đồng nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về định hướng phát triển và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; các quyết định số: 2468 và 827 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Vinh đã đạt được những kết quả khá tích cực, một số lĩnh vực như: Thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế... đã hình thành yếu tố trung tâm vùng. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của tỉnh và Trung ương, thành phố Vinh chưa trở thành đô thị vượt trội so với các đô thị khác trong khu vực. Phần lớn các lĩnh vực được định hướng ưu tiên phát triển của thành phố theo Nghị quyết số 26 chưa đạt mục tiêu đề ra.
Hạn chế trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do thiếu nguồn lực, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phù hợp, không gian phát triển chậm được mở rộng để thành phố phát triển xứng tầm với vai trò là đầu tàu hội nhập, tiên phong phát triển và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu của vùng. Những nguyên nhân, điểm nghẽn này đã được Trung ương, tỉnh, thành phố đánh giá, phân tích rất kỹ trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đã khẳng định:"...cần tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung Bộ", tiếp tục xác định sự phát triển của thành phố Vinh đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thông qua Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh với lộ trình hoàn thành trong năm 2024, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thành phố phát triển. Được Trung ương và tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ là niềm vinh dự, song cũng là trách nhiệm, thử thách lớn đòi hỏi thành phố Vinh phải nỗ lực cao, quyết tâm cao để thực hiện.
Bí thư Thành uỷ Vinh cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Vinh đã đánh giá toàn diện các vướng mắc, điểm nghẽn, nhận diện lại các tiềm năng, lợi thế, động lực phát triển, định hình thứ tự ưu tiên, từ đó đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ nhất, chủ động tham mưu, phối hợp, sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính, tạo không gian cho thành phố phát triển; kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với xây dựng, thực hiện chương trình phát triển đô thị. Thực hiện tốt phân vùng phát triển đô thị và các khu chức năng, hình thành đô thị biển hiện đại, có sức hấp dẫn cao, hài hòa với cảnh quan, thiên nhiên, có điểm nhấn đa dạng về kiến trúc.
Phối hợp, triển khai lập, quản lý, thực hiện tốt quy hoạch chung vùng Nam Nghệ - Bắc Hà; đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị hướng biển dọc hai bờ Sông Lam. Điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư để tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển với các địa phương phụ cận, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị.
Thứ hai, tập trung huy động mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng số, nhanh chóng đưa thành phố Vinh trở thành động lực tăng trưởng, liên kết và lan tỏa phát triển định hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo chính của tỉnh Nghệ An và của vùng. Xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án “Thành phố ánh sáng” gắn với xây dựng đô thị thông minh, tạo điểm nhấn đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế đêm.
Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, tạo động lực để đột phá phát triển giao thông như: Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Vinh, ga Vinh, cảng nước sâu Cửa Lò, các tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường kết nối thành phố Vinh với thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn. Tập trung thu hút đầu tư, với cơ chế ưu đãi phù hợp để khai thác tốt tiềm năng biển Cửa Lò, phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.
Thứ ba, phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó ưu tiên tập trung phát triển hệ thống giáo dục, y tế, sớm đưa thành phố Vinh trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ưu tiên triển khai đề án cơ cấu lại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, lấy Đại học Vinh làm nòng cốt để xây dựng Trung tâm đào tạo tầm cỡ khu vực và thế giới. Tăng cường hợp tác về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc tế.
Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm y tế chuyên sâu, trình độ cao; tiếp tục phát triển một số bệnh viện thành bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối, có vai trò vùng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng thành phố thông minh, từng bước đưa thành phố Vinh trở thành thành phố ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm đổi mới - khởi nghiệp - sáng tạo của vùng và cả nước. Lấy doanh nghiệp làm nền tảng, khoa học - công nghệ làm trụ cột, tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Xây dựng mạng lưới thông tin khoa học công nghệ trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nền tảng phát triển kinh tế số.
Thứ tư, tập trung cao, tạo đột phá vượt bậc về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn. Xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, chuyên nghiệp, hiện đại lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và hiệu quả thu hút nguồn lực phát triển.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; đồng thời, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.
Thứ năm, đề nghị tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền cho thành phố trên các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố. Theo đó, đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết phù hợp đối với nguồn thu trên địa bàn, tạo nguồn lực cho thành phố đầu tư phát triển; ủy quyền, phân cấp triệt để trong công tác quy hoạch xây dựng; tuyển dụng, tổ chức nhân sự, trong quy hoạch mạng lưới, mô hình dạy học, tỷ lệ giáo viên/lớp...
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá nêu trên, thành phố Vinh xác định, cần nâng cao năng lực quản trị và tính chuyên nghiệp; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ. Thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ tư duy, sức sáng tạo trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, tạo sự lan tỏa trong toàn thành phố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn mới.
Để sớm đạt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, là đô thị hạt nhân của vùng, Bí thư Thành uỷ Vinh Phan Đức Đồng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, trong thời gian tới, thành phố Vinh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, các ban, bộ, ngành và tỉnh bằng các cơ chế, chính sách vượt trội và các nguồn lực, bằng sự phân cấp, phân quyền phù hợp, riêng biệt để hỗ trợ thành phố Vinh phát triển xứng tầm vai trò và vị thế trung tâm vùng, góp phần cùng tỉnh Nghệ An thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.