Cần có cơ chế tạo việc làm cho nông dân Hạ Sơn sau thu hồi đất

16/01/2012 14:30

(Baonghean.vn) - Hết năm 2011, Công ty cổ phần Sữa TH sẽ thu hồi đất sản xuất trồng mía của bà con xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp để trồng cỏ nuôi bò sữa. Vấn đề đặt ra hiện nay là mặc dù Công ty đã "mua đứt, bán đoạn" đất trồng mía, trả tiền đền bù cho dân, nhưng về lâu dài, không có đất sản xuất thì bà con Hạ Sơn sẽ rất khó khăn.


Chỉ cách trung tâm huyện 25 km, nhưng để vào được Hạ Sơn phải mất hơn 2 giờ đồng hồ. Con đường thi công dang dở gập ghềnh chỉ toàn ổ voi, ổ trâu, nhiều chỗ lầy thụt. Ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn cho biết: Hạ Sơn là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Hợp, tỷ lệ hộ nghèo tại đây vẫn chiếm dưới 40%. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào cây mía. Hiện toàn xã có 960 ha mía,trong năm 2011, Công ty cổ phần Sữa THđền bù cho dân để thu hồi đất sản xuất trồng mía750 ha. Dự án thu hồi 750 ha đất, nông dân vừa mừng nhưng lại vừa lo. Mừng là sẽ có khoản tiền đền bù, nhưng lo là sau khi bị thu hồi đất, nông dân sẽ không có việc làm, cuộc sống của người dân sẽ khó khăn hơn.


Men theo con đường mòn, chúng tôi về Dốc Dài (khu vực thu hồi đất). Anh Lê Văn Lưu ở xóm Xiểm cho hay: Năm nay mía đạt năng suất khá cao, dự tính đạt 70 tấn/ha, 3 ha mía có 210 tấn, bán với giá 900 đ/kg, thu được 170 triệu đồng. Trừ chi phí, một vụ trồng mía cũng được 100-120 triệu đồng/3 ha/năm. Nhưng sang vụ tới thì Công ty cổ phần Sữa TH sẽ thu hồi 1,7 ha, chỉ còn lại 1,3 ha đất mía nữa, gia đình rất lo không biết có đảm bảo cuộc sống hay không khi thiếu đất. Anh Lưu tâm sự thêm: "Dẫu biết rằng sẽ có tiền đền bù từ đất mía, nhưng theo nguyện vọng của người dân chúng tôi thì vẫn muốn có đất làm ăn, còn hơn là ôm một "cục" tiền đền bù. Hiện nay, Công ty đã đo đạc, hầu hết diện tích bị thu hồi là đất "đẹp", bằng phẳng, còn lại 1,3 ha chủ yếu đất triềng đồi vệ cằn cỗi, trồng mía đạt năng suất thấp".


Anh Đậu Xuân Hải ở xóm Xuân Sơn -Hạ Sơn phàn nàn: "Gia đình có 3 ha mía, sẽ bị thu hồi 2 ha, nhưng đến tận thời điểm này người dân chúng tôi vẫn chưa biết là Công ty sẽ thu hồi đất vào thời điểm nào, chưa biết giá cả đền bù ra sao, có thoả đáng hay không.Công ty cần phải khẩn trương nói rõ thời gian thu hồi đất để chúng tôi không mất thời gian chăm sóc vụ mía năm 2012".


Được biết, ngay từ thời điểm ngày 21/7/2011, UBND huyện Quỳ Hợp đã có Thông báo số 64/TB-UBND "Về việc thu hồi đất". Tổng diện tích thu hồi là 7.412.894,5m2, thuộc khu vực Dốc Dài, xã Hạ Sơn. Lý do thu hồi đất: Để thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa TH. Yêu cầu các tổ chức, gia đình đình chỉ trồng mới các loại cây, xây mới các công trình.

Như vậy là thông báo của UBND huyện đã hơn 5 tháng, nhưng hầu hết người dân cũng chưa biết Công ty sẽ thu đất thời gian nào. Ngay như ông Lê Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn khi trả lời với PV báo cũng rất mơ hồ: "Thời điểm này, Công ty mới thuê người đo đạc diện tích thu hồi xong, chứ giá cả đền bù và thời gian thu hồi thì tôi chưa biết, vì Công ty chưa có thông báo chính thức.


Theo nhiều người dân thì việc thu hồi đất sẽ tác động đến đời sống của hàng trăm hộ dân, sẽ có tới trên 50% số lao động không có việc làm. Trung bình mỗi hộ thu hồi đất sẽ có 1,5 lao động rời vào tình trạng không có việc làm, sẽ có khoảng trên 10 lao động thất nghiệp/ha. Như vậy, để khắc phục tình trạng này, Công ty CP Sữa TH phải cần có kế hoạch tạo điều kiện có việc làm cho người lao động. Cụ thể là thuê người lao động địa phương chăm sóc diện tích cỏ, hoặc Công ty phối hợp với các ngành liên quan cần có cơ chế đào tạo, chuyển đổi nghề cho nông dân.


Ông Trần Thái, một người dân địa phương lo lắng: Quả thật, lo nhiều hơn mừng, vì khi nhận được tiền đền bù thì một số hộ dân sẽ chuyển sang lĩnh vực khác, nhưng sợ không hiệu quả. Như phát triển chăn nuôi thì vùng đất ở Hạ Sơn vốn quanh năm thiếu nước không thể trồng được rau để phục vụ chăn nuôi, chỉ duy nhất là cây mía chống chọi được với hạn tồn tại ở vùng đất này. Kinh, buôn bán dịch vụ cũng rất khó vì vùng này dân cư thưa thớt, điều kiện đi lại khó khăn. Nhận được tiền đền bù, sợ nhiều gia đình sẽ ăn tiêu hết, đến lúc hết tiền, hết đất không biết làm gì, sẽ nảy sinh ra nhiều tệ nạn xã hội.


Người dân Hạ Sơn đang mong chờ hướng giải quyết việc làm từ phía Nhà máy Sữa TH, chính quyền địa phương để đời sống của họ sau khi nhà máy thu hồi đất được đảm bảo.


Văn Trường

Cần có cơ chế tạo việc làm cho nông dân Hạ Sơn sau thu hồi đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO