Cần có giải pháp đồng bộ

08/05/2013 18:13

Số lượng và chất lượng đảng viên có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn vùng miền núi, dân tộc đang gặp không ít khó khăn.

(Baonghean) - Số lượng và chất lượng đảng viên có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn vùng miền núi, dân tộc đang gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh từng cấp ủy chăm lo phát triển đảng viên, liên tiếp hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI (2005 – 2010) và khóa XVII (2010 – 2015), công tác phát triển đảng đã được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt với hàng loạt các nghị quyết, đề án, kết luật được ban hành, như: Nghị quyết 17 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; đề án thành lập các chi bộ đảng ở những xóm, bản, khối phố chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên; đề án nâng cao chất lượng đảng viên; ban hành Quy định 767 về điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp người vào Đảng; Nghị quyết số 18 về củng cố hệ thống chính trị vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số; định kỳ có sơ kết, tổng kết, ban hành các kết luận tiếp tục chỉ đạo như Kết luận số 09 và Kết luận số 10...

Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng đã ban hành một số chủ trương cụ thể như tăng cường sỹ quan biên phòng về công tác ở các xã biên giới, vùng biển; cử cán bộ, đảng viên về cắm bản, vận động quần chúng tạo nguồn kết nạp đảng, thành lập tổ chức đảng khi có điều kiện. Nhờ đó, ở khu vực miền núi, dân tộc từ chỗ có hàng chục xóm, bản chưa có đủ điều kiện để thành lập chi bộ ở đầu nhiệm kỳ trước (2005 – 2010) thì đến thời điểm này cơ bản đã xóa xóm, bản “trắng” chi bộ và đảng viên.

Xã Thanh Phong (Thanh Chương) cùng nằm trong xu thế chung lực lượng thanh niên ở lại địa phương sau tốt nghiệp THPT ngày càng ít dần, nhưng Đảng ủy xã Thanh Phong đã trăn trở, phát huy thế mạnh của một đảng bộ mạnh, có số lượng đảng viên đông, Đảng ủy giao trách nhiệm cho các đoàn thể tạo nguồn trong từng tổ chức của mình, từ đó xét đưa đi học lớp nhận thức về Đảng. Bằng cách đó, năm 2012, Thanh Phong có 20 người được cử đi học cộng với một số người gối năm trước để kết nạp 17 người (chỉ tiêu huyện giao kết nạp 10 đảng viên). “Trong thời gian tới, công tác phát triển đảng viên ở xã Thanh Phong vẫn không quá khó khăn. Năm 2013 này, chúng tôi có nguồn đi học 17 người cộng 3 người học năm 2012 để kết nạp. Hiện tại ở Thanh Phong hướng phấn đấu của thanh niên và các hội viên các đoàn thể rất tốt, rất có chí hướng vào Đảng, vấn đề là cần phải tạo môi trường để các quần chúng vào Đảng phấn đấu tốt hơn” – Đồng chí Trần Ngọc Sơn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Phong rất lạc quan.

Ở Tân Kỳ, Huyện ủy và từng cấp uỷ cơ sở đều quan tâm, tìm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm cụ thể, tìm biện pháp, giải pháp khắc phục. Huyện ủy Tân Kỳ cũng đã ban hành Nghị quyết củng cố các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị vững mạnh. Các cấp ủy quan tâm phân công công tác cho đảng viên phụ trách từng lĩnh vực để đảng viên đi sâu và hiểu được quần chúng, từ đó phát hiện các nhân tố tích cực để bồi dưỡng, rèn luyện, đưa vào nguồn kết nạp đảng viên; gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ cơ sở. Đồng thời quan tâm tạo nguồn và kết nạp đảng đối với các vùng đồng bào dân tộc ít người. Với cách làm đó Tân Kỳ từng bước khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đảng, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng số kết nạp năm 2011 là 174/164 đảng viên, đạt 110% kế hoạch; năm 2012 kết nạp 160/144 kế hoạch. Chia sẻ kinh nghiệm, đồng chí Bùi Thanh Bảo - Phó Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ, cho rằng: “Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo huyện luôn quan tâm công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở về công tác kết nạp đảng.

Khó, vì thiếu nguồn

Nằm cách trung tâm xã Nga My (huyện Tương Dương) 15km, bản Na Kho có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, giao thông đi lại khó khăn, các phương tiện thông tin truyền thông khó được tiếp cận và người dân gần như “cách ly” với bên ngoài. Trình độ và nhận thức nói chung của người dân, nhất là nhận thức chính trị, mục tiêu, lý tưởng vào Đảng rất hạn chế. Một bộ phận thanh niên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng thì đi làm ăn xa, bộ phận còn lại ở nhà thì không ít người rơi vào nghiện ngập và mắc vào tệ nạn xã hội. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cản trở công tác kết nạp đảng viên ở một bản nơi vùng cao biên giới này. “Chúng tôi tìm một quần chúng ưu tú kết nạp để kế nhiệm nhưng vẫn chưa có” - đồng chí Lê Văn Toàn - Bí thư Chi bộ bản Na Kho, cho hay.



Lãnh đạo huyện Tương Dương làm việc với bản Phá Kháo - xã Mai Sơn về biện pháp chống di cư trái phép. Ảnh: V.H

Tương tự Na Kho, Chi bộ Xốp Kho nhiều năm nay cũng chưa kết nạp được đảng viên nào. “Mặc dù Ðảng ủy xã liên tục đôn đốc, nhắc nhở các chi bộ nông thôn quan tâm, xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng, nhưng tình trạng chung là các chi bộ không tìm được nguồn để bồi dưỡng, kết nạp, dẫn đến ngày càng “già hóa” đảng viên” - đồng chí Lương Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Nga My chia sẻ. Khá hơn một chút, ở Chi bộ Tùng Hương, xã Tam Quang, sau 7 năm kiên trì phấn đấu nay đã kết nạp được 1 đảng viên là đồng chí Lô Văn Thắm, hiện là trưởng bản.

Việc kết nạp đảng viên Lô Văn Thắm được coi là “thành tích” lớn của chi bộ Tùng Hương, xóa được tình trạng “trắng” đảng viên trong cốt cán của bản, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các nghị quyết của chi bộ, đảng bộ ở bản. Không riêng ở Nga My, Tam Quang mà nhìn rộng toàn huyện Tương Dương mấy năm gần đầy công tác phát triển đảng viên đang có xu hướng giảm; có những chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Năm 2011, hơn 200 chi bộ khối nông thôn trong toàn huyện chỉ kết nạp được 96 đảng viên và 79 đảng viên trong năm 2012. Thực trạng này không tránh khỏi những ảnh hưởng đối với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Ở huyện miền núi thấp Thanh Chương, công tác phát triển đảng viên cũng đang gặp không ít khó khăn. Tại xã Thanh Liên, số đảng viên được kết nạp hàng năm chỉ đạt khoảng 80% chỉ tiêu kế hoạch. Trong số đảng viên được kết nạp, chủ yếu từ nguồn giáo viên các trường học, nhân viên trạm y tế xã. Cụ thể, năm 2012, trong số 10 đảng viên được kết nạp, có tới 6 giáo viên. “Dù không quá cầu toàn, không đòi hỏi cao nhưng vẫn không kết nạp được đảng viên nào” - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Liên, đồng chí Nguyễn Xuân Vỹ chia sẻ.

Khó hơn là các xã Thanh Thủy, Cát Văn, Thanh Tiên, cả năm 2012 chỉ kết nạp được 2 đảng viên; các xã Thanh Mai, Thanh Hòa, Thanh Đức kết nạp được 1 đảng viên. “Mặc dù công tác phát triển đảng viên đã được cấp ủy quan tâm, đưa vào tiêu chí thi đua; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để từ đó tạo uy tín và sức hút của Đảng, song công tác phát triển đảng ở các TCCSĐ nông thôn miền núi – dân tộc vẫn bế tắc. Điều này dẫn đến năm 2012 vừa qua có nhiều TCCSĐ không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên mà cấp ủy giao” - đồng chí Trần Đình Loan – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương, cho biết.

Cần có biện pháp hữu hiệu

Bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay ở khu vực nông thôn vùng miền núi, dân tộc, đoàn viên, thanh niên được coi là lực lượng “xương sống” để phát triển đảng viên mới thì nay lực lượng này đã giảm đi rất nhiều. Dẫn chứng tại xã Thanh Liên (Thanh Chương) trong năm 2011, toàn xã có 294 em tốt nghiệp THPT, trong số đó có 107 em học tiếp lên đại học, cao đẳng; 35 em xuất khẩu lao động; 150 thanh niên còn lại thì hơn một nửa đi lao động ở phía Nam. Năm 2012 xã có 191 em tốt nghiệp THPT, trong đó có 97 em học tiếp đại học, cao đẳng; 40 em xuất khẩu lao động; chỉ còn 54 em chủ yếu đi lao động ở Lào và các tỉnh miền Nam, số ở lại địa phương rất ít. Do không có lực lượng thanh niên tại địa phương nên có chi đoàn như chi đoàn Liên Yên mặc dù bí thư chi đoàn đã ngoài 30 tuổi nhưng không có ai để thay thế; hay một số chi đoàn phải lấy học sinh cấp 3 về tham gia sinh hoạt ghép để “nuôi” phong trào ở địa phương. Theo đó nguồn đảng viên trẻ ở các chi bộ cũng dần ít đi, hiện tượng “già hóa” đảng viên ngày càng tăng.

Thực tiễn là vậy! Vấn đề đặt ra là cần phải có giải pháp mang tính “căn cơ”, có tính chiến lược, tạo tiền đề vững chắc trong công tác phát triển đảng viên nói chung và từng địa bàn cụ thế nói riêng. Riêng đối với khu vực nông thôn miền núi, dân tộc, đó là phải quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, đưa các nhà máy có quy mô vào địa bàn, tạo việc làm, lấy lao động nông thôn là lực lượng chính, “ly nông, bất ly hương”, hạn chế sự phân tán lực lượng lao động ở nông thôn. Riêng vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số do sức ì quá lớn, trình độ dân trí lại thấp, vì vậy cần phải thay đổi mạnh mẽ về nhận thức để họ tự vươn lên, từ đó tạo ra nhân tố, quần chúng tích cực có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để tạo nguồn cho Đảng. Cần chú trọng bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong đoàn viên, hội viên trong hệ thống Mặt trận như các đoàn thể phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh...

Rõ ràng, công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn vùng miền núi, dân tộc đang đặt ra những khó khăn. Ngoài thiếu nguồn là nguyên nhân chính vẫn phải thẳng thắn để nói ở một số cấp ủy chưa thể hiện sự quyết liệt, ráo riết trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Đảng trong các đoàn viên, hội viên. Các TCCSĐ cần thật sự chăm lo, coi việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng.


Mai Hoa, Thanh Lê

Cần có giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO