Cần có kịch bản riêng cho từng lễ hội
(Baonghean.vn) - Với 25 lễ hội được tổ chức mỗi năm, kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Mười Âm lịch, Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều lễ hội nhất cả nước. Tuy nhiên, lễ hội ở Nghệ An hiện vẫn còn nhiều điều trăn trở, suy nghĩ….
Từ xa xưa Nghệ An đã có rất nhiều lễ hội và đầy đủ các loại hình như lễ hội cầu ngư, lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử, tưởng niệm danh nhân… trong đó có nhiều lễ hội cấp vùng, có quy mô và ảnh hưởng lớn, như Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Quả, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội đền Mai Hắc Đế…. Do nhiều yếu tố lịch sử nên một thời gian dài các lễ hội đã bị mai một, bắt đầu từ năm 1993 mới dần dần được phục dựng, mở đầu là lễ hội Đền Cuông. Từ đó đến nay, nhiều lễ hội đã được phục hồi, song song với đó là một số lễ hội mới mang ý nghĩa giáo dục gắn với danh nhân, gắn với các di tích lịch sử, du lịch như Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Sông nước Cửa Lò, Lễ hội Uống nước nhớ nguồn.
Múa khắc luống ở lễ hội hang Bua.
Qua các lễ hội, tạo điều kiện môi trường tốt cho sự giao lưu, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo điều liện cho nhân dân thực sự làm chủ các di sản văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của chính mình, làng mình, dân tộc mình đúng với ý nghĩa và bản chất vốn có của lễ hội. Cũng qua đó, tạo cho quần chúng nhân dân nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ, trân trọng, giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Đặc biệt, lễ hội với các phần lễ được tổ chức công phu, sáng tạo, trong đó có nhiều lễ hội thể hiện được bản sắc vùng miền, như lễ hiến trâu ở lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), lễ cúng các ông Tạo có công lập 9 bản 10 mường ở lễ hội hang Bua (Quỳ Châu), lễ chạy Ói ở lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu), lễ rước ở lễ hội Vua Mai (Nam Đàn), lề rước hến ở lễ hội đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên) đã tạo được dấu ấn riêng trong các lễ hội. Tính xã hội hóa trong phần lễ ở một số lễ hội cũng đã được phát huy, nhiều lễ hội các hoạt động trong lễ như vật phẩm cúng tế, tham gia đội hành lễ trong lễ đại tế đều do người dân địa phương đứng ra đảm nhận như lễ hội đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên), Lề hội đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc), lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương)… Chính nhờ những hoạt động mang tính xã hội hóa đó, lễ hội đã thực sự đã “trở về với dân” theo đúng như bản chất vốn có của nó.
Về phần hội, các địa phương đã biết khai thác giá trị văn hóa qua các trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ tướng, bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo… Các hình thức văn nghệ truyền thống như: hát dân ca, hát phường vải, hát nhuôm, lăm, khắp, biểu diễn cồng chiêng cũng đã được khai thác và phát huy ở hầu hết các lễ hội. Ngoài ra, ở một số lễ hội đã mạnh dạn thể nghiệm một số các các loại hình nghệ thuật mới, các môn thi đấu thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng đá mi ni, thi làng vui chơi, làng ca hát, thi người đẹp…
Tuy đã có những nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của lễ hội nhưng xung quanh việc tổ chức lễ hội hiện nay vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Nói về lễ hội ở Nghệ An, ông Nguyễn Đức Kiếm – Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, cho rằng: Do có sự “bùng nổ” về lễ hội nên không tránh khỏi sự “na ná” nhau giữa các lễ hội, đặc biệt là ở các lễ hội miền xuôi. Các lễ hội mà chúng ta phục hồi chưa được nghiên cứu một cách công phu, chưa có một tổ chức nào chuyên lo nghiên cứu về lễ hội và cũng chưa có tác phẩm nào được coi là có giá trị về mặt lễ hội… vì thế không tránh khỏi trong khi nghiên cứu và phục hồi lễ hội còn thiếu hiểu biết. Ví như Lễ cáo tại đền Cuông: theo cổ xưa là do các cụ cao tuổi mà trực tiếp là dân làng tứ thôn (thôn Tập Phúc, Cao Quan, Cao Ái và Yên Phụ) đứng ra yết cáo vào đêm 14/2 âm lịch rất gọn nhẹ tại đề mang ý nghĩa kính thỉnh các vị thần linh về dự lễ vào sáng hôm sau. Nay thì chúng ta làm quá rầm rộ, vật phẩm tế quá nhiều…
Tình trạng ăn xin còn khá phổ biến ở các lễ hội.
Việc ở một số lễ hội, các địa phương chấp nhận đồ, hiện vật cúng tiến quá nhiều, thiếu sự chọn lọc, hướng dẫn làm ảnh hưởng đến cấu trúc của di tích và không gian tổ chức của lễ hội. Bên cạnh đó, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình vẫn còn xuất hiện như ở lễ hội đền Hoàng Mười, đền Cuông. Về phía người dân, còn tình trạng chen lấn, xô đẩy, thắp hương tràn lan, không đúng nơi quy định. Một số lễ hội chạy theo thị trường, mang tính quảng bá cho thương mại, du lịch nên trong việc tuyên truyền, trang trí còn thiếu tính truyền thống (Lễ hội du lịch Cửa Lò)…
Theo ông Nguyễn Đức Kiếm, để lễ hội “thu hút được nhiều người cần có sự đầu tư thời gian, kinh phí, tập huấn, nghiên cứu cơ bản về lễ hội. Trên cơ sở đó đầu tư kinh phí để xây dựng đề cương kịch bản cho từng lễ hội. Việc tổ chức lễ hội cần phải tuân theo đúng lịch truyền thống và quan tấm đến việc sưu tầm nghiên cứu các tích trò truyền thống của từng lễ hội”… Cần có cơ chế tổ chức, quản lý lễ hội phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm của các lễ hội từng địa phương; giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong tổ chức lễ hội, tránh khuynh hướng thương mại hóa làm sai lệch bản chất, nội dụng của lễ hội; coi trọng và tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm…
Mỹ Hà