Cần “cú hích” đủ mạnh
(Baonghean) - Đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển là một trong những mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế biển ở Nghệ An. Hiện nay, cùng với việc đầu tư nâng cấp Cảng Cửa Lò, Cảng Đông Hồi (Hoàng Mai) và Cảng nước sâu ở Nghi Thiết (Nghi Lộc) cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay tại các dự án này là tiến độ rất chậm.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty CP Nhật Việt tại Nghệ An phàn nàn: “Doanh nghiệp chúng tôi hiện có 2 tàu vận tải biển, cứ 4 ngày có một chiếc tàu (trọng tải 10.000 tấn) ra vào Cảng Cửa Lò, nhưng do luồng lạch ở đây bị bồi lắng, 1 ngày chỉ có vài giờ thủy triều lên tàu mới vào được cảng. Bên cạnh đó, tàu thường bị vướng mắc vào các lồng nuôi cá bè và tàu đánh cá của ngư dân neo đậu ngay trong cảng. Những sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, thời gian nhận hàng, mà còn gây nhiều phiền toái, phát sinh chi phí…”.
Đại diện hãng tàu Nhật Việt, kể lại: “Mới đây, tàu VS Pacific lúc cập cầu tàu tại Cảng Cửa Lò đã làm đứt dây neo của 1 thuyền cá, nguyên nhân do thuyền cá thả dây neo quá dài nên không thể phát hiện được, khi xẩy ra sự việc này, hoa tiêu, đại diện của cảng, Đồn biên phòng, đại lý đã giải quyết xong sự việc, nhưng khi chuẩn bị khởi hành, thì có một số tàu cá vây quanh tàu VS Pacific nên chưa thể rời được cảng, phải chờ các cơ quan liên quan giải quyết sự việc”. Được biết, những vụ việc này thường xuyên xẩy ra tại Cảng Cửa Lò mà các cấp, ngành liên quan vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, do đó chủ tàu thường ái ngại mỗi khi ra vào Cảng Cửa Lò.
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cửa Lò. |
Hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam cấp kinh phí từ 20 – 25 tỷ đồng phục vụ cho việc nạo vét, duy tu luồng lạch ở Cửa Lò để bảo đảm độ sâu của luồng là – 5,5 m, phục vụ cho tàu có trọng tải từ 10 – 15.000 tấn, nhưng luồng lạch vẫn thường xuyên bị bồi lắng. Để bảo đảm tính bền vững và an toàn cho tàu ra vào cảng, Cảng Nghệ Tĩnh đang khởi động dự án nâng cấp luồng cho tàu trọng tải lớn, theo đó sẽ đầu tư nối dài kè Nam của cảng thêm 250 m và tiến hành nạo vét luồng sâu – 7,5 đến 8 m.
Ông Lê Doãn Long – Giám đốc Công ty TNHH 1TV Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Sau khi dự án này hoàn thành, Cảng Cửa Lò sẽ đón được tàu trọng tải lớn ra vào cảng, đó là cơ sở để cảng phấn đấu năm 2015 sẽ đạt con số 3 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Với vị trí quan trọng của Cảng Cửa Lò, Chính phủ đã quy hoạch nơi đây trở thành cảng đầu mối quốc gia loại 1. Để đáp ứng được yêu cầu này, Cục Hàng hải và doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy dự án mở rộng thêm bến tàu số 5, 6 với chiều dài của mỗi cầu tàu 200 m, sâu – 7,5 m, đón tàu có trọng tải từ 10 – 15.000 tấn, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng của khách hàng thông qua cảng”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ có duy nhất Cảng Cửa Lò đang hoạt động, do vậy việc đầu tư nâng cấp là rất cần thiết, nhưng điều đáng buồn là các dự án tại cảng đang thực hiện rất chậm. Dự án nâng cấp luồng cho tàu trọng tải lớn đã bị ngưng trệ trong thời gian dài, nếu được cấp vốn kịp thời, dự kiến cuối năm 2013 này mới bắt đầu khởi động. Hay dự án nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa cũng phải chờ vào nguồn vốn đầu tư và nếu thuận lợi, trong thời gian tới mới chỉ tiến hành xây dựng bến số 5, còn bến số 6 thì tiếp tục đợi vốn. Hiện tại Cảng Cửa Lò đã trang bị máy móc, phương tiện hiện đại, như: Cần cẩu chân đế; cẩu hạng nặng; xe nâng Container; máy xúc; máy ngoạm; tàu lai dắt; hệ thống kho kín và bến tàu số 1, 2, 3, 4… Với thực tế hiện nay, Cảng Cửa Lò nỗ lực rất lớn cũng chỉ dự kiến trong năm 2013 đạt sản lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 2,3 triệu tấn và điều mong muốn có những con số ấn tượng hơn còn phụ thuộc vào việc hoàn thành các dự án đầu tư.
Thời gian qua, một dự án đầu tư cảng biển ở tỉnh ta thu hút được sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như người dân, đó là Cảng nước sâu. Từ năm 2009, tỉnh đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam thuê tư vấn nghiên cứu quy hoạch chi tiết và dự án đã khởi công từ cuối năm 2010. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 490,7 triệu USD, được chia thành 3 giai đoạn đầu tư, bảo đảm cho tàu 10 vạn tấn cập bến an toàn. Khi hoàn thiện (2030) sẽ đảm bảo năng lực bốc xếp 12 -17 triệu tấn hàng hóa/năm.
Vị trí xây dựng cảng là giữa mũi Rồng và mũi Gà thuộc xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) với các hạng mục chính: Đê chắn sóng, bến cầu tàu, cầu dẫn, luồng tàu và hệ thống văn phòng làm việc, kho chứa hàng, các thiết bị. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 148, triệu USD, xây dựng trên diện tích 20 ha, 2 bến bảo đảm tàu 30 - 50.000 tấn cập cảng an toàn, năng lực bốc xếp 3,5 - 4 triệu tấn/năm. Cảng xây dựng xa bờ ở độ sâu – 10 m, tách biệt với khu hậu cần, liên kết giao thông giữa 2 khu vực là tuyến cầu dẫn và đường dẫn dài khoảng 3,5 km.
Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội không chỉ đối với tỉnh Nghệ An mà của nước bạn Lào và các tỉnh đông bắc Thái Lan. Song đến nay, sau gần 3 năm khởi công dự án, tiến độ vẫn là “khởi công xong rồi để đó”. Mặc dù lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan đã nhiều lần đề cập đến tiến độ dự án với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tài chính, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Cùng với đó, trong thời gian qua tỉnh ta đã vận động đầu tư dự án Cảng biển Đông Hồi, Tổng Công ty CN Xi măng Việt Nam (Vicem) là chủ đầu tư dự án Cảng Vicem Đông Hồi. Cũng sau một thời gian dài chuẩn bị cho công tác đầu tư, dự án này dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014. Theo chủ đầu tư cho hay: “Dự kiến Cảng Vicem Đông Hồi sẽ đón được tàu có trọng tải 50.000 tấn, có thể đạt 80.000 tấn ra vào, với thời gian hoạt động khoảng 300 ngày/năm.
Ngoài việc phục vụ cho các đơn vị của Vicem, Cảng Đông Hồi còn bảo đảm hỗ trợ các đơn vị khác có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua cảng. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 đầu tư từ năm 2014 – 2015 với mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Hiện nay Vicem đang đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo đầu tư xây dựng công trình”. Thế nhưng qua tìm hiểu được biết, hiện tại dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa có nguồn điện, nước, khu tái định cư… Và việc đáp ứng được những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật tại khu vực này cũng đang là vấn đề nan giải…
Đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển là một trong những mục tiêu quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế biển ở Nghệ An. Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho dự án hoạt động, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chủ đầu tư trong việc thực hiện tiến độ, đồng thời kiên quyết xử lý những dự án chậm tiến độ.
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh