Cần đảm bảo chính sách thai sản cho lao động nữ trong các doanh nghiệp
(Baonghean) - Chế độ nghỉ thai sản 6 tháng cho lao động nữ đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/5/2013. Thực hiện theo quy định mới này, nhiều phụ nữ sau khi sinh đã được tạo điều kiện để nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có không ít trường hợp không được hưởng chính sách về hỗ trợ sau khi sinh chỉ vì đơn vị chậm hoặc không đóng BHXH.
Đang mang bầu tháng thứ 9, nên chị Phạm Thị Ngoan - công nhân Công ty CP Minh Anh Kim Liên (Khu Công nghiệp Bắc Vinh) đang nghỉ ở nhà chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Chị cho biết, bắt đầu từ tháng thứ 7 của thai kỳ, chị đã được công ty cho hưởng chế độ giảm 1 giờ lao động trong ngày (vẫn được hưởng đủ lương theo quy định); ngoài ra được tạo điều kiện thời gian đi khám thai định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Gia đình chị đang phải thuê trọ, phòng ở chật chội nên chị dự định sẽ về quê sinh con để tiện bề chăm sóc. “May mắn là theo quy định mới, chúng tôi được nghỉ thai sản 6 tháng, đây sẽ là thời gian để các bà mẹ được phục hồi sức khỏe sau sinh. Có đủ thời gian nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những tháng đầu đời nên con sẽ cứng cáp, lúc đi làm chúng tôi cũng yên tâm hơn” - chị Ngoan chia sẻ.
Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An với hơn 8.000 lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp Nam Cấm, Bắc Vinh, Hoàng Mai… trong đó, công nhân nữ chiếm khoảng 70% (phần lớn đang ở độ tuổi sinh đẻ). Thời gian qua, theo đánh giá của Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, phần lớn các công ty đều thực hiện đúng chế độ chính sách cho nữ công nhân lao động, trong đó có chế độ thai sản. Tiêu biểu là những công ty lớn, liên doanh với nước ngoài đều thực hiện đúng Bộ Luật Lao động về chế độ cho công nhân nữ như: Công ty TNHH Matrix, Công ty cổ phần Minh Anh Kim Liên…
Tuy vậy, không phải nơi nào lao động nữ cũng được nghỉ chế độ theo đúng quy định. Điều này thường xảy ra ở những công ty tư nhân, công ty có nhiều lao động thời vụ. Chị Hồ Thị Ngân, Công ty TNHH Hải Hiền, Khu Công nghiệp Hưng Lộc cho biết: “Trong công ty có chừng 20 công nhân nhưng số lao động được đóng BHXH chỉ chiếm 1/3, tập trung chủ yếu vào bộ phận lái xe, kế toán, thủ quỹ, còn chị em công nhân thì không có BHXH”. Còn chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty TNHH Thành Đô cho biết: “Công ty không phải không cho chúng tôi đóng BHXH nhưng nếu đóng thì chúng tôi phải đóng 100%. Hiện lương của chúng tôi chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đóng làm gì? Không có BHXH nên chị em cũng không quan tâm nhiều đến chế độ nghỉ thai sản là 4 hay 6 tháng vì nghỉ việc đồng nghĩa với không có lương. Thậm chí nếu nghỉ quá lâu còn có thể mất việc”.
Lao động nữ làm việc tại Công ty bật lửa ga 1 Trung Lai. |
Thực tế, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm khiến nhiều chị em sau khi sinh không được nhận chế độ thai sản như quy định của Bộ luật Lao động. Chị Thái Thị Hương Thảo, nguyên nhân viên của Công ty Nạo vét đường biển 2 là một trong những trường hợp đó. Mặc dù chị sinh con từ tháng 7/2007 nhưng đến tháng 9/2013 chị vẫn chưa được thanh toán chế độ thai sản vì công ty đang nợ BHXH. Không biết trông cậy vào đâu, buộc chị phải gửi đơn kiến nghị lên cơ quan BHXH để mong được chốt sổ BHXH vì từ ngày sinh đến nay đã gần 6 năm.
Tương tự, trường hợp của chị Bùi Thị Liên, công nhân làm đường của Công ty CPXD và TM 423, mặc dù chị sinh con từ tháng 11/2012 nhưng đến 7/2013 chị mới được thanh toán vì đơn vị chậm nộp BHXH. Nói về việc thực hiện chế độ thai sản cho người lao động hiện nay, chị Trần Thị Thơm, cán bộ phòng Chế độ BHXH - BHXH tỉnh cho biết: “Chế độ thai sản là một trong những thắc mắc mà phòng chúng tôi nhận được nhiều nhất thông qua website của BHXH tỉnh. Nếu xét về thủ tục, quy trình thì chỉ cần 5 ngày sau khi cơ quan người lao động gửi hồ sơ về BHXH là đã được giải quyết xong. Còn lại, các trường hợp vướng mắc chủ yếu là do đơn vị không đóng hoặc chậm đóng BHXH”.
Để xử lý những trường hợp này, cơ quan BHXH Việt Nam đã đưa ra quy định: Nếu người lao động đóng BHXH đến thời điểm nào thì thanh toán chế độ cho người lao động đến thời điểm đó. Nghĩa là dù đơn vị vẫn đang nợ tiền bảo hiểm nhưng trước thời điểm người lao động sinh con đơn vị đã đóng thì vẫn được hưởng chế độ. Còn sinh thời điểm sau khi nợ BHXH thì không được thanh toán. Thiệt thòi nhất là những đối tượng này, vì đa phần trong thời gian nghỉ sinh đơn vị không trả lương mà hoàn toàn do cơ quan BHXH thanh toán.
Theo tổng hợp của cơ quan BHXH tỉnh, đến thời điểm này, tổng số đơn vị nợ BHXH trên toàn tỉnh lên đến 278 đơn vị với tổng số tiền gần 63 tỷ đồng. Tình trạng không nộp BHXH khá phổ biến ở các doanh nghiệp tư nhân. Qua khảo sát tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm ở các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 12,79%. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng nghìn lao động nữ mới sinh hoặc chuẩn bị sinh con sẽ không được hưởng chế độ thai sản theo như quy định. Đây thực sự là một thiệt thòi lớn cho người lao động, bởi chi trả chế độ thai sản cùng với việc tạo điều kiện để lao động nữ được nghỉ từ 4 lên 6 tháng sau khi sinh là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài một số nguyên nhân như doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kinh tế gặp nhiều khó khăn thì nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của chủ sử dụng lao động. Về phía người lao động, một phần do thiếu hiểu biết pháp luật, do nhu cầu công việc, một phần do người lao động chỉ quan tâm đến vấn đề thu nhập, chỉ đến khi sinh đẻ, tai nạn, bệnh tật xảy ra hoặc về hưu mà không được hưởng chế độ, quyền lợi thì mới lên tiếng đấu tranh.
Ông Phạm Quang Thu, Phó phòng Phổ biến pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Thực trạng này đòi hỏi hơn nữa vai trò của các tổ chức công đoàn ở các nhà máy, xí nghiệp. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, đến cuối năm 2012 toàn tỉnh có hơn 7.300 doanh nghiệp nhưng chỉ có 205 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (chiếm tỷ lệ 2,81%). Vậy nên, ở các công ty này không có thỏa ước tập thể, không có những chế độ điều chỉnh để đảm bảo chế độ cho người lao động. Khi chủ doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động hoặc không thực hiện đúng các chính sách, người lao động không có chỗ dựa, không được hướng dẫn tuyên truyền” –. Điều đó, cũng lý giải vì sao, vài năm trở lại đây đã dẫn đến các vụ đình công, tập trung ở các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Đa phần các vụ đình công chủ yếu là do chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng các chính sách cho người lao động như chế độ tiền lương, nghỉ ốm, thai sản…
Để góp phần thực hiện tốt chính sách cho người lao động, hàng năm Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện chương trình phối hợp công tác. Qua đó, đã tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Lao động, chính sách bảo hiểm xã hội mới cho hàng nghìn công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã tổ chức hàng chục cuộc thanh tra chuyên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Lao động. Riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 đã kiểm tra tại hơn 100 doanh nghiệp và tiến hành xử phạt gần 150 triệu đồng.
Song song với hoạt động kiểm tra, đoàn liên ngành cũng đã chú ý giám sát, phát hiện những vướng mắc trong thực hiện chính sách tiền lương, tiền công, chính sách BHXH, BHYT, BHTN… và kịp thời có các giải pháp đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Trong năm 2013, cơ quan BHXH cũng ráo riết xử lý những doanh nghiệp cố tình chây lười, nợ kéo dài. Theo đó, ngoài tiến hành khởi kiện, BHXH tỉnh đã gửi danh sách những đơn vị nợ nhiều sang Sở Lao động Thương binh & Xã hội để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, công bố tên của các doanh nghiệp nợ BHXH lên các cơ quan thông tin đại chúng. Hi vọng rằng, bằng nhiều giải pháp quyết liệt này, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH sẽ được hạn chế, giúp người lao động, đặc biệt là lao động nữ sớm được giải quyết chính sách và được hưởng các chế độ ưu tiên về thai sản theo như quy định của Nhà nước.
Bài, ảnh:Mỹ Hà – Minh Nguyệt