Cần đánh giá chính xác giá trị Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền

12/03/2013 21:59

Theo một số tài liệu, Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) được đánh giá là độc đáo, có giá trị. Vậy nhưng, đến nay vẫn chưa có một khảo sát, nghiên cứu nào thật công phu, khoa học để đánh giá chính xác giá trị của khu di chỉ này.

(Baonghean) Theo một số tài liệu, Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) được đánh giá là độc đáo, có giá trị. Vậy nhưng, đến nay vẫn chưa có một khảo sát, nghiên cứu nào thật công phu, khoa học để đánh giá chính xác giá trị của khu di chỉ này.

GẶP gỡ một số cán bộ văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh, được biết, thông tin về Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền có tại cuốn Tương Dương địa chí văn hóa và xã bản (Phó GS Ninh Viết Giao chủ biên) và tập Kỷ yếu Hội thảo Đền Vạn - Cửa Rào “Di tích và Lễ hội”. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đọc thì thông tin của Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền khá ít và chưa thực sự thuyết phục bởi chưa dẫn ra được các cứ liệu khoa học. Tại cuốn Kỷ yếu Hội thảo Đền Vạn - Cửa Rào “Di tích và Lễ hội”, có duy nhất bài viết “Những giá trị bước đầu của Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền xã Xá Lượng, huyện Tương Dương” của tác giả Võ Duy Thanh - Trưởng ban Quản lý Di tích Danh thắng Nghệ An. Trong bài viết này, tác giả Võ Duy Thanh khẳng định, Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền độc đáo và có giá trị nhất trong số những di chỉ được phát hiện trong khu vực. Tác giả viết “…Di chỉ khảo cổ học Đồi Đền có diện tích khá rộng nằm sau đền Vạn - Cửa Rào. Qua màu sắc có thể nhìn thấy một khoảng đất màu đen rộng 1000m2 là lớp đất văn hóa của di chỉ đã bị đào xới, cán bộ khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh gốm thô. Trong hố thám sát 2m2 đã thu lượm được bôn có vai bằng đá xanh, 11 viên cuội và mảnh cuội không có vết chế tác, cùng 57 mảnh gốm thô. Tại đây còn thu được một đống xương, răng động vật, qua giám định thì đó là xương của trâu, hươu, nhím, lợn.

Ngoài khu đất phía sau đền Vạn - Cửa Rào, ở phía Nam sườn hơi dốc tạo thành hình yên ngựa, cán bộ khảo sát cũng phát hiện được hiện vật đá và gốm tập trung thành từng nhóm có lẫn với xương người. Trên nền đất màu vàng, qua quan sát, những người khai quật cho rằng đây là khu mộ cổ do nhân dân cải tạo thành những khu ruộng bậc thang nên hiện vật tập trung thành từng nhóm. Hiện vật ở đây thu được gồm có: 1 bôn đá có vai bằng đá xanh, 1 mặt lồi, một mặt lõm; 2 mảnh lưỡi rìu tứ giác mài nhẵn; 1 mũi nhọn, 1 hòn chì lưới; 1 hiện vật giống lin ga; 1 bàn mài có rãnh lõm hình lòng máng; 1 bàn mài còn hai mặt có 2 rãnh sâu. Đồ gốm ở đây tương đối nhiều và có đặc điểm cần chú ý, gốm ở đây thường pha cát thô, nhiều hoa văn khắc vạch trên miệng. Có hiện tượng bôi thổ hoàng trên miệng hiện vật cả trong lẫn ngoài, cả trước và sau khi nung. Ở đây còn thu được 2 bát tương đối nguyên, bát có chân đế tương đối rộng, xương đen, không có áo, trang trí hoa văn khắc vạch và hình học kiểu chữ S cuộn tròn kết hợp với văn chấm không đều gần gũi với phong cách gốm văn hóa Phùng Nguyên....”.



Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền trong Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào.

Thông tin về Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền tại cuốn Tương Dương địa chí văn hóa và xã bản còn ít hơn. Nội dung về Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền như sau: "... Trên đất Tương Dương, các nhà khảo cổ học mới tìm thấy dấu vết văn hóa đồ đồng thời sơ khai tại Xá Lượng và Tam Đình. Ở Xá Lượng, di chỉ văn hóa được tìm thấy ở cồn Đền hay còn gọi là Đồn Đền. Cồn Đền nằm ở ngay Cửa Rào, nơi hai sông Nậm Mộ, Nậm Nơn hợp lưu để thành sông Cả, thường gọi là sông Lam. Ở đây các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các lưỡi rìu bằng đá có vai hay hình chữ nhật, chỉ làm lưới và đọi xe chỉ bằng đất nung, cùng với nhiều đồ gốm. Đồ gốm ở đây gồm có các loại bình, nồi, bát... một số được bôi sơn đỏ (thổ hoàng) ở miệng hay được trang trí hoa văn khắc gạch. Một số trang trí gần gũi với gốm văn hóa Phùng Nguyên ở đồng bằng Bắc bộ...".

Trên cơ sở thông tin từ 2 cuốn "Tương Dương địa chí văn hóa và xã bản" và Kỷ yếu Hội thảo Đền Vạn - Cửa Rào “Di tích và Lễ hội”, chúng tôi đã gặp ông Vi Sắt Son - Trưởng phòng văn hóa huyện để hỏi về những hiện vật được nêu trong các bài viết. Theo ông Son, các hiện vật mà các nhà khảo cổ tìm được tại Khu di chỉ được lưu tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh.



Chiếc chuông voi và chuỗi hạt đất nung, tìm thấy tại Đồi Đền được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Nghệ An.

Lật tìm danh bạ của hơn 20 nghìn hiện vật Bảo tàng tổng hợp tỉnh lưu giữ, chúng tôi được biết tại đây chỉ có 2 hiện vật thuộc Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền, gồm: 1 chiếc chuông voi bằng đồng và một chuỗi hạt đeo tay nhỏ bằng đất nung. Nhưng 2 hiện vật này không khớp với những hiện vật mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền như trong hai cuốn sách trên nêu. Tìm gặp ông Võ Duy Thanh - tác giả bài viết “Những giá trị bước đầu của Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền xã Xá Lượng, huyện Tương Dương”, ông cho biết thông tin về Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền được khai thác từ Viện Khảo cổ học. Theo ông Võ Duy Thanh, Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền được phát hiện trên cơ sở người dân trong khu vực tăng gia sản xuất và do mưa gió bồi lở. Từ đó, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học đã có 2 đợt tiến hành khai quật (vào năm 1973 và năm 1979). Tuy nhiên, đó mới chỉ là các cuộc điều tra thám sát, vậy nên chưa thể đánh giá được đầy đủ về giá trị về vật chất và tinh thần của khu di chỉ này...

Từ những thông tin có được, có thể hiểu, giá trị thực của Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền chỉ được sáng tỏ khi nơi đây được tiến hành khai quật một cách thật quy mô và khoa học. Theo chúng tôi, bên cạnh những giá trị văn hóa, lịch sử của Đền Vạn - Cửa Rào đã được khẳng định, ngành VHTT&DL cần giúp huyện Tương Dương đánh giá đúng và phát huy giá trị của Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền. Có gắn kết được các giá trị của Đền Vạn - Cửa Rào và khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền, nơi đây mới thực sự là một danh thắng có sức hấp dẫn.


Nhật Lân

Mới nhất
x
x
Cần đánh giá chính xác giá trị Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO