Cần đánh thức tiềm năng du lịch miền Tây Nghệ An

25/08/2014 10:15

(Baonghean) - Miền Tây Nghệ An gồm 10 huyện và 1 thị xã, có diện tích 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích đất toàn tỉnh. Dân số 1.153.933 người, trong đó có 44 vạn đồng bào dân tộc. Đây là vùng có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Miền Tây Nghệ An là một trong các vùng lõi di sản thiên nhiên với các khu bảo tồn: Vườn Quốc gia Pù Mát có 2.494 loài thực vật, 1.781 loài động vật; Khu Bảo tồn Pù Hoạt với 763 loài thực vật, 184 loài động vật; Khu bảo tồn Pù Huống với 1.122 loài thực vật, 362 loài động vật và những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như: Thác Sao Va, Khe Kèm, sông Giăng,… là những điểm đến cho khách du lịch tham quan, chiêm ngưỡng và nghiên cứu.

Thi Ẩm thực miền Tây. Ảnh: Sỹ Minh
Thi Ẩm thực miền Tây. Ảnh: Sỹ Minh

Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ học: Di chỉ làng Vạc - một di tích khảo cổ học cấp Quốc gia; hang Thẩm Ồm, Hang Bua (Quỳ Châu) vừa là thắng cảnh tự nhiên, vừa là những di tích lịch sử; miền Tây Nghệ An còn là một vùng đất đa dạng về văn hóa với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống: Múa sạp, Múa xòe của đồng bào dân tộc Thái; Múa khèn của dân tộc Mông; điệu “Suối, Lăm, Khắp” của người Thái; Hát tơm của dân tộc Khơ Mú;… đã trở thành những sinh hoạt văn hóa mang sắc thái riêng của đồng bào dân tộc miền Tây Nghệ An. Phong tục, tập quán và lễ hội rất đa dạng và phong phú, đậm chất dân gian: Lễ hội Làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa (TX. Thái Hòa); Lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong; Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu; Lễ hội Mường Ngam ở Quỳ Hợp…

Miền Tây Nghệ An có các dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông... với nguồn nhân lực dồi dào, hầu hết người dân rất hiếu khách, thân thiện, cởi mở. Theo kết quả điều tra của Đề tài “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An”: có 93% người dân được hỏi khẳng định thích khách du lịch ghé thăm cộng đồng của mình, 99,4% khẳng định ủng hộ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; 98,8% muốn du khách ghé thăm quan nhà ở và 96,9% muốn khách du lịch đến lưu trú tại nhà mình. Khi tìm hiểu du khách qua phiếu điều tra có 65,2% cho rằng, thái độ người dân là thân thiện, cởi mở với khách. Kết quả trên cùng với những tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn là những cơ sở quan trọng trong việc xây dựng du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An.

Triển khai phát triển du lịch và du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An trong những năm gần đây, các huyện miền Tây và Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An đã xây dựng được một số điểm mô hình du lịch cộng đồng như: Bản Yên Thành, bản Nưa, bản Xiềng (huyện Con Cuông), bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) và các tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch nội vùng và nội tỉnh. Mặc dầu đã có những cố gắng nhất định, nhưng khách đến các điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An những năm qua còn rất ít, doanh thu về du lịch rất thấp, đóng góp không đáng kể vào nguồn thu nhập của cộng đồng. Năm 2009, bản Yên Thành có 126 lượt khách, doanh thu 40 triệu đồng; năm 2010 có 127 lượt khách thu 39 triệu đồng; năm 2011 còn 108 lượt khách, doanh thu 32 triệu đồng. Qua điều tra xã hội học, thời gian lưu trú của khách rất ít: lưu trú 1 ngày 43%; 2-3 ngày 21,7%; trên 3 ngày 14,3% (tỷ lệ % trên tổng mẫu phiếu điều tra).

Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết phải kể đến là chất lượng nguồn lao động của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu sự liên kết trong công tác chỉ đạo của các ban, ngành; thiếu các dự án hỗ trợ ban đầu về du lịch cộng đồng cho người dân... Để khai thác hết tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng nguồn thu cho cộng đồng dân cư và các địa phương, trước hết, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên toàn bộ địa bàn miền Tây Nghệ An.

Với tiềm năng của của mình, miền Tây Nghệ An có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái gắn với tiềm năng tự nhiên như Vườn quốc gia Pù Mát, các khu bảo tồn thiên nhiên...; Du lịch thám hiểm, Du lịch lữ hành. Trong đó, cần xác định rõ du lịch cộng đồng là loại hình du lịch gắn liền với cộng đồng, giải quyết việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân cư. Thứ hai, xây dựng chiến lược thị trường khách du lịch và các giải pháp thu hút khách. Cần phải phân khúc khách du lịch miền Tây Nghệ An: tham quan nghiên cứu sinh thái, nghiên cứu tài nguyên du lịch nhân văn, tập trung vào phong tục, tập quán, lễ hội, du lịch cộng đồng, thám hiểm... Thứ ba, tăng cường hỗ trợ cộng đồng phát triển du lịch, tạo nguồn nhân lực địa phương trong làm dịch vụ du lịch. Khu vực miền Tây Nghệ An còn rất khó khăn về các mặt, muốn du lịch cộng đồng phát triển được, cần hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và du lịch, nâng cao trình độ dân trí, nhất là trình độ chuyên môn về du lịch, hỗ trợ cộng đồng các trang, thiết bị cơ bản về vật chất, kỹ thuật du lịch để tạo điều kiện ban đầu phục vụ du khách. Thứ tư, nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng thông qua việc bảo tồn, tôn tạo các tài nguyên nhân văn của cộng đồng dân tộc, bản sắc văn hóa của các dân tộc, đảm bảo tính bền vững của việc phát triển du lịch cộng đồng. Thứ năm, xã hội hóa đầu tư cho du lịch cộng đồng: kêu gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các đoàn lữ hành quốc tế và chính quyền địa phương. Lồng ghép các chính sách xóa đói, giảm nghèo trong phát triển du lịch cộng đồng. Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An một cách thường xuyên, cả ở trong tỉnh, trong nước, khu vực và quốc tế.

Với tiềm năng lớn của miền Tây Nghệ An, phát triển DLCĐ góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế địa phương. Các ngành chức năng cần thực sự vào cuộc để tạo mọi điều kiện cho miền Tây Nghệ An phát triển DLCĐ trong thời gian tới, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An bền vững.

Quốc Minh

Mới nhất

x
Cần đánh thức tiềm năng du lịch miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO